Trẻ khiếm thính nhọc nhằn học chữ “chay”

(Dân trí) -Máy trợ thính là dụng cụ bất ly thân hỗ trợ nghe đối với trẻ khiếm thính, trong khi đó hàng trăm trẻ khiếm thính tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đang nhọc nhằn học chữ vì không có dụng cụ này.

“Dạy học bằng lòng nhiệt thành và tình yêu con trẻ…” 

Chúng tôi về thăm Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) một ngày đầu hè khi hoa phượng nhuốm đỏ một góc trường, tiếng ve kêu gọi hè ríu rít không ngơi hòa cùng tiếng đánh vần ú ớ học chữ giữa nắng trưa của trẻ khiếm thính. Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật này có 97 em khuyết tật nội trú, 55 em ngoại trú, có 9 lớp khiếm thính, 2 lớp khiếm thị, 1 lớp chậm phát triển trí tuệ, 1 lớp tự kỷ và một lớp nghề. Ngoài mức tật nguyền mang trên mình, phần lớn các em đều có hoàn cảnh éo le, đến từ các vùng sâu, vùng xa các tỉnh Gia Lai, Kon Tum hay Đắk Nông…

Có thâm niên giảng dạy ở ngôi trường này lâu nhất là cô giáo Phan Thị Lệ (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và cô giáo Phan Thị Hường (phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột). Bằng tình yêu nghề, lòng nhiệt thành và tình yêu con trẻ, hơn mười năm qua các cô đã nâng niu, chắp cánh cho bao thế hệ học sinh khiếm thính trọn vẹn giấc mơ được thạo con chữ, rành mạch từng ký hiệu ngôn ngữ.

Trẻ khiếm thính nhọc nhằn học chữ “chay”
Cô giáo Phan Thị Hường trong một buổi lên lớp trẻ khiếm thính tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Hơn 10 năm trước. cô Lệ tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục đặc biệt  - Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ngày ra trường cô mang khát vọng lớn lao giúp đỡ trẻ khiếm thính sớm hòa nhập cùng cộng đồng, trở thành người có ích. Thế rồi mọi chuyện như một định mệnh cô được phân công về Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) giảng dạy. Tuy nhiên, thực tế dạy học cho trẻ khiếm thính lại không như mơ ước và những gì cô được học ở trường. Trẻ khiếm thính, khiếm thị đã đành, trên người lại mang cùng lúc nhiều tật nguyền khác nhau, việc dạy học thật sự không đơn giản.

Cô giáo Lệ tâm sự: “Những em khiếm thị tuy mất đi thị giác nhưng bù lại khả năng xúc xác, thính giác, trí nhớ tốt nên việc học chữ nổi cũng không khó lắm. Khó nhất là những em chậm trí tuệ lại mắc hội chứng tự kỷ mới thực sự nan giải. Sau một năm kiên nhẫn vận dụng các phương pháp dạy học cá biệt hóa, một số em mới mới nói được, đọc được, cá biệt có em 5 năm mới bập bẹ 2 chữ “a”, “cô”.

Cũng có thâm niên hơn chục năm gắn bó với trẻ khiếm thính, cô Phan Thị Hường - phụ trách 2 lớp khiếm thính, chia sẻ: “Trẻ khiếm thính cũng có nhiều loại, một số em vừa khiếm thính vừa khuyết tật trí tuệ thì vấn đề tiếp nhận kiến thức vô cùng hạn chế, giảng đi giảng lại bao nhiêu lần nhưng cuối buổi hỏi lại các em chỉ biết lắc đầu. Có hôm giận quá ứa nước mắt chỉ muốn bỏ nghề cho xong…”.

“Có lẽ cái chúng tôi gắn bó với các lớp học khiếm thính, khiếm thị là tình yêu thương, yêu con trẻ. Trẻ khiếm thính, khiếm thị vốn thua thiệt những đứa trẻ khác mọi mặt, tuy nhiên, trong số đó chúng vẫn tôi vẫn bắt gặp nhiều trường hợp thật đáng qúy khi các em nỗ lực vươn lên không ngừng. Ngoài tình thương, lòng nhiệt tình, các em cần nhiều hơn sự quan tâm từ phía xã hội…” - cô Phan Thị Hường tâm sự.

Trẻ khiếm thính nhọc nhằn học chữ “chay”
“Với việc dạy thủ công giáo viên dù cố gắng “hoa chân, múa tay” (ký hiệu ngôn ngữ) cỡ nào cũng chỉ đạt được 50 - 60% chất lượng bài học…”. Trong ảnh: Cô giáo Phan Thị Lệ  cầm trên tay chiếc máy trợ thính.

Lớp học khiếm thính nhưng không có máy trợ thính

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thành lập năm 2001, tên gọi khi đó là Trường Hy vọng với 48 học sinh. Ngoài cơ sở vật chất dạy học, 48 học sinh khiếm thính ở Trung tâm này được hỗ trợ từng đó máy trợ thính. Đến nay số lượng học sinh khiếm thính tại Trung tâm đã trên 100 em, trong khi số máy trợ thính vẫn như cũ, nhiều máy đã hư hỏng không thể sử dụng.

“Số lượng trẻ khiếm thính ở Trung tâm ngày một đông trong khi máy trợ thính phục vụ cho công tác giảng dạy thiếu thốn, chất lượng máy không tốt, nhiều máy đã hư hỏng buộc lòng chúng tôi phải dạy chay, học chay ảnh hưởng đến tiến độ tiếp thu kiến thức của các cháu”, cô giáo Lệ cho biết.

Cô Hường nói thêm: “Nếu có máy trợ thính thì hiệu quả bài học sẽ tốt hơn khi các em được hỗ trợ nghe và tiếp thu dễ dàng hơn. Với việc dạy thủ công giáo viên dù cố gắng “hoa chân, múa tay” (ký hiệu ngôn ngữ - PV) cỡ nào cũng chỉ đạt được 50 - 60% chất lượng bài học…”.

Trao đổi với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Thoa - Phó giám đốc Trung tâm, cho biết: “48 máy trợ thính đã sử dụng hơn 10 năm nhưng số lượng trẻ khiếm thính vào Trung tâm ngày một đông, trong khi nhiều máy đã hỏng nặng, không thể sử dụng vì nghe không chuẩn. Hiện Trung tâm còn khoảng 20 cái máy trợ thính, trong đó chỉ khoảng 10 cái còn nghe, sử dụng được trong khi nhu cầu sử dụng trong các lớp khiếm thính lại lớn. Kinh phí Trung tâm thực sự không có, nên ngoài các khoản hỗ trợ về ăn uống, sinh hoạt, Trung tâm cũng tha thiết, mong mỏi các cấp lãnh đạo quan tâm, đầu tư thêm số lượng máy trợ thính để phục vụ công tác dạy học trong năm tới, chứ trẻ khiếm thính vốn đã thiệt thòi nhiều thứ…”.

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm