Trẻ em phải “sõi” tiếng Việt thì mới được học trường nước ngoài

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thanh Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ GD-ĐT giải thích về quy định “học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài”.

Ngay sau khi Dân trí đăng tin “Trẻ dưới 5 tuổi không được học chương trình nước ngoài” trong nội dung Nghị định 73/2012/NĐ-CP về Hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, nhiều ý kiến độc giả thắc mắc tại sao lại quy định như vậy, liệu có khắt khe với học sinh (HS) Việt Nam…
 
Trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Thanh Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ GD-ĐT cho biết, từ Nghị định 06 đã quy định là trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài chỉ dành cho HS người nước ngoài vì HS chưa biết tiếng Việt. Đối với Nghị định 73 này, cũng đã quy định rõ về loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập là cơ sở giáo dục mầm non (trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, dành cho trẻ em là người nước ngoài. HS Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.
 
 “Quy định bậc học này không cho trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi vào học vì trẻ chưa “sõi” tiếng Việt thì làm sao học được bằng chương trình tiếng nước ngoài. Nhưng trẻ tròn 5 tuổi vẫn được tham gia học chương trình nước ngoài” - bà Huyền khẳng định.
 
Với quy định các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, được phép tiếp nhận HS Việt Nam nhưng số HS Việt Nam ở trường tiểu học và THCS không quá 10% tổng số HS của trường, ở trường THPT không quá 20% tổng số HS trong trường.
 
Giải thích về điều này, bà Huyền cho biết: “Đây là trường dành cho HS nước ngoài. HS Việt Nam muốn có nhu cầu học thì phải có tỷ lệ nhất định vì nếu để đến 80% HS Việt Nam vào học, khác gì người nước ngoài mở trường cho HS Việt Nam. Bên cạnh đó, theo khảo sát nhiều trường nước ngoài ở Việt Nam mở ra cho con các đại sứ quán nước ngoài học cũng chỉ giới hạn đến tối đa 15% - 20% HS Việt Nam để họ giữ được tỷ lệ cân bằng giữa các quốc tịch trong trường. Dựa trên căn cứ đó, Nghị định 73 mới quy định như vậy”.
 
Hồng Hạnh