Trao giấy chứng nhận kiểm định quốc tế cho 4 trường đại học Việt Nam
(Dân trí) - Ngày 17/10, Lễ trao giấy chứng nhận kiểm định cho 4 trường đại học đầu tiên ở Việt Nam của Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) diễn ra tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Sự kiện này đã ghi nhận đây là lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam,việc kiểm định trường đại học được triển khai bởi một tổ chức kiểm định quốc tế. Bốn trường được trao giấy chứng nhận là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng , Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Đây là chương trình hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Pháp dài nhất trong suốt 10 năm qua. Sau 18 năm triển khai chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV), đã đạt được những tiêu chuẩn quốc tế công nhận đầu tiên, cùng với đó các chương trình đã được Ủy ban Văn bằng Kỹ sư Pháp đánh giá và công nhận tương đương trình độ thạc sỹ ở Pháp, châu Âu và Việt Nam”.
“Kết quả này giúp giáo dục Đại học Việt Nam có cái nhìn cụ thể hơn khi so sánh điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của 4 trường ĐH nước ta với chuẩn mực quốc tế mà lâu nay chúng ta chưa có điều kiện thực hiện. Nó khẳng định uy tín của 4 trường không chỉ ở phạm vi trong nước mà trên cả bình diện quốc tế, làm tăng cơ hội hợp tác với giáo dục ĐH nước ngoài, thu hút sinh viên các nước đến học, tiến tới quốc tế hóa chương trình đào tạo” - Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Theo những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT mong muốn: “4 trường thành viên PFIEV này mới bước vào kì kiểm định 5 năm đầu tiên. Tôi đề nghị 4 trường tiếp tục phát huy tinh thần tự chủ và trách nhiệm cao nhất, huy động các nguồn lực để phát triển bền vững và nhân rộng. Đồng thời các trường cũng cần lưu ý khắc phục những điểm còn hạn chế theo các khuyến nghị của CTI và HCERES, đảm bảo chất lượng để được đánh giá và công nhận kiểm định trong chu kì tiếp theo”.
Được biết, bộ tiêu chuẩn của HCERES dùng cho đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài gồm 6 lĩnh vực: Chiến lược và quản trị (sứ mạng, chiến lược phát triển, tổ chức thực hiện chiến lược, truyền thông); đào tạo và nghiên cứu khoa học (chính sách đào tạo, nghiên cứu, các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học); quá trình đào tạo và định hướng hội nhập nghề nghiệp (môi trường học tập và quản lý đào tạo); quan hệ đối ngoại; quản lý và điều hành (hệ thống tài chính, tài sản, nhân lực, hệ thống thông tin); chất lượng và đạo đức (chính sách đảm bảo chất lượng, đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu).
Hà Cường