Trao giải cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông bình đẳng giới cho trẻ em

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa trao giải cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi mang tên "Lắng nghe con nói".

"Lắng nghe con nói" nhằm phát huy tiếng nói, sự tham gia của trẻ em trong tìm kiếm, lan tỏa các sáng kiến, sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mục tiêu của cuộc thi để mọi trẻ em được bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là những mong muốn, ước mơ về một gia đình hạnh phúc, an toàn và bình đẳng.

Ban giám khảo đã chọn ra 37 tác phẩm tiêu biểu gồm 20 tranh, 17 clip vào vòng chung kết. Đây là các tác phẩm nổi bật về ý tưởng, truyền tải được thông điệp ý nghĩa theo chủ đề cuộc thi, bố cục, hình ảnh, âm thanh tốt.

Trao giải cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông bình đẳng giới cho trẻ em - 1

Tác phẩm dự thi (Ảnh: Chí Quân).

Nhiều tác phẩm có thể ứng dụng trong các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Kết quả, giải đặc biệt ở thể loại sáng tác tranh được trao cho tác phẩm "Niềm vui của em", nhóm tác giả: Hồ Thị Khoa, Hồ Thị Ngân, Hồ Thị Viểu, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc nội trú ĐăkKrông, tỉnh Quảng Trị.

Thể loại sáng tác video clip, giải đặc biệt thuộc về tác phẩm "Điều con muốn nói" của nhóm tác giả: Già Thị Dia và Vừ Mí Sính, học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở bán trú xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Ngoài ra còn có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, các giải khuyến khích, giải giành cho đơn vị có nhiều bài dự thi chất lượng nhất, đơn vị huy động được số lượng trẻ em tham gia cuộc thi nhiều nhất ở hai nội dung sáng tác tranh và video clip.

Trước đó, từ ngày 1/5 đến ngày 15/9, cuộc thi đã được phát động, thu hút sự tham gia đông đảo của trẻ em các dân tộc (hơn 13.000 em) trên khắp mọi miền cả nước với 13.311 tác phẩm dự thi (12.718 tranh, 593 clip) được gửi về.

Các tác phẩm dự thi đa dạng về nội dung, sáng tạo về hình thức và chất liệu. Thông qua tác phẩm, vừa phản ánh thực tế những vấn đề đặt ra tác động ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập của trẻ em, vừa thể hiện mong muốn/ước mơ của các em về một gia đình hạnh phúc, an toàn, bình đẳng.

Nhiều tác phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao, có thể sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động giải quyết các vấn đề cấp thiết đặt ra đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.