Tranh cãi việc trường Quản trị - Kinh doanh không tuyển thí sinh thấp bé

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Trường Quản trị và Kinh doanh - ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố điều kiện xét tuyển 2024 trong đó có quy định ứng tuyển gây tranh cãi là thí sinh nữ cao từ 1,58m, nam từ 1,65m trở lên.

Cụ thể, Trường Quản trị và Kinh doanh năm học 2024 - 2025 tuyển sinh trình độ đại học chính quy gồm 4 ngành, với 500 chỉ tiêu.

Các ngành tuyển sinh gồm: Quản trị doanh nghiệp và Công nghệ; Marketing và Truyền thông; Quản trị Nhân lực và Nhân tài; Quản trị và An ninh.

Điều đặc biệt, để ứng tuyển, thí sinh nữ phải cao 1,58m trở lên, thí sinh nam trên 1,65m, có thể lực và thị giác tốt. Nếu có năng khiếu đặc biệt, trường sẽ xét riêng.

Tranh cãi việc trường Quản trị - Kinh doanh không tuyển thí sinh thấp bé - 1

Trường đại học yêu cầu về chuẩn chiều cao trong tuyển sinh (Ảnh: Ng Diệp).

Tranh cãi về quy định chiều cao

Thông tin này được dư luận quan tâm bởi vì từ trước tới nay, việc đưa ra tiêu chuẩn chiều cao trong tuyển sinh đại học chủ yếu ở khối các trường Công an, Quân đội hoặc một số ngành thực sự đặc thù khác. Trong đó, trường quân đội tuyển thí sinh nam cao 1,65m trở lên, nữ 1,54m trở lên còn ở khối trường công an, mức này là 1,64m và 1,58m.

Một số người cho rằng, có thể với một số mã ngành đào tạo có tính chuyên biệt, trường này đòi hỏi thí sinh ứng tuyển như vậy là phù hợp. Chiều cao phù hợp hoặc nổi trội luôn có ưu thế, chưa kể, những nhân sự đó có thể là nhà lãnh đạo của doanh nghiệp, của tập đoàn trong tương lai nên cần xây dựng cả về hình ảnh ngoại hình và năng lực.

Đặc biệt theo quy định, các trường đại học đều được giao quyền tự chủ về học thuật, miễn là các chương trình đào tạo tuân thủ đúng, phù hợp tôn chỉ mục đích, đăng ký thì đều được phép.

Trái ngược với luồng ý kiến trên, luồng độc giả khác cho rằng, các nhóm ngành mà trường Quản trị và Kinh doanh - ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo không quá đặc thù, không liên quan nhiều mục đích an ninh quốc phòng, các trường đại học có ngành quản trị, kinh doanh khác đều có.  

Chưa kể, việc đưa ra tiêu chuẩn chỉ khiến trường giảm bớt lượng hồ sơ ứng tuyển, nhất là trong bối cảnh thí sinh có không ít lựa chọn trường đại học nếu muốn theo học ngành quản trị, kinh doanh.

Chính bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng trường chỉ nên đưa ra các tiêu chuẩn xét tuyển về học thuật, đào tạo là đủ.

Tranh cãi việc trường Quản trị - Kinh doanh không tuyển thí sinh thấp bé - 2

Thí sinh có năng khiếu đặc biệt sẽ được xét đặc cách (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).

Nhà trường nói gì về tranh cãi chiều cao ứng viên?

Trước luồng tranh cãi của dư luận, đại diện truyền thông Trường Quản trị Kinh doanh cho biết, hiện một số trường đại học ngoài khu vực an ninh và quốc phòng đang áp dụng nhiều hình thức xét tuyển mới như Đại học Sư phạm, Học viện Báo chí tuyên truyền…

Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) có Viện An ninh phi truyền thống. Nhà trường đang cùng chuyên gia các ngành đào tạo các thế hệ sinh viên có đủ điều kiện và có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ bảo đảm an ninh phi truyền thống cho nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp.

Đây cũng là một trong các lý do mà trong đề án thiết kế các chương trình đào tạo nhà trường có tính đến yếu tố chiều cao trong tổng thể các tiêu chí đánh giá và lựa chọn sinh viên đầu vào.

Đặc biệt, Trường Quản trị Kinh doanh nhận thấy rằng ngoài những yếu tố về học lực và kỹ năng, thì sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và hình thể cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, tự tin của các cử nhân HSB là trợ lý hôm nay và sẽ là các nhà lãnh đạo và quản trị trong tương lai.

Tuy nhiên, Trường Quản trị Kinh doanh khẳng định kết hợp hài hòa các tiêu chí để đánh giá và lựa chọn thí sinh có đủ điều kiện theo học tại trường.

Tiêu chí chiều cao hay cân nặng chưa đạt của thí sinh còn trẻ tuổi có thể được cải thiện theo cam kết rèn luyện cá nhân khi tham gia phỏng vấn hay được ưu tiên xét tuyển nếu có điểm các yếu tố EQ và kết quả học tập xuất sắc hoặc có năng khiếu phù hợp với từng chương trình tại trường.