Tranh cãi về trào lưu thay avatar cờ Pháp: Nên hay không?
(Dân trí) - Hàng triệu người ủng hộ nhưng cũng có không ít người phản đối trào lưu thay avatar hình lá cờ Pháp trên Facebook. Lí lẽ của mỗi người ra sao?
Để tưởng nhớ các nạn nhân và sát cánh cùng nhân dân nước Pháp sau vụ khủng bố ngày 13/11, hàng triệu người trên thế giới đã cùng để avatar Facebook hình lá cờ nước Pháp. Việc làm này đã trở thành một trào lưu lan tỏa trên Facebook nhờ vào sự hỗ trợ công nghệ của mạng xã hội này.
Tuy nhiên, trào lưu thay ảnh avatar #prayforParis đang tạo nên một chủ đề gây tranh cãi trên mạng. Nhiều người cho rằng trào lưu này là“theo phong trào” và “không nhân văn”… Trong khi đó, ở chiều ngược lại, những người đã hưởng ứng trào lưu thay avatar #prayforParis có lí lẽ của riêng mình để giải thích cho hành động này.
Ngày 15/11, người dùng mạng xã hội D.H lên tiếng phản đối trào lưu #prayforParis. Anh nói: “Syria, Lybia... ngày nào cũng có người chết do khủng bố, không hiếm những ngày những người chết còn nhiều hơn bên Pháp, cách bị giết còn dã man hơn. Vậy mà truyền thông chỉ đưa tin qua loa, đại khái.
Những người vô tội chết đều đáng thương như nhau. Tại sao bên Pháp chết, cả thế giới thương tiếc, dân mạng Facebook đua nhau đổi cvatar tưởng niệm, còn những nước khác cũng có người chết do khủng bố thì sao, sao không treo cờ đi. Chắc do Facebook chưa có hỗ trợ công cụ với lại có thấy ai phát động phong trào gì đâu đúng không?
Tóm lại. Đừng a dua theo truyền thông, họ chỉ làm lợi cho mình thôi. Nếu họ có lòng và xem những người trên Trái đất này đều là con người thì 1 năm các bạn đổi avatar đến phát ngán ra thì thôi. Biết bao nhiêu mà kể”.
Là một người đã thay avatar để ủng hộ tinh thần cho người dân nước Pháp, bạn Song Hà chia sẻ: “Đừng so sánh mạng chủng người nào quý hơn mạng chủng người nào, cũng như đừng so sánh tình cảm của mình đối với mạng của những người đã nằm xuống. Nằm xuống bất cứ vì điều gì.
Bản chất tình yêu luôn hàm chứa sự thiên vị. Bản chất của sự so sánh luôn khập khiễng. Hãy nhớ điều đó.
Một trăm người chết vì tai nạn máy bay ở đâu đó xa xôi, chứng kiến trên tivi xong chúng ta ai đó có thể chỉ xuýt xoa "Lại rơi nữa à?". Nhưng một cún chết, chúng ta có thể khóc rưng rức, khóc có khi to hơn cha chết.
Lúc khóc vì cái chết của một con chó thân thiết, không ai và không bao giờ có ai tự hỏi: Tại sao mình lại khóc? Tại sao khi chứng kiến hàng nghìn người chết vì khủng bố lại không khóc?
Vì vậy đừng bao giờ đặt câu hỏi lố bịch như: Mạng người ở đâu có giá hơn?”.
Bạn Minh Phương, sống ở Hà Nội có một bài viết dài để phân tích lí do vì sao bạn để avatar lá cờ Pháp. Bài viết có đoạn: “Trên Facebook đã có nhiều người truyền tay nhau những dòng status phê phán việc treo cờ Pháp lồng vào hình đại diện để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố tại Paris.
Họ cho đó là một hành động không mang nhiều lương tri thật sự, chạy theo đám đông và có phần đạo đức giả. Họ bảo những năm qua hàng triệu người dân Syria, Iraq đã phải đổ máu vì chiến tranh, bạo loạn, súng đạn mà không được 1 dòng thương cảm nào từ cộng đồng mạng. Máu của người Trung Đông, Châu Á rẻ hơn máu người Mĩ, người Âu... Đơn giản xin thưa lại thế này.
Tình thương xót đồng loại bao giờ, ở đâu cũng giống nhau. Nhưng bạn không thể bắt người này phải thương xót người kia chỉ vì "đáng lí ra phải thế". Tình thương là một rung cảm mang tính cá nhân, tự phát và bồng bột. Không ai có thể sắp xếp, hướng dẫn, điều chỉnh nó.
Tôi treo cờ Pháp vì tôi yêu nước Pháp, yêu Paris, tôi thấy gắn bó như máu thịt. Khi chứng kiến người thương của mình đau đớn, tôi không có quyền xót xa hay sao?”.
Bạn Lăng Huê, là một người trung lập trong cuộc tranh cãi này góp ý kiến: “Trong khi đó nhiều người chỉ trích những bạn treo cờ Pháp lên avatar là theo phong trào, một phần đúng, một phần sai.
Cái sai ở đây chính là đã gom những người cầu nguyện chân thành tới nước Pháp với những người chỉ thay đổi avatar theo phong trào. Cái đúng ở đây là họ chỉ bất bình với những người theo phong trào mà chẳng hiểu được ý nghĩa của việc đó là gì”.
Thậm chí a dua theo trào lưu và "vô tình hay cố ý" nhầm lẫn cờ Pháp
Trong lúc nhiều người trăn trở về vụ khủng bố ở Paris và những vấn đề đáng lo ngại khác về bạo lực, chiến tranh trên thế giới, thì cũng có những bạn trẻ hời hợt tham gia việc thay avatar #prayforParis.
Các bạn coi việc thay avatar như một trò vui mà không mấy quan tâm tới ý nghĩa của hành động này. Hành động vô ý thức, vô cảm của số ít này đang làm xấu đi bản chất nhân văn của trào lưu thu hút cả thế giới này.
M.C