Tranh cãi quy định sinh viên mặc đồng phục suốt tuần, không được cạo trọc đầu
(Dân trí) - Tuần qua, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM công bố quyết định về ban hành nội quy học đường với các quy định về tác phong của sinh viên như phải mặc đồng phục, đi giày dép có quai hậu, không được cạo trọc đầu… Quyết định này nhận được nhiều ý kiến tranh luận của sinh viên.
Sinh viên bị “quản” như học sinh tiểu học?
Các nội dung trong quyết định về việc ban hành nội quy học đường mà Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM ban hành bao gồm: các quy định về tác phong của sinh viên; quy định giờ giấc, nề nếp trong học tập; quy định về trật tự kỉ cương và thái độ ứng xử và các hành vi không được thực hiện.
Đáng chú ý trong phần quy định tác phong của sinh viên lại nhận được nhiều ý kiến phản biện nhất. Cụ thể, nội dung ghi sinh viên phải mặc đồng phục (áo đồng phục trường hoặc áo khoa) và đeo thẻ sinh viên khi đến trường học tập hoặc liên hệ làm việc với các bộ phận chức năng trong trường. Sinh viên cũng cần có quần áo sạch sẽ, chỉnh tề, đầu tóc nam nữ phải gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Đặc biệt là sinh viên không được cạo đầu trọc (trừ trường hợp đang điều trị bệnh hoặc nhà tu hành đang theo học, sinh viên nam không để tóc dài...).
Trên một fanpage của sinh viên trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI Confessions) với gần 44.000 người theo dõi diễn ra các nội dung tranh luận về vấn đề này khá nhiều. Trên diễn đàn này, một sinh viên tỏ ra bức xúc với quy định của trường rằng: “Không biết liệu đã có cuộc khảo sát, tham khảo, lắng nghe ý kiến sinh viên trước khi ra quyết định này chưa hay chỉ là tự các giảng viên với trường đơn phương quyết định? Nếu là đơn phương thì em thấy nó vô cùng bất công đối với sinh viên”.
Cũng theo sinh viên này, việc mỗi trường có một đồng phục riêng và "mong muốn" sinh viên mặc để nhiều người biết đến trường thì sinh viên hoàn toàn không phản đối. Nhưng sinh viên vô cùng phản đối với việc bị bắt phải mặc đồng phục nguyên tuần và có thêm đội xung kích ghi tên không mặc đồng phục. Sinh viên đại học chứ không phải học sinh cấp 2, cấp 3 mà bắt mặc đồng phục.
“Nếu bắt sinh viên chúng em mặc 1, 2 ngày cố định trong tuần thì hoàn toàn có thể tuân thủ nhưng mặc nguyên tuần thì làm sao có thể? Mỗi sinh viên chỉ có 2 cái áo sơ mi, 1 bộ đồng phục thể dục. Cứ cho tụi em giặt rồi phơi khô kịp đi nhưng rồi mùa mưa thì sao? Rồi lỡ áo sờn, xỉn màu mất thẩm mỹ thì sao? Tụi em lại phải bỏ tiền ra mua thêm áo đồng phục nữa? Trường có thể bắt sinh viên mặc đồng phục 1-2 ngày/tuần và đeo thẻ sinh viên nguyên tuần thì sẽ hợp lí hơn. Chúng em đã là sinh viên rồi miễn không mặc hở hang phản cảm tới trường là được rồi. Mặc đẹp là nhu cầu chung của mỗi người, sinh viên mặc đẹp cũng không hề ảnh hưởng tới việc học, vậy tại sao tụi em không thể mặc đồ thường?”, sinh viên này bày tỏ băn khoăn.
Ý kiến này nhận được nhiều tán đồng của các sinh viên khác. “Thương hiệu của trường là nằm ở sinh viên chứ đâu vì vài ba bộ đồng phục với những cái logo trên ngực. Thiết nghĩ chỉ bắt đeo thẻ tên là được!”, một nam sinh hưởng ứng.
Một số sinh viên khác cũng cho rằng môi trường ĐH là để các sinh viên phải thể hiện được bản thân, cá tính, sở thích của mình giúp cho công việc sau này. Do đó việc ăn mặc, ngoại hình cần phải để sinh viên tự do.
Những ngược lại cũng có nhiều ý kiến tranh luận cho rằng trường là nơi học hành nghiêm túc và cũng cần phải có quy định. N.M., cựu sinh viên trường này chia sẻ rằng bản thân đã từng mặc đồng phục suốt 4 năm đi học vẫn không bị ảnh hưởng gì. “Hiện tại mình đi làm, công ty yêu cầu mặc đồng phục 6/6 ngày cũng phải đeo thẻ nhân viên, tác phong lúc nào cũng phải gọn gàng lịch sự. Sáng đến cổng bảo vệ chỉnh đốn từng li từng tí, mặc cái áo hay cái váy lệch một chút là cũng nhắc nhở liền”, N.M. nói.
“Mặc đồng phục để không phân biệt giàu nghèo”
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM khẳng định những nội dung quy định trong nội quy này đã được xây dựng cách đây 8 năm, thông báo mới đây chỉ là nhắc lại chứ không ban hành mới. Trước đó trong quá trình xây dựng nội quy này, nhà trường cũng đã khảo sát sinh viên, cán bộ, giảng viên trong trường.
Ông Hoàn cho biết khi đưa ra quy định, các nhân viên, giảng viên trong trường đã có truyền đạt với sinh viên vì sao lại đưa ra những quy định như vậy. Trường cũng ít nhận được ý kiến phản đối nào của sinh viên gửi lên.
Theo hiệu trưởng nhà trường, với quy định mặc đồng phục, nhà trường luôn có quan điểm mặc đồng phục để nhận diện thương hiệu. Sinh viên chỉ bị bắt buộc mặc áo đồng phục của trường, còn có thể mặc quần, váy... tùy từng người.
Tuy nhiên, ông Hoàn nhấn mạnh rằng điểm quan trọng nhất là trường quy định điều này để không có khoảng cách giàu nghèo trong học sinh, sinh viên. Điều kiện của sinh viên không phải ai cũng giống nhau. Mặc đồng phục đến lớp ai cũng như ai. Sinh viên cũng không phải ai cũng có nhận thức về ăn mặc, vậy nên mặc đồng phục là tốt nhất.
Lãnh đạo trường cũng cho rằng cạo đầu trọc, nhuộm xanh đỏ, nam để tóc dài... có phần không phù hợp với một sinh viên học trên giảng đường. Ông Hoàn khẳng định, sinh viên vi phạm những điều này chỉ bị nhắc nhở. Theo ông, nhiều trường ĐH khác ở TP.HCM còn có những nội quy về tác phong, ăn mặc còn “gắt” hơn Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM.
Trước đó, sinh viên các trường khác cũng từng có phản đối về việc quy định đồng phục. Có trường còn cấm sinh viên mặc áo thun không cổ, mang giày cao gót... khi vào trường.
Lê Phương