Trải lòng đầy tâm huyết của những người ươm mầm tương lai đất nước

Toàn Thịnh

(Dân trí) - "Học sinh đến trường mỗi ngày để hạnh phúc" hay "nữ sinh có khả năng học và làm được mọi nghề mà nam giới có thể"… những thông điệp tiếp lửa đam mê đến người học được các thầy cô chia sẻ trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Xây dựng ngôi trường hạnh phúc cho học sinh và cả giáo viên

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, đã có thâm niên làm trong ngành giáo dục 30 năm.

Năm đầu về trường với nhiệm vụ là giáo viên dạy Vật lý, đồng thời phụ trách cán bộ Đoàn và là trợ lý cho hiệu trưởng, ngôi trường của cô chỉ đón hơn 70 học sinh. Hiện tại, trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm có hơn 500 học sinh, nằm trong khuôn viên liên kết với hai trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Năm 2012, cô Hà là một trong 10 giáo viên của TP Hà Nội được Trung ương Đoàn trao tặng danh hiệu Nhà giáo tâm huyết có cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và cho thanh niên. Nhớ về kỷ niệm đó, người giáo viên này cho hay bản thân thấy tự hào vì đã cống hiến trong nghề nhà giáo, được ghi nhận là những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

"Ngày xưa người ta nói nghề giáo không vất vả, nhưng thực ra đây là một nghề nhiều áp lực. Bù lại, các thầy cô lại có tràn ngập những niềm vui đến từ học trò, đặc biệt là những ngày như thế này. Không có nghề nào nhận được nhiều lời chúc mừng, sự tri ân và biết ơn của xã hội như nghề giáo viên", cô Hà chia sẻ.

Trải lòng đầy tâm huyết của những người ươm mầm tương lai đất nước - 1
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, nhận hoa và quà tri ân nhân ngày 20/11 từ đại diện Báo Dân trí, cùng nhãn hàng Enchanteur (Ảnh: Trần Ngọc).

Với tiêu chí xây dựng "nhà trường hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc", cùng triết lý giáo dục "học sinh đến trường để sống", cô Hà cùng đội ngũ giáo viên trường Nguyễn Bình Khiêm đặt mục tiêu chăm lo cho từng học sinh để các con tiến bộ từng ngày. Tuy nhiên, với vai trò là giáo viên quản lý của trường tiểu học, nơi xây dựng nền tảng cho các học sinh từ bước khởi đầu, cô Hà cho rằng khó khăn lớn nhất là xây dựng tính tự chủ cho học trò, giúp trẻ tự tin phát triển tính cách khác biệt.

Cô chia sẻ, các bạn nhỏ rời trường mầm non lên trường tiểu học trải qua thời kỳ khủng hoảng tiền tiểu học. Điều quan trọng nhất với các thầy cô ở bậc học này là làm sao để các con không sợ khi đến trường, bắt nhịp với nhịp học. Con vui và bố mẹ an yên khi con đến trường.

Học sinh ở cấp học này cần học được tính tự chủ - chỉ thế thôi nhưng là bước đầu rất khó khăn với cả các con và nhà trường. "Chúng tôi cũng đặt tiêu chí nhà trường phải an toàn cho các con, an toàn trong học tập, vui chơi, ăn uống và trong cả suy nghĩ của trẻ", cô nói.

Những người thầy hướng nghiệp

Được Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Hoàng Văn Lợi gọi là những "chiến sĩ đặc biệt trong đội ngũ giáo viên" của trường, cô Chu Thị Ngân - giảng viên bộ môn công nghệ thông tin - và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thắm - giảng viên bộ môn Điện Cơ khí - là những nữ giáo viên hiếm hoi dạy trong lĩnh vực vốn dành cho nam giới. Ngay trong lớp học của các nữ giảng viên này, số lượng nam sinh viên thường gấp 4-5 lần so với nữ sinh.

Trải lòng đầy tâm huyết của những người ươm mầm tương lai đất nước - 2
Cô Nguyễn Thị Thắm và cô Chu Thị Ngân là hai trong số những giảng viên nữ đặc biệt nhất của trường FPT Polytechnic (Ảnh: Mạnh Quân).

Vốn là du học sinh theo diện học bổng hiệp định của Bộ Giáo dục, cô Chu Thị Ngân tốt nghiệp Đại học Công nghệ liên bang Moskva (Miera) ngành xử lý công nghệ thông tin máy tính. Trở về nước và gắn bó với nghề nhà giáo trong 2 năm qua, nữ giảng viên sinh năm 1997 là một trong những lứa giáo viên trẻ tuổi nhất tại Cao đẳng FPT Polytechnic.

"Làm giảng viên trong ngành Công nghệ thông tin cũng rất áp lực, vì phải học kiến thức mới mỗi ngày. Tiếng Anh, Pháp, Nhật… trong ngành này đều khó, mỗi khi có dự án mới, chúng tôi phải cập nhật ngôn ngữ lập trình mới để truyền đạt cho sinh viên", cô Ngân cho hay.

Tốt nghiệp đại học, từng đi làm ở nhiều doanh nghiệp với đúng chuyên môn ngành điện, thường được giao nhiệm vụ hướng dẫn đồng nghiệp, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thắm nhận được lời khuyên từ một tiền bối trong công ty gợi ý trở thành giáo viên vì "nhìn cháu rất hợp với nghề đi dạy". Cô Thắm quyết định thử sức và nhận ra tình yêu giảng đường lớn lên sau mỗi ngày đến lớp.

"Nhiều người nói tôi truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên khi là nữ giới nhưng lại làm công tác chuyên môn về ngành dành cho nam giới. Nhưng thực ra, chính sinh viên mới là người truyền cảm hứng cho tôi, bất cứ khi nào tôi nhìn vào ánh mắt của học trò", cô Thắm chia sẻ.

Không chỉ là người truyền tải kiến thức nhằm tạo nên nền tảng chuyên môn và kỹ năng phục vụ công việc tương lai cho sinh viên, những giảng viên trường FPT Polytechnic còn có vai trò hướng nghiệp cho học trò. Ngành công nghệ thông tin của cô Ngân chia thành 2 mảng là lập trình và support IT, helpdesk, do đó, với các sinh viên gặp khó khăn trong học lập trình, nữ giáo viên sẽ đưa ra lời khuyên, hướng học viên sang mảng IT, helpdesk để thuận lợi hơn cho việc học cũng như làm nghề sau này.

Trải lòng đầy tâm huyết của những người ươm mầm tương lai đất nước - 3
Vai trò của thầy cô tại các trường đại học, cao đẳng không chỉ truyền tải kiến thức mà còn chia sẻ định hướng nghề nghiệp cho sinh viên (Ảnh: Mạnh Quân).

Việc hỗ trợ này bắt đầu từ ngày sinh viên vào trường, cho đến khi phân chia chuyên ngành, rồi theo học chuyên ngành hẹp, yêu cầu người giáo viên phải theo sát khả năng của từng sinh viên để có thể đưa ra hướng dẫn chuyển ngành hoặc hỗ trợ theo dạng tutor (dạy kèm) giúp sinh viên yếu có thể bắt kịp bài học.

Trong khi đó, cô Thắm cố gắng truyền cho học viên niềm đam mê với ngành điện cơ khí, cùng niềm tin "nữ sinh có khả năng học và làm được mọi nghề mà nam giới có thể". Cô Thắm tin rằng niềm yêu thích ngành Điện - Cơ khí có sẵn trong trái tim của các sinh viên, và vai trò của người giảng viên là mang hết kiến thức từ lý thuyết tới kinh nghiệm làm việc để trau dồi kỹ năng cho học trò, đặc biệt là các chuyên ngành mang nặng tính thực hành mà nữ giảng viên này phụ trách.

"Điện Cơ khí yêu cầu sinh viên không chỉ nắm chắc lý thuyết mà áp dụng phải thật chính xác. Chúng tôi nỗ lực đưa bài giảng sát với thực tế nhất, cập nhật kiến thức mới, để sinh viên tự tin làm nghề khi rời khỏi giảng đường đại học", cô Thắm nói.

Vẻ ngoài xinh đẹp dịu dàng, trái ngược hẳn với tính cách tự nhận "thẳng thắn và thích chơi với các bạn nam" cùng biệt danh "soái tỷ", cô Chu Thị Ngân thừa nhận bản thân là giảng viên nên nhiều lúc cũng khiến học viên sợ, nhưng sau cùng các bạn vẫn rất yêu quý.

Trải lòng đầy tâm huyết của những người ươm mầm tương lai đất nước - 4
Món quà mang thông điệp "Trao hương vương vấn, thay lời tri ân" như lời cảm ơn của xã hội dành cho những người mang trọng trách ươm mầm tương lai cho đất nước (Ảnh: Mạnh Quân).

"Thông thường, ở các trường cấp III, học sinh hay làm chương trình tri ân thầy cô, bởi các giáo viên sẽ đi theo một lứa học sinh tới 3 năm. Còn ở các trường cao đẳng, đại học, học xong môn thì sẽ hầu như cô trò không còn gặp nhau nữa. Nhưng hai năm qua, mỗi lần tới dịp 20/11, tôi rất vui vì được sinh viên dành nhiều tình cảm. Các bạn lập hẳn nhóm chat riêng để chuẩn bị những món quà handmade, những chương trình văn nghệ dành tặng cô trong ngày đặc biệt này. Vậy nên, với tôi, những ngày này giống như được đón thêm một sinh nhật nữa", cô Ngân cho hay.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thắm, người có thâm niên hơn 10 năm làm ngành giáo dục ở bộ môn Điện Cơ Khí lại nhớ những bức tranh vẽ bảng được các nam sinh viên tặng trong ngày 20/11.

"Khi còn là sinh viên trường Bách Khoa, giảng đường ngành Điện mà tôi từng theo học thường chỉ đón vài ba sinh viên nữ giữa gần trăm nam sinh. Giờ đây khi là giáo viên trên bục giảng, tôi vẫn dạy các khóa sinh viên mà số nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Môi trường toàn nam, các bạn lại là sinh viên ngành kỹ thuật nên nói ít làm nhiều, nhưng không khô khan như mọi người vẫn tưởng đâu. Có những ngày lễ 20/11, tranh thủ nghỉ 10 phút giữa giờ ra chơi, các bạn ấy lên bảng vẽ bức tranh về tình thầy trò để chúc mừng cô. Đó sẽ là những hình ảnh tôi ghi nhớ mãi", cô Thắm nhớ lại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm