TPHCM: Trao quyết định thành lập trường ĐH Fulbright Việt Nam
(Dân trí) - Trưa nay 25/5, Trường ĐH Fulbright Việt Nam (tên tiếng Anh là Fulbright University Vietnam - FUV) chính thức được tuyên bố thành lập dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng. Đây được xem là trường ĐH độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam.
Trường ĐH này đã chính thức nhận được quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 819-QĐ/TTg) do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 16/5/2016. Theo đó trường sẽ tuyển sinh học viên cao học khóa đầu tiên vào cuối năm nay. Đồng thời trường cũng sẽ triển khai công tác chuẩn bị xây dựng trụ sở chính ở Khu Công nghệ cao TPHCM tại quận 9.
Bí thư Đinh La Thăng cho biết: "Tôi rất vui mừng chào đón sự có mặt của trường ĐH Fulbright tại TPHCM. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng FUV là một đóng góp ý nghĩa của sự phát triển của TPHCM, để nơi này trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới".
Bí thư Đinh La Thăng khẳng định TPHCM tạo điều kiện tốt nhất cho trường ĐH Fulbright Việt Nam.
Bí thư Thăng cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công của ĐH Fulbright. Chúng tôi cam kết sẽ dành mọi điều kiện tốt nhất cho trường để đào tạo ra nhân lực có chất lượng. Như câu “đất lành chim đậu”, không chỉ từ FUV mà còn phải thu hút “đàn chim” lớn từ khắp nơi đến với TPHCM, kể cả “chim đại bàng” và “chim ưng”.
Nguyên Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey, Chủ tịch Hội đồng quản trị FUV cho rằng FUV mở ra một chương mới đầy hứa hẹn trong lịch sử hợp tác của Hoa Kỳ - Việt Nam về giáo dục đại học. Bởi vì trường ĐH này được thành lập dựa trên các nguyên tắc trọng dụng nhân tài, tự do học thuật, quản trị tự chủ, minh bạch và có trách nhiệm giải trình, chúng tôi hy vọng rằng FUV sẽ xây dựng một nền tảng vững chắc để thu hút các học giả và nhà khoa học VN đã được đào tạo nhiều năm ở nước ngoài, theo các chương trình hợp tác giáo dục giữa hai nước.
Bà Đàm Bích Thủy, hiệu trưởng trường ĐH Fulbright Việt Nam cho biết: “FUV là trường đại học duy nhất tại Việt Nam được thiết kế theo mô hình giáo dục “khai phóng” với mong muốn đào tạo những thế hệ sinh viên Việt Nam có tư duy phản biện, đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh, nghệ thuật và dịch vụ công".
Mặc dù là một tổ chức tư nhân, FUV nhận hỗ trợ từ chính phủ hai nước. Chính phủ Mỹ cam kết tài trợ hơn 20 triệu USD để hỗ trợ thành lập trường. Đồng thời, chính quyền TPCHM dành cho trường 25 ha đất ở Khu công nghệ cao, trong đố 15ha được sử dụng để xây dựng khuôn viên chính của trường và 10 ha dành cho khu nhà ở và ký túc xá sinh viên.
Vốn đăng ký ban đầu của FUV là 70 triệu USD, đến nay trường đã nhận được cam kết tài trợ bằng tiền mặt và các hình thức giá trị khác hơn 60 triệu USD. Tuy nhiên, bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng sáng lập FUV cho biết ước tính trong 5 năm đầu tiên trường cần huy động tới 150 triệu USD.
Đơn vị học thuật đầu tiên là khoa Chính sách Công và quản lý Fullbright sẽ khai giảng vào năm 2016 bao gồm đội ngũ nhân lực và chương trình của chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP). Khoa cũng sẽ mở các khóa cao học và chương trình đào tạo cấp cao về chính sách công, kinh doanh và những lĩnh vực có liên quan. Năm 2018, FUV sẽ thành lập khoa Khoa học xã hội và nhân văn với chương trình giáo dục cử nhân 4 năm cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, kỹ thuật.
Ngôn ngữ giảng dạy chính là tiếng Anh nhưng FUV sẽ cấp bằng Việt Nam. Ở giai đoạn phát triển ổn định, trường sẽ có số lượng sinh viên từ 6.000-10.000.
Lê Phương