TPHCM: Rộng cửa cho học sinh rớt lớp 10 công lập
(Dân trí) - TPHCM có cả trăm trường THPT quốc tế, tư thục, giáo dục thường xuyên có thể tiếp nhận học sinh rớt lớp 10 công lập, ngoài ra còn có hệ thống giáo dục nghề nghiệp với chương trình 9+.
Nhiều con đường lựa chọn
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2020-2021 có hơn 99.000 thí sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu của 114 trường THPT công lập của TP chỉ gần 68.000. Như vậy, sẽ có hơn 31.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào được lớp 10 công lập.
Trước đó, đã có khoảng 16.000 học sinh lớp 9 chủ động không đăng ký vào lớp 10 công lập, nhưng vẫn sẽ còn hơn 15.000 em sẽ rớt khỏi đợt xét tuyển lần này.
Dự kiến, ngày 20/8, Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 thường. Các em đang ngóng chờ kết quả để biết mình có vào được trường THPT mình đăng ký hay không.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Trần Công Nam, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn (BKC), việc rớt lớp 10 công lập không phải là điều gì to tát. Bởi hướng đi cho các em rất nhiều.
"Phụ huynh có rất nhiều hướng đi để lựa chọn cho con em mình tùy thuộc vào sở thích và điều kiện kinh tế. Có thể là đi du học, học trường quốc tế, trường tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên, học văn hóa xen kẽ học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng" - ông Nam chia sẻ.
Hiện TPHCM tập trung rất nhiều trường quốc tế, tư thục nổi tiếng và hệ thống 24 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX).
Ngoài ra, hệ thống GDNN do ngành Lao động - Thương binh & Xã hội quản lý còn có 59 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 245 công ty - trung tâm, có chương trình đào tạo nghề đóng trên địa bàn TPHCM.
Hệ thống này thừa sức tiếp nhận tất cả những học sinh tốt nghiệp THCS theo học với đa dạng chương trình đào tạo, từ học văn hóa THPT cho đến học nghề đủ cấp bậc (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng).
Học nghề sau lớp 9 là lợi nhất
Theo các chuyên gia GDNN, với những em yêu thích hành động, hoặc kinh tế gia đình khó khăn nên chọn con đường học nghề sau lớp 9 là có lợi nhất.
Chương trình đào tạo nghề rất ngắn (khoảng 2 năm) các em có thể ra trường, có nghề trong tay và tham gia thị trường lao động. Các em còn được hỗ trợ học phí học nghề theo Nghị định 86 của Chính phủ, nên chi phí học tập thấp. Học nghề lại rất dễ kiếm việc, nhanh chóng phụ giúp kinh tế cho gia đình.
Thạc sĩ Trần Công Nam cho biết: "Vài năm trở lại đây, các em tốt nghiệp THCS xong có xu hướng lựa chọn bậc học 9+, tức là xen kẽ giữa học văn hóa và học nghề".
Theo Phó hiệu trưởng BKC, mô hình này chưa có văn bản quy định tên gọi chính thức, có nơi gọi là 9+, nơi 9+3+1, có nơi lại gọi là 9+4…
Tuy nhiên, mô hình chung vẫn là học sinh tốt nghiệp THCS học hệ này sẽ học văn hóa THPT, xen kẽ với học nghề.
Sau 3 năm học, học viên sẽ nhận được giấy chứng nhận hoàn thành văn hóa THPT và cả bằng trung cấp tương ứng với ngành học.
Lúc này, học viên có thể lựa chọn tốt nghiệp và đi làm, hoặc học liên thông thêm một năm nữa để lấy bằng cao đẳng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, chương trình 9+ là mô hình nhiều quốc gia phát triển đã triển khai rất mạnh.
Mô hình này được các nước áp dụng rộng rãi và đang rất thành công do thời gian đào tạo ngắn, sinh viên có thể tham gia thị trường lao động sớm và chi phí học tập thấp.
Theo ông Hoàng Quốc Long, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, vướng mắc lớn nhất cho con đường này là tâm lý ưa chuộng bằng cấp của các phụ huynh, không xem trọng học nghề.
Ông chia sẻ: "Ai cũng muốn con mình làm ông này, bà kia mà ít để ý đến sở thích và năng lực của con mình".
Còn thạc sĩ Trần Công Nam thì cho rằng: "Nhiều phụ huynh nghĩ học dở mới đi học nghề là sai lầm. Tại BKC có rất nhiều em là học sinh giỏi suốt 4 năm học THCS nên không thể nói học sinh dở mới vào trường nghề".