Học nghề chương trình 9+: "Con đường tắt" giúp bạn trẻ có việc làm ổn định
(Dân trí) - Lựa chọn "đường tắt" bằng việc học nghề theo chương trình 9+, nhiều học sinh ở Thanh Hóa sau khi ra trường, sớm có công việc ổn định với mức thu nhập khá.
Mới ra trường đã có mức thu nhập khá
Hơn 3 năm trước, em Lê Đình Hiếu (SN 2000, quê xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vừa kết thúc chương trình học THCS tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi ở địa phương. Thay vì thi vào một trường THPT thì Hiếu đã quyết định lựa chọn "đường tắt" là học nghề theo chương trình 9+ (vừa học văn hóa vừa học nghề) tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa.
Sau 3 năm theo học hệ Trung cấp, Khoa công nghệ ô tô tại trường, năm 2020, Hiếu tốt nghiệp và ra trường với hai tấm bằng trong tay (tốt nghiệp THPT và bằng nghề). Sau khi tốt nghiệp, Hiếu được trường giới thiệu làm việc tại Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải với mức thu nhập từ 5 -7 triệu đồng.
Vừa ra trường lại có công việc ổn định khiến chàng trai trẻ cảm thấy rất hài lòng trước quyết định theo học chương trình 9+.
"Mỗi người có một hướng đi và hoàn cảnh khác nhau. Đối với em, được học cả văn hóa và học nghề rất phù hợp với hoàn cảnh khó khăn của gia đình em. Chỉ trong thời gian ngắn em có thể tốt nghiệp cả THPT và nghề. Đến giờ em thấy quyết định của mình như thế là phù hợp". Chàng trai trẻ Lê Đình Hiếu bộc bạch.
Tương tự, Nguyễn Văn Trúc (SN 2002, quê ở xã Thiệu Vân, thành phố Thanh Hóa) cũng vừa kết thúc kỳ thực tập và làm việc tại Công ty Canon (Hưng Yên) với mức lương gần 5 triệu đồng. Hiện em đang tiếp tục học liên thông hệ Cao đẳng ở Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa để có cơ hội nâng mức lương cơ bản cao hơn hiện nay.
Trúc là một trong số những học sinh vừa tốt nghiệp chương trình 9+ tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa. Trước đây, được sự định hướng từ gia đình, Trúc đã lựa chọn học chương trình 9+, thay vì học THPT như các bạn cùng trang lứa.
"Cho đến bây giờ, em thấy quyết định của bố mẹ cho theo học chương trình 9+ là hoàn toàn đúng đắn. Việc học này sẽ giúp em rút ngắn được thời gian, sau khi tốt nghiệp, chúng em đã có thể ra ngoài đi làm với mức thu nhập ổn định. Em thấy rất hợp lý và hài lòng", Trúc chia sẻ.
"Lột xác" trong đào tạo nguồn nhân lực
Những năm qua, khi Bộ LĐ-TB&XH đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề trọng điểm quốc gia, đào tạo nghề chất lượng cao trong các trường Cao đẳng thông qua chương trình 9+, sức hút của mô hình này đã và đang mang đến sự "lột xác" rất lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động.
Theo học chương trình 9+ những năm trở lại đây đang được giới trẻ lựa chọn nhiều. Việc học theo chương trình này cũng được Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm và hỗ trợ người học bằng nhiều chính sách như: miễn giảm học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, trao học bổng…
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp các em còn có công việc ổn định nhờ công tác giới thiệu việc làm của các cơ sở đào tạo, được làm công việc yêu thích với mức lương khá. Đặc biệt còn có thể liên thông lên các hệ Cao đẳng, Đại học nếu có nguyện vọng.
Hiện tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa có tổng 2.800 học sinh nhưng có tới 1.200 học sinh theo học chương trình 9+. Chương trình 9+ của nhà trường cũng đã có lịch sử hơn 20 năm.
Với đội ngũ giáo viên chất lượng, trình độ chuyên môn tốt cùng cơ sở vật chất đầy đủ, những năm qua, tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa là một trong những nơi đào tạo và đáp ứng nguồn nhân lực đáng kể cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Trung bình mỗi năm trường đào tạo và đáp ứng khoảng 800 lao động cho các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn...
Ông Nguyễn Văn Tuệ - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Việc làm thuộc Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, cho biết: "Việc học theo chương trình 9+ sẽ có rất nhiều ưu điểm đối với các em học sinh. Với bề dày lịch sử hơn 20 năm triển khai chương trình 9+, trường đã đào tạo hàng nghìn nhân lực cho thị trường lao động khắp các tỉnh thành. Ngoài ra, các em còn có thể rút ngắn được thời gian, chi phí khi theo học chương trình này".
"Chương trình 9+ còn giúp giải quyết khó khăn trong khâu phân luồng, giảm tải tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp vì thiếu kỹ năng, không đáp ứng được công việc thực tế…", ông Tuệ cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Tuệ, việc tuyển sinh học sinh theo chương trình 9+ còn phụ thuộc chủ yếu vào việc phân luồng học sinh từ các trường học. Hầu hết các trường vẫn chưa đảm bảo được việc phân luồng học sinh theo quy định (30% học nghề, 70% học văn hóa) dẫn đến việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.