TPHCM: Nâng tỷ lệ Tiến sĩ, Thạc sĩ trong trường học
(Dân trí) - TPHCM khuyến khích cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên học nâng cao trình độ chuyên môn (Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên ngành), góp phần đẩy mạnh trình độ chuyên môn trong nhà trường.
Nội dung được đề cập trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục giai đoạn 2013 - 2015 Sở GD - ĐT TPHCM vừa ban hành.
Theo đó, phấn đấu tỷ lệ nâng chuẩn của CBQL giáo dục và giáo viên (GV) đến năm 2015 ở bậc THPT, GDTX và CĐ, TCCC.
Cụ thể đối với các trường CĐ, TCCC phấn đấu tỷ lệ nâng chuẩn về chuyên môn của CBQL đạt trình độ Tiến sĩ là 8% (hiện tại chiếm 5,51%), đạt trình độ Thạc sĩ là 50% (hiện tại chiếm 35;9%). Tỷ lệ nâng chuẩn về chuyên môn của GV đạt trình độ Tiến sĩ là 5% (hiện tại chiếm 3,44%), đạt trình độ Thạc sĩ là 50% (hiện tại chiếm 21, 99%).
Đối với các trường THPT phấn đấu tỷ lệ nâng chuẩn về chuyên môn của CBQL đạt trình độ Tiến sĩ là 4% (hiện tại chiếm 2,7%), đạt trình độ Thạc sĩ là 33% (hiện tại chiếm 26,4%). Tỷ lệ nâng chuẩn về chuyên môn của GV đạt trình độ Tiến sĩ là 0,3% (hiện tại chiếm 0,2%), đạt trình độ Thạc sĩ là 12% (hiện tại chiếm 10,9%).
Đối với các trung tâm GDTX: tỷ lệ nâng chuẩn về chuyên môn của CBQL đạt trình độ Tiến sĩ là 2%, đạt trình độ Thạc sĩ là 20% (hiện tại chiếm 10.6%); tỷ lệ nâng chuẩn về chuyên môn của giáo viên đạt trình độ Tiến sĩ là 0.5%, đạt trình độ Thạc sĩ là 12% (hiện tại chiếm 8.62%).
Phấn đấu 100% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn
TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, 100% GV Tiếng Anh các bậc học đều đạt chuẩn theo khung đánh giá năng lực ngôn ngữ của Cộng đồng chung Châu Âu (CEFR) hoặc tương đương theo đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”
Ngoài ra, đảm bảo 100% cán bộ đương nhiệm, dự bị các chức danh lãnh đạo, quản lý đủ trình độ về ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quy định đối với từng loại chức danh hoặc vị trí việc làm.
Đối với CBQL và GV không giảng dạy ngoại ngữ cũng được khuyến khích đạt chứng chỉ tiếng Anh theo khung đánh giá năng lực ngôn ngữ của Cộng đồng chung Châu Âu (CEFR).
Sở GD-ĐT TPHCM cũng dự trù chi trên 2,2 tỷ đồng cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giai đoạn 2013 - 2015 trong các lĩnh vực ở trường học như kế toán, quản lý tài sản, tư vấn học đường, văn thư, y tế học đường, nhân viên bảo vệ trường học....
Hoài Nam