TPHCM: 30.000 học sinh “rớt” lớp 10 công lập, vẫn... tha hồ chỗ học

(Dân trí) - Trong cuộc đua vào lớp 10 công lập tại TPHCM năm học 2020-2021 sẽ có khoảng 30.000 học sinh không trúng tuyển. Tuy nhiên, dù không đỗ trong kỳ thi này, các em vẫn có nhiều lựa chọn để học tiếp.

Theo công bố của Sở GD&ĐT TPHCM, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ diễn ra vào ngày 16-17/7/2020 với chỉ tiêu gần 67.000 học sinh ở lớp 10 của các trường công lập.

Trong khi đó, thành phố có gần 97.000 học sinh lớp 9, dự kiến sẽ tốt nghiệp THCS năm học này. Như vậy, sẽ có khoảng 30.000 học sinh sẽ không trúng tuyển vào lớp 10 công lập. 

Nhiều năm qua, việc "rớt" khỏi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là nỗi ám ảnh, lo lắng của rất nhiều học sinh, phụ huynh. Đây được xem là kỳ thi rất căng thẳng với học sinh ở TPHCM.

Ở giai đoạn cuối cấp ở bậc THCS, học sinh bắt đầu chạy đua ôn thi từ trong nhà trường, luyện thi bên ngoài các trung tâm, thuê gia sư về kèm cặp. 

TPHCM: 30.000 học sinh “rớt” lớp 10 công lập, vẫn... tha hồ chỗ học - 1

Học sinh THPT tại một trường ngoài công lập tại TPHCM 

Vậy nhưng, thực tế, việc "rớt" lớp 10 không đồng nghĩa với việc con đường học hành của các em phải gián đoạn. Học sinh "rớt" khỏi lớp 10 công lập luôn có nhiều lựa chọn để tiếp tục việc học theo hướng khác.

Các em có thể lựa chọn học tập tiếp ở các trường THPT dân lập, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục từ xa (GDTX) hay các trường cao đẳng, trung cấp, hoặc đi du học tùy điều kiện, nhu cầu.

Theo công bố hệ thống trường lớp của TPHCM, các trường nghề, Trung tâm GDTX-GDNN, tư thục năm học 2020-2021 tại TPHCM có hàng chục ngàn chỉ tiêu, dư sức đáp ứng cho nhu cầu học tập của học sinh thành phố.

Các mô hình giáo dục này ngày càng chuyển biến, phát triển đáp ứng nhu cầu đang dạng của học sinh cũng như thị trường nguồn nhân lực.

Năm nay, TPHCM có 10 Trung tâm GDTX, GDNN của thành phố tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. Chỉ riêng 2 Trung tâm GDNN-GDTX quận 4, quận 11 tăng thêm 400 chỉ tiêu ở mỗi trường.

Tại quận 5, ngoài 60 chỉ tiêu tuyển sinh của Trung tâm GDNN-GDTX quận, còn có 350 chỉ tiêu của Trung tâm GDTX Chu Văn An. 

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An cho biết, ngoài 10 môn văn hóa, năm học 2020-2021, trường phối hợp với các trường nghề tổ chức học miễn phí cho tất cả học sinh chương trình trung cấp nghề với 3 môn Quản trị mạng máy tính, Thiết kế thời trang và Chăm sóc sắc đẹp.

Hình thức này tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các em ngay khi đang học phổ thông. Sau 3 năm theo học tại trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng trung cấp nghề, có thể theo học tiếp hoặc có thể bước ngay vào thị trường lao động.

Trường cũng kết nối với nhiều doanh nghiệp, với chính phụ huynh của trường là các chủ cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển người... để làm cầu nối trong giới thiệu việc làm cho học sinh. 

Ngoài ra, hệ thống trường THPT ngoài công lập ở TPHCM tiếp tục phát triển mạnh khi nhiều trường tăng chỉ tiêu, mở thêm cơ sở. Học phí cũng rất đa dạng để học sinh lựa chọn theo hoàn cảnh từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu. Trong đó, năm học này, nhiều trường áp dụng các chính sách tăng chỉ tiêu, giảm học phí để thu hút thêm học sinh.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, các trường ngoài công lập tuyển sinh lớp 10 theo phương thức xét tuyển, không được tổ chức thi tuyển hoặc kiểm tra trình độ dưới bất cứ hình thức nào.

Các trường này xét tuyển học sinh đang học tại các trường THCS hoặc các trung tâm GDTX; các cơ sở giáo dục thường xuyên tại TPHCM hoặc các tỉnh, thành khác nhưng Sở GD&ĐT lưu ý, ưu tiên nhận học sinh tốt nghiệp tại THCS tại TPHCM.

Tại không ít trường cao đẳng, trung cấp nghề, ngay sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có thể tiếp cận để học đa dạng các ngành nghề theo theo sở thích. Nhiều nơi các em được đào tạo nghề miễn phí, bên cạnh việc học nghề có thể học thêm văn hóa phổ thông để lấy bằng THPT để sau học tiếp lên đại học nếu có nhu cầu. 

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm