TP. Quảng Ngãi: Dùng chung đề kiểm tra 1 tiết cho học sinh THCS

(Dân trí) - Năm học mới 2018 - 2019, học sinh bậc THCS của TP. Quảng Ngãi sẽ làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung. Đây là cách làm thể hiện quyết tâm hạn chế tiêu cực trong hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh của ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi.

Nhiều năm học trước, ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi đã triển khai hình thức kiểm tra cuối kỳ bằng đề chung cho học sinh THCS. Đến năm học 2018 - 2019, hình thức kiểm tra bằng đề chung sẽ được áp dụng cho cả bài kiểm tra 1 tiết.

Thông thường giáo viên bộ môn trực tiếp ra đề kiểm tra 1 tiết. Điều này dễ dẫn đến tình trạng giáo viên "mớm" đề cho học sinh học thêm, hoặc dùng đề kiểm tra tạo áp lực cho những học sinh không học thêm tại lớp của mình. Việc áp dụng hình thức kiểm tra bằng đề chung sẽ hạn chế được tình trạng này.

Đề kiểm tra sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên từ ngân hàng đề của tổ bộ môn. Bài làm của học sinh sau đó sẽ được rọc phách, chấm chéo nhằm tạo sự công bằng, khách quan.

Từ năm học 2018 - 2019, học sinh THCS của TP. Quảng Ngãi sẽ làm chung đề kiểm tra 1 tiết.
Từ năm học 2018 - 2019, học sinh THCS của TP. Quảng Ngãi sẽ làm chung đề kiểm tra 1 tiết.

Thầy Trần Quốc Bảo - Hiệu trưởng trường THCS Trần Hưng Đạo nhận định, việc tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra 1 tiết cũng như kiểm tra học kỳ bằng đề chung là cần thiết. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng giáo viên "mớm" đề cho học sinh học thêm tại lớp của mình.

Bài kiểm tra được nhà trường tổ chức chấm tập trung, rọc phách và công khai điểm số. Theo thầy Bảo, đây là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tiêu cực có thể xảy ra, đảm bảo bài kiểm tra đánh giá đúng năng lực học tập của từng học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Hưng - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Quảng Ngãi, cho biết: những năm học trước học sinh bậc THCS đã được làm bài kiểm tra cuối kỳ bằng đề chung, việc quản lý hoạt động dạy thêm cũng được tăng cường. Đến năm học mới 2018 - 2019, ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi tiếp tục triển khai cho học sinh làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung. Đây là những giải pháp tích cực nhằm thực hiện việc đổi mới trong kiểm tra và đánh giá học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

"Đây là việc làm cần thiết nhằm hạn chế tình trạng giáo viên chèn ép buộc học sinh học thêm. Chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo hoạt động này được thực hiện nghiêm túc", thầy Hưng nhấn mạnh.

Việc dùng chung đề kiểm tra nhằm hạn chế tiêu cực, giải tỏa được áp lực của phụ huynh và học sinh trong vấn đề học thêm
Việc dùng chung đề kiểm tra nhằm hạn chế tiêu cực, giải tỏa được áp lực của phụ huynh và học sinh trong vấn đề học thêm

Thông tin học sinh THCS của TP. Quảng Ngãi làm bài kiểm tra bằng đề chung nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh học sinh.

Chị Lê Nguyệt Ánh - phụ huynh học sinh trường THCS Chánh Lộ cho rằng: Dù hoạt động dạy thêm đã dần đi vào nề nếp nhưng áp lực cho học sinh và phụ huynh vẫn còn tồn tại. Với quan điểm cá nhân, chị Ánh hoàn toàn ủng hộ việc cho học sinh THCS kiểm tra 1 tiết bằng đề chung.

"Tôi không khẳng định là có hay không việc giáo viên dùng đề kiểm tra tạo áp lực buộc học sinh phải học thêm ở lớp của mình. Tuy vậy chúng tôi vẫn rất lo khi phải chọn lớp học thêm cho các cháu. Lo là nếu học người này mà không học người kia sẽ ảnh hưởng đến điểm kiểm tra. Vì vậy việc kiểm tra chung đề, chấm điểm công khai là điều nên làm", chị Ánh bày tỏ quan điểm.

Quốc Triều

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm