Tốt nghiệp vẫn chưa nhận được tiền cấp bù học phí
(Dân trí) - Mặc dù đã tốt nghiệp ra trường, nhưng đến thời điểm này, nhiều sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí vẫn chưa nhận được số tiền cấp bù học phí. Trong khi đó, theo đại diện Sở Tài chính Thanh Hóa, tiền đã được cấp về Kho bạc nhưng vẫn chưa giải ngân.
Ra trường vẫn chưa nhận được tiền
Dân trí cũng đã nhiều lần phản ánh về tình trạng sinh viên (SV) thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí đang “bị nợ” tiền cấp bù học phí. Nhiều SV đã tốt nghiệp đại học năm 2011 tiếp tục gửi đơn đến báo Dân trí phản ánh về tình trạng trên.
Bạn Nguyễn Thị Hường, cựu SV khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Khoa học Huế - ĐH Huế, quê ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) bức xúc: “Em tốt nghiệp rồi, hiện đang thất nghiệp mà vẫn chưa nhận được tiền cấp bù học phí. Em mới ra trường, còn khó khăn nhưng chờ mãi có nhận được tiền đâu. Không biết đến bao giờ mới nhận được nữa? Theo sổ ưu đãi giáo dục, năm học thứ 4 của em khoảng hơn 3 triệu gồm tiền học phí hai học kỳ. Em trai em đang theo học đại học đến nay cũng chưa hề nhận được khoản tiền cấp bù học phí. Gia đình làm nông, năm nay lại mất mùa đậu, không biết bố mẹ kiếm đâu ra tiền để đóng học phí cho em trai nữa, mà có kêu thì biết kêu ai bây giờ?”.
Không chỉ những SV vừa tốt nghiệp năm 2011, và những SV đang theo học mà cả những SV tốt nghiệp các khóa trước ra trường hơn một năm nay cũng chưa nhận được số tiền cấp bù học phí.
Qua điều tra của PV Dân trí, đến thời điểm này, hầu hết các đối tượng SV thuộc diện chính sách có hộ khẩu ở Thanh Hóa đã tốt nghiệp năm 2011 và đang theo học tại các trường đại học, cơ sở giáo dục trên cả nước vẫn chưa nhận được tiền cấp bù học phí. Trong khi đó năm học mới đã bắt đầu, SV phải đóng góp đầu năm học và tiền chi phí cho cuộc sống hàng ngày. Còn những SV đã ra trường đến kỳ hạn trả tiền vay vốn SV thì vẫn đang phải “dài cổ” chờ.
Bạn Ngô Thị Thùy, trú tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) - SV Trường ĐH Khoa học Huế cho biết: “Em đã tốt nghiệp tháng 7/2011, theo quy định em đã đóng học phí tại trường và cũng đã làm đầy đủ các thủ tục nộp ở Phòng LĐ, TB & XH huyện, nhưng đã nhiều lần thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời là trên tỉnh chưa cấp vốn về”.
Bất cập nảy sinh từ năm học 2010 - 2011, việc miễn, giảm học phí được thực hiện theo hình thức mới. Theo đó, SV thuộc diện miễn, giảm học phí vẫn phải đóng học phí tại trường đang theo học như những SV khác, sau đó làm thủ tục về địa phương nhận lại tiền cấp bù.
Vốn đã về kho bạc, SV vẫn phải chờ!
Thông tư liên tịch của Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ, TB & XH và Bộ Tài chính ngày 15/10/2010, hướng dẫn việc cấp trực tiếp tiền hỗ trợ, miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học chính quy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập, trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu học kỳ.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường có trách nhiệm xác nhận vào đơn đề nghị của HS, SV thuộc đối tượng miễn, giảm học phí, sau khi đã đóng học phí tại trường. Cụ thể, nhà trường sẽ có trách nhiệm cấp cho SV giấy chứng nhận đã nộp tiền học phí đầy đủ.
Sau đó, SV gửi giấy về địa phương và Phòng LĐ, TB & XH của huyện, thị, thành phố nơi SV cư trú sẽ có trách nhiệm chi trả lại số tiền học phí mà SV đã nộp tại trường căn cứ trên chế độ miễn, giảm học phí của từng trường hợp cụ thể. Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bù học phí miễn, giảm theo quy định. Hình thức cấp 10 tháng/năm, lần 1 cấp vào tháng 9 hoặc tháng 10 hàng năm; lần 2 vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm.
Quy định là vậy, nhưng đến thời điểm này, nhiều SV thuộc đối tượng trên đã tốt nghiệp ra trường và không ít SV vẫn đang thất nghiệp, và còn hàng ngàn SV đang theo học tại các cơ sở giáo dục - đào tạo vẫn chưa nhận được số tiền học phí mà các SV đã nộp tại trường.
Theo thống kê, trong 2 năm từ tháng 9/2010 đến nay, tổng số tiền hỗ trợ cho HS, SV thuộc diện chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là gần 200 tỷ đồng. Hiện Trung ương đã tạm cấp về hơn 90 tỷ đồng. Nhưng theo đại diện Sở Tài chính thì số tiền vẫn nằm ở Kho bạc mà chưa cấp cho các địa phương.
Ông Đỗ Văn Mười, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ, TB & XH tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Đến thời điểm này, về Nghị định 49, Thông tư hướng dẫn 29, tất cả đều đã xong xuôi hết, không còn vướng bận bất kỳ thủ tục nào. Còn lại tất cả chính sách liên quan vẫn là ở cơ sở”.
Còn ông Hà Mạnh Quân, Phó trưởng phòng quản lý ngân sách huyện, xã - Sở Tài chính Thanh Hóa thì cho rằng: “Các ngành triển khai hơi chậm. Thói quen lâu nay của các địa phương là chờ hướng dẫn mới triển khai. Ngày 11/7/2011, Sở có ra công văn 963 nhưng có sơ suất là không nói rõ thời gian các địa phương phải nộp báo cáo. Đến nay mới có 5 huyện nộp báo cáo. Trước đó chúng tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở bằng miệng. Trách nhiệm chính vẫn thuộc về các địa phương cứ trông chờ vào hướng dẫn của Thông tư”.
Khi PV đặt câu hỏi, tại sao tiền trên đã tạm cấp, và cũng đã có 5 địa phương báo cáo danh sách lên nhưng vẫn chưa được nhận tiền, ông Quân cho biết, đến 5/9 này nếu các địa phương vẫn chưa báo cáo thì chúng tôi sẽ cấp trước cho các địa phương đã báo cáo để chi trả.
Việc làm chậm trễ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp đã gây không ít khó khăn cho những HS, SV thuộc đối tượng chính sách trong quá trình theo học tại các trường và các cơ sở giáo dục. Đấy là chưa kể đến hàng ngàn HS thuộc đối tượng chính sách đến thời điểm này vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ trong quá trình học tập.
Duy Tuyên