Top 500 chờ “trận đánh lớn” của Bộ trưởng Luận

Danh sách 500 trường đại học tốt nhất thế giới năm 2014 (Academic Ranking of World Universities) vừa được Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) công bố. Công bố xếp hạng đại học này được đánh giá cao về uy tín, cho nên được sự chú ý của toàn thế giới trong suốt 12 năm qua kể từ khi bắt đầu thực hiện.

Chưa lần nào có đại học Việt Nam lọt vào top 500 của Academic Ranking of World Universities và lần này tất nhiên cũng không. Sẽ không ai ngạc nhiên về sự vắng mặt của đại học Việt Nam trong top 500, bởi vì hiện thực đã chứng minh đầy đủ về chất lượng đào tạo đại học tại Việt Nam và đó cũng là câu trả lời vì sao.

Nhưng chẳng lẽ chúng ta không có trường đại học lọt vào top 500 và nếu có thì khi nào? đó là câu hỏi không phải mới đặt ra. Cách đây chừng chục năm, một vị lãnh đạo của ngành giáo dục cao hứng nói rằng, Việt Nam sẽ có trường lọt vào top 200 thế giới trong 10 năm tới. Cái hẹn 10 năm đó đã đến, nhưng không trường nào lên được thứ hạng 500. Cũng không ai hỏi han gì đến câu nói cũ, người nghe xem đó không phải là một cam kết chính thức, một mục tiêu, kế hoạch của Bộ GDĐT, mà chỉ là cảm hứng nhất thời của người lạc quan mà thôi.

Lọt vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới không phải là tìm kiếm một thứ hư danh, mà gặt hái giá trị thực. Thứ hạng cao không chỉ đem lại uy tín cho riêng trường đại học được xếp hạng, mà còn cho quốc gia đó. Trong bảng xếp hạng năm nay, Singapore có hai trường là Đại học Quốc gia Singapore (thứ 101) và Học viện Kỹ thuật Nanyang (thứ 151).

Malaysia có hai trường là Đại học Malaysia (thứ 301) và Đại học Khoa học Malaysia (401). Sự xuất hiện hai trường ở thứ hạng cao đã giúp cho ngành giáo dục các nước này thêm danh giá. Singapore dựa vào uy tín của ngành giáo dục để kinh doanh giáo dục, thu hút du học sinh đến nước họ và họ đi đến nước khác để mở trường. Lợi ích đó có thể cân đo đong đếm được là như vậy, không phải giá trị ảo.

Nếu như Việt Nam có trường đại học được xếp hạng như Singapore, Malaysia thì sẽ thay đổi phần nào cách nhìn của cộng đồng quốc tế đối với giáo dục đại học Việt Nam. Từ đó sẽ có thêm những giao lưu quốc tế, đầu tư, hợp tác đào tạo mang lại nhiều lợi ích cho các trường đại học. Chưa kể, Việt Nam có trường nổi tiếng tầm thế giới, nhiều sinh viên thay vì bỏ tiền du học Singapore hay các nước, sẽ lựa chọn học trong nước. Cái lợi đó không chỉ cho nhà trường, mà cho toàn xã hội.

Biết là vậy, nhưng khi nào có trường đại học Việt Nam bằng hai trường của Singapore hay Malaysia thì còn chờ các “trận đánh lớn” của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
 
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động