Tìm hiểu và nắm bắt cơ hội Học bổng Fulbright

(Dân trí) - Để nắm bắt cơ hội du học Mỹ bằng Học bổng Fulbright, các bạn hãy tham khảo những thông tin bổ ích mà bà Jessica Needham - Cán bộ Phụ trách chương trình Fulbright, Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) cung cấp.

Fulbright là một chương trình trao đổi giáo dục quốc tế hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ, do thượng nghị sĩ J. William Fulbright đề xuất lên Quốc hội Mỹ vào năm 1945 nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa dân tộc Mỹ và các dân tộc khác trên thế giới. Chương trình đã được Tổng thống Truman ký quyết định trở thành luật vào năm 1946. Vụ Các vấn đề văn hóa và Giáo dục của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (ECA) là cơ quan quản lý chính chương trình này. 

Tại Việt Nam, chương trình Fulbright được điều hành và phối hợp thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Phòng Thông tin Văn hóa Hoa Kỳ (PAS). Chương trình làm việc với các tổ chức giáo dục cùng chính phủ của Mỹ và Việt Nam nhằm mở ra những cơ hội học tập và nghiên cứu các lĩnh vực thuộc khoa học xã hội và nhân văn cho mọi ứng cử viên đạt tiêu chuẩn thông qua việc cạnh tranh tự do trên thành tích chuyên môn và nghề nghiệp, không phân biệt tầng lớp, tôn giáo, giới tính, quan hệ. 

Chương trình Fulbright Việt Nam bao gồm 4 thành phần truyền thống và một Chương trình Giảng dạy Kinh tế trong nước. Trong đó, có 3 chương trình dành cho công dân Việt Nam và 2 chương trình dành cho công dân Mỹ. 

1. Chương trình Trao đổi Học giả Mỹ: thông qua tài trợ do ECA dành cho Hội đồng Trao đổi Học giả Quốc tế (CIES), các học giả Mỹ được tuyển lựa và tài trợ từ 3 - 10 tháng để tham gia chương trình Trao đổi Học giả Mỹ bởi PAS Hà Nội điều hành. Các học giả Hoa Kỳ sẽ được bố trí đến giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và nhiều bộ ngành của chính phủ Việt Nam. Có khoảng 6 - 8 học bổng hàng năm cho chương trình này.

 

2. Chương trình Trao đổi Học giả Việt Nam: PAS Hà Nội điều hành chương trình này nhằm tuyển chọn các học giả Việt Nam và sau đó được CIES bố trí đến giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học của Mỹ trong thời gian từ 3 - 9 tháng. Hàng năm có khoảng 6 - 8 học giả Việt Nam được tuyển chọn.

 

3. Chương trình Trao đổi Sinh viên Mỹ: Thông qua tài trợ của ECA, Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ (IIE) tổ chức thi tuyển và lựa chọn các ứng viên đã có hiểu biết nhất định về Việt Nam để đến nghiên cứu tại Việt Nam từ 6 - 10 tháng. PAS Hà Nội đóng vai trò là người quản lý chương tình học bổng cho các sinh viên. Khoảng 15 sinh viên Mỹ được cấp học bổng hàng năm.

 

4. Chương trình Trao đổi Sinh viên Việt Nam: Thông qua tài trợ ECA dành cho IIE, các ứng viên Việt Nam đã tốt nghiệp đại học với ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan sẽ được tuyển lựa cho Chương trình Trao đổi Sinh viên Việt Nam. Chương trình này sẽ xếp họ theo học các khóa sau đại học tại các trường đại học Mỹ. Hàng năm, chương trình này cấp 20 - 25 học bổng toàn phần cho các ứng viên là cán bộ cấp trung.

 

5. Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP): Chương trình đặt trong khuôn viên của trường Đại học Kinh tế TP. HCM, do trường John F. Kennedy của chính phủ thuộc Đại học Harvard điều hành. Mỗi năm chương trình mời từ 55 - 60 nhà quản lý cấp trung đến tham gia các khóa học trong 10 tháng về kinh tế thi trường.  

Thông tin về những chương trình đều có trên trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam: http://vietnam.usembassy.gov/fulbright hoặc Phòng Thông tin Văn hóa Hoa Kỳ: Rose Garden Tower số 6 Ngọc Khánh, Q. Ba Đình, Hà Nội. ĐT: (04) 8314580; Fax: (04) 8314601; Email: fulbrightvn@fpt.vn

Trí Kiên (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm