Bạn đọc viết:

Tìm giải pháp cho “bài toán” bạo lực học đường

(Dân trí) - Để chung tay giải quyết “vấn nạn” bạo lực học đường, theo tôi cần nhìn nhận lại một số khía cạnh sau để có thể ngăn chặn hiệu quả hành vi bạo lực của học sinh.

Đối tượng gây bạo lực thường là học sinh học yếu chán học, cũng có học sinh xuất thân từ gia đình mà các thành viên đối xử nhau có hành vi bạo lực hoặc sống ở nơi cư trú mà môi trường không được thân thiện hoặc từ những gia đình mà cha mẹ đã ly hôn, hoặc các em bị mồ côi hoặc cha mẹ thiếu quan tâm ít gần gũi với con. Cũng có thể là những học sinh ở trọ đi học bị bạn bè lôi kéo hoặc những học sinh có quan hệ với các đối tượng xấu đã bỏ học và thường lui tới các tụ điểm karaoke, Internet…

 

Về nguyên nhân có thể từ những mâu thuẩn tồn tại ở lớp dưới, cấp học dưới; có thể ở lứa tuổi thích làm “đàn anh, đàn chị” để bắt nạt bạn cùng lớp; cũng có thể vì thấy bạn trong trường, trong lớp hơn bản thân mình ở một mặt nào đó và phát sinh mâu thuẫn (như lối sống, phương tiện đi học, quen bạn khác giới…) hoặc khi đùa giỡn trong sinh hoạt va chạm nhau; nói xấu nhau trên mạng xã hội hoặc từ hình ảnh bạo lực trên phim ảnh, Internet…. đều là những cái cớ để tìm cách gây gổ, đánh nhau. 

 

Hành vi bạo lực xảy ra có thể là do cá nhân trực tiếp thực hiện nhưng phần nhiều là nhờ thanh niên ở ngoài trường hoặc học sinh cũ đã bỏ học “giải quyết” mâu thuẫn, vì các em sợ bị nhà trường phát hiện xử lý kỷ luật, hình thức đón chặn đường bên ngoài trường chiếm tỉ lệ khá cao và cũng không ít  trường hợp có sử dụng hung khí.

 

Do vậy, để ngăn chặn hiệu quả hành vi bạo lực của học sinh, nhà trường cần chọn giáo viên có tâm huyết với nghề, có kinh nghiệm giảng dạy và giáo dục học sinh làm công tác chủ nhiệm và theo cả cấp học, qua đó lập kế hoạch giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh. Cần chọn giáo viên vững về nghiệp vụ sư phạm, có kinh nghiệm giáo dục học sinh cá biệt, có tinh thần trách nhiệm, có thể hình và thể lực tốt làm làm công tác giám thị để việc quản lý học sinh tốt hơn. Chọn giáo viên có nghiệp vụ chuyên môn, tận tâm với nghề làm công tác tư vấn giúp cho học sinh giải quyết những khó khăn trong học tập, trong quan hệ giao tiếp.

 

Mặt khác, nhà trường cần thu thập thông tin học sinh cá biệt và học sinh đã có hành vi bạo lực từ các trường vào học lớp đầu cấp để quản lý và giáo dục phù hợp; phối hợp với cha mẹ học sinh giáo dục, tìm hiểu và tìm cách ngăn chặn hành vi bạo lực của học sinh, đặt biệt đối với học sinh cá biệt, học sinh thường xuyên trốn học; xử lý nghiêm học sinh gây gổ, đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường.

 

Nhà trường  phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương vận động chủ các quán “nhậu” không tiếp học sinh đến ăn uống; các điểm karaoke, truy cập Internet không tiếp học sinh trong giờ học; vận động các hộ dân xung quanh trường kịp thời báo cho nhà trường và các cơ quan chức năng dấu hiệu bạo lực có thể xảy ra để ngăn chặn và bạo lực đã xảy ra để điều tra, khắc phục hậu quả.

 

Trần Vũ

(Thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh)

 

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm