Ninh Bình:

Tiết kiệm tiền để nấu cơm miễn phí phục vụ thí sinh

(Dân trí) - Thấu hiểu khó khăn của những gia đình nghèo có con đi thi, anh Phạm Văn Đại (Ninh Bình) đã nhiều năm tiết kiệm tiền thực hiện chương trình tiếp sức mùa thi.

Anh Đại (38 tuổi), quê ở xã Yên Đồng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) làm nghề bán hàng tạp hóa và ảnh viện áo cưới. Dù thu nhập không cao nhưng mỗi tháng anh đều dành dụm tiền để đến mùa thi hỗ trợ thí sinh và phụ huynh.


Anh Phạm Văn Đại đang nhắc nhở các tình nguyện viên cẩn thận, chu đáo chuẩn bị từng suất cơm cho sĩ tử.

Anh Phạm Văn Đại đang nhắc nhở các tình nguyện viên cẩn thận, chu đáo chuẩn bị từng suất cơm cho sĩ tử.

Kể về cơ duyên đến với công việc thiện nguyện này, anh Đại cho biết, quê anh chủ yếu làm ruộng nên có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn. Tới mùa thi phụ huynh phải gom góp tiền cả tháng hoặc vay mượn khắp nơi đưa con đi thi.

“Năm 2010 tôi cùng nhiều phụ huynh đưa con, cháu đi thi ở Hà Nội. Vì ở xa nên mọi người chấp nhận thuê nhà trọ giá cao. Mọi chi phí ở gần khu vực thi cũng thường đắt hơn chỗ khác nên mỗi đợt thi ít cũng mất từ 4 - 5 triệu. Tôi nghĩ mình nên làm điều gì đó để phụ huynh bớt gánh nặng trong mỗi mùa thi”, anh Đại nói.

Tận tay anh chuẩn bị từng hộp canh cho bữa ăn của thí sinh thêm ngon miệng.
Tận tay anh chuẩn bị từng hộp canh cho bữa ăn của thí sinh thêm ngon miệng.

Từ đó đến nay, mỗi năm anh Đại đều góp tiền tiết kiệm để tiếp sức mùa thi. “Từ năm 2011 - 2015, tôi đứng ra thuê xe đưa đón các cháu trong huyện Yên Mô đi thi ở các tỉnh. Dù Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên hay Thanh Hóa, tôi đều đưa đến nơi về đến chốn nên phụ huynh rất yên tâm”, anh Đại nói.

Năm nay thí sinh Ninh Bình dự thi THPT Quốc gia ngay tại tỉnh nên anh nảy ra ý định và thực hiện việc nấu cơm miễn phí phục vụ sĩ tử.

“Trước kỳ thi, tôi liên hệ với nhà trường, các địa phương trong huyện để nhờ thông báo cho học sinh biết chương trình phát cơm miễn phí. Học sinh, phụ huynh nào trọ tại thành phố Ninh Bình chỉ cần liên hệ với người trong nhóm sẽ được phục vụ trong suốt kỳ thi” - anh Đại cho hay.

Để có bữa cơm cho các thí sinh, anh Đại cùng các bạn tình nguyện viên phải dậy từ lúc 4h sáng hàng ngày
Để có bữa cơm cho các thí sinh, anh Đại cùng các bạn tình nguyện viên phải dậy từ lúc 4h sáng hàng ngày

Trong ngày thi đầu tiên, anh huy động hơn 20 người vừa sinh viên trong huyện và gia đình mình chuẩn bị hơn 200 suất cơm trưa. Mỗi hộp cơm đầy đặn, thơm ngon và đẩy đủ chất dinh dưỡng cho sĩ tử bao gồm: thịt kho dừa, chả lụa, rau muống xào và canh ngao. Thực đơn sẽ được đầu bếp của nhóm thay đổi liên tục để các em không bị chán.

Điều anh Đại chú ý nhất trong mỗi bữa cơm là vấn đề an toàn thực phẩm. Anh nói: “Hiện nay có quá nhiều loại thực phẩm không an toàn nên tôi phải tự tay mua các loại nguyên liệu. Gạo phải thơm, dẻo và là lúa mới. Thịt lợn mông, rau muống cũng được đặt mua ở quê không có thuốc trừ sâu và chất bảo quản. Nếu thức ăn không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến ngày thi tiếp theo của các em”.


Mỗi suất cơm đầy đủ thức ăn mặn, canh, rau như: Thịt kho dừa, chả, rau muống xào, canh ngao.

Mỗi suất cơm đầy đủ thức ăn mặn, canh, rau như: Thịt kho dừa, chả, rau muống xào, canh ngao.

Để công việc suôn sẻ, mọi người trong nhóm dậy từ 4 giờ sáng nhận thực phẩm và tiến hành sơ chế. Trước giờ thi, một số bạn sinh viên đến các điểm trường trên địa bàn thành phố Ninh Bình phát nước trước cho thí sinh và dặn dò thí sinh đến nhận cơm đúng giờ.

“8 giờ chúng em mới bắt đầu nấu cơm, khoảng 10 giờ thì xong xuôi mọi việc chỉ cần chở đến địa điểm thi để giao cơm”, bạn Trần Quỳnh Nga, thành viên nhóm nói.

Toàn bộ nguồn tiền thực hiện chương trình là do anh Đại tiết kiệm được trong khoảng một năm. Trung bình mỗi tháng anh trích 1 - 2 triệu đồng thu nhập để dành. Nhiều bạn sinh viên đã từng được anh giúp đỡ cũng chung tay thực hiện chương trình.

Các thí sinh vui mừng nhận từng hộp cơm, nước uống miễn phí sau buổi thi.
Các thí sinh vui mừng nhận từng hộp cơm, nước uống miễn phí sau buổi thi.

Trong ngày đầu tiên, nhóm của anh Đại nấu hơn 200 suất cơm. Dự kiến trong 4 ngày thi sẽ nấu hơn 1.000 suất cho thí sinh, phụ huynh trong và ngoài huyện.

“Công việc này đã ăn sâu vào máu mình rồi, giờ không làm thì cảm thấy khó chịu. Mỗi lần nhìn thấy phụ huynh, thí sinh đón nhận cơm, nước nở nụ cười là lòng mình thấy vui mừng khó tả”, anh Đại hạnh phúc nói.

Tiết kiệm tiền nấu cơm miễn phí phục vụ thí sinh

Thái Bá