Tiết học “đặc biệt” khơi dậy lòng yêu nước

(Dân trí) - Cả cô và trò đều trong trang phục rực màu đỏ trong một tiết học “đặc biệt”. Tiết học không có một giáo án chi tiết mà chỉ có phần khung, thông qua đó giáo viên thể hiện sự uyển chuyển của mình để khơi dậy lòng yêu nước cho các học trò.

 

Tiết học chúng tôi đang nói đến được mang tên “Hát quốc ca từ trái tim mình” vừa được thực hiện đồng loạt ở các khối lớp của trường THPT Phan Huy Chú (Quận Đống Đa - Hà Nội) chiều qua 7/8.

phc1-08082015-701d8
Khí thế trang nghiêm và hào hùng của cô và trò trường THPT Phan Huy Chú trong tiết học "đặc biệt"

Mở đầu tiết học, toàn học sinh trường THPT Phan Huy Chú đã tham dự lễ chào cờ và sau đó nghe những lời tâm tư, đầy cảm động của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp.

“Hôm nay các con sẽ được các thầy cô giáo chủ nhiệm dạy một bài học đầy tâm huyết. Đó là một bài học ngoài chương trình, và cũng không xếp thuộc bộ môn nào nhưng là bài học cần cho mọi trái tim, khối óc của mỗi học trò, đó là bài học: “Hát Quốc ca từ trái tim mình”. Đó là một bài hát không phải chép lời khi học hát nhưng lại là bài hát mỗi lời hát lên đều cần vang vọng tiếng lòng” – Cô Nguyễn Thị Nhiếp mở đầu cho tiết học “đặc biệt”

nhiep-08082015-372ef

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú

Tiếp tục “truyền lửa” cho các học trò, người đứng đầu trường THPT Phan Huy Chú nói: Cô đã từng ước ao nhưng cũng biết khó có thể thực hiện vì điều kiện không cho phép. Đó là được đưa tất cả các con vào thăm nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang Liệt sĩ Đường Chín, Thành Cổ Quảng Trị... Để giữa bạt ngàn những phần mộ Liệt sĩ vô danh, những người hiến dâng tuổi xuân cho đất nước, các con sẽ cất lên bài hát Quốc ca. Đứng giữa ngàn vạn cuộc đời mãi mãi tuổi 20, quên mình vì ngày hôm nay, các con sẽ hiểu hơn việc hát Quốc ca là thiêng liêng đến nhường nào.

Khi ấy, cô tin là các con sẽ hiểu: Hát Quốc ca là cách dâng nén tâm hương tri ân các Anh Hùng Liệt sĩ. Hát Quốc ca nhạt nhẽo là biểu hiện của những người sống vô ơn. Hát Quốc ca là thể hiện niềm tự hào và tình yêu với ngôi trường đang ngày ngày dệt nên những kỷ niệm của cuộc đời các con. Nếu hát bằng miệng mà lòng thờ ơ là người thiếu tình cảm với ngôi trường.

phc-08082015-1debd
Các học trò xúc động khi nghe "bài giảng" của cô Hiệu trưởng

Hát Quốc ca cũng là niềm hạnh phúc của mỗi người Việt Nam được sống trong một đất nước có chủ quyền và có hòa bình. Nếu chỉ im im chờ bạn hát trong lễ chào cờ thì con đã là người vô cảm, đáng trách biết bao nhiêu.

Cô từng kể với các con về K14, mỗi khi các anh chị hát Quốc ca là lòng thầy cô đều rất đỗi tự hào. Cá nhân cô đã rất nhiều lần rưng rưng trước tình yêu nước, yêu mái trường được các anh chị thể hiện qua các giờ chào cờ. Cô nhớ lắm hơn 500 đứa con yêu thương ấy trong đêm Lễ Tri ân trưởng thành vì các anh chị đã thấu hiểu bao ân nghĩa trong một bài hát mang hồn thiêng sông núi.

“Như các con đã biết, ngày 26/3 vừa qua nhà trường tổ chức cho các con được hát lên bài hát của Đất nước trong một cuộc thi đầy ý nghĩa. Cả 30 lớp đã hát những lần hát hay nhất của mình, trong những trang phục đẹp và nghiêm túc nhất. Tuy nhiên, cô xin khẳng định đó không phải là một cuộc thi hát, mà là cuộc thi biểu hiện lòng yêu nước qua một bài hát thiêng liêng. Vì thế, lớp được giải trong cuộc thi hát Quốc ca không phải là lớp có những người hát hay nhất mà là lớp có ý thức thể hiện tấm lòng với núi sông bờ cõi nhất, với thầy cô và mái trường thân thương.

Ai đó đã nói, tuổi trẻ hôm nay sống thiếu lý tưởng, nhất là những lý tưởng lớn lao và khát vọng cống hiến. Nhưng cô không mất lòng tin ở tuổi trẻ của các con” – Cô Nhiếp kết thúc “bài giảng” của mình.

 

phc2-08082015-fb2a5
Cô và trò tiếp tục say sưa trong tiết học "đặc biệt"

Sau lễ chào cờ đầy ý nghĩa và lắng nghe “bài giảng” xúc động của cô Hiệu trưởng, toàn bộ học sinh lại tiếp tục quay trở lại lớp để “củng cố” thêm những phần kiến thức về bài hát Quốc ca.

Em Trần Kiều Phong - Học sinh lớp 10A4 chia sẻ: “Từ hồi tiểu học đến khi em bắt đầu vào học lớp 10 thì mỗi khi hát Quốc ca thường sẽ có một đội trống để làm nền cho bài hát. Lên cấp THPT thì em được hát Quốc ca bằng nền nhạc của trường chứ không còn còn do các đội trống đánh. Lúc đó, em có cảm giác Quốc ca được xuất phát từ chính trái tim của mỗi học sinh chúng ta. Sau tiết học em đã nhận thấy một điều: Quốc ca là một lòng biết ơn, cùng như cảm ơn những người đã ngã xuống vì chính chúng em”

Nguyễn Hùng – Trọng Trinh
(Email hungns@dantri.com.vn)