Tiết học có hơn 40 giáo viên dự giờ
(Dân trí) - Tiết học liên môn Văn - Sử của thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM có đến hơn 40 giáo viên đến từ các trường đến… dự giờ.
Bài giảng liên môn Văn - Sử với chủ đề “Cội nguồn đất Việt” của học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM có thể nói là giờ học có… đông giáo viên dự giờ nhất.
Tiết học do cô Nguyễn Thị Thu Thủy (dạy Văn) và thầy Nguyễn Viết Đăng Du (dạy Sử) phối hợp giảng dạy. Thay cho không gian lớp học thông thường, giờ học liên môn diễn ra ở hội trường, có sân khấu. Học sinh ngồi ở dãy phía trên và dãy bên dưới là hàng chục giáo viên tham gia dự giờ. Giáo viên dự giờ có thể bao quát hết mọi hoạt động diễn ra trong giờ học.
Qua sự dẫn dắt của hai giáo viên, học sinh được tìm hiểu về cội nguồn đất Việt qua truyền thuyết, qua khoa học sinh lịch sử, qua văn học dân gian… Không chỉ qua sách vở, bài giảng, học sinh được xem clip hoạt hình về các truyền thuyết, video tái hiện các các thời kỳ lịch sử, thong qua tranh ảnh, tư liệu…
Đặc biệt, với các tác phẩm văn dân gian, chính các em học sinh tham gia tái hiệu thông qua các vở kịch như Sơn Tinh - Thủy Tinh, Sự tích Trần Cau, Sự tích bánh chưng bánh dày…
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ, để tổ chức giờ học liên môn, thầy trò phải trải qua quá trình chuẩn bị dài hơi. Ngay từ đầu năm học, các em đã được học cách viết kịch bản, lời thoại nhân vật… Sau khi kịch bản hoàn thiện thì các em trải qua quá trình như chọn diễn viên, tập diễn, chuẩn bị trang phục, dụng cụ sân khấu…
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du cho hay, giờ học liên môn “Cội nguồn đất Việt” có 42 giáo viên đến từ các trường trong cụm thuộc quận 1, quận 3 đến dự. Kết thúc buổi học, các thầy cô sẽ có buổi trao đổi, góp ý thẳng thắn về tiết học để qua đó rút kinh nghiệp, chia sẻ và nhiều trường có thể tổ chức các giờ dạy liên môn tương tự.
“Điều chúng tôi mong muốn nhất là thầy cô dự giờ thấy được một cách thực tế, sinh động về việc dạy học liên môn. Đó là một xu thế vừa giảm tải vừa tạo hứng thú và sự chủ động trong học tập cho học sinh”, thầy Du bộc bạch và cho biết thêm, những tiết dạy như vậy cũng muốn tiếp lửa cho đội ngũ, đặc biệt giáo viên trẻ không ngừng đổi mới.
Học sinh tự viết kịch bản, diễn các vở kịch về văn học dân gian Việt Nam như Sự tích Trầu cau, Sự tích Bánh chưng bánh dày, Sơn Tinh - Thủy Tinh...
Đặc biệt, những tiết dự giờ này chỉ mang tinh thần chia sẻ, học hỏi, nhân rộng về những giờ học trực quan sinh động chứ không chấm điểm hay thành tích gì hết.
Trước đây, dư luận đã từng xôn xao khi thấy hình ảnh hàng chục giáo viên dự giờ một tiết học. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là "diễn", làm khổ thầy trò, áp lực thành tích, thi đua… Tuy nhiên việc hàng chục giáo viên dự giờ tiết học thao giảng là hoạt động chuyên môn hết sức bình thường. Quan trọng nhất là hiệu quả giờ dạy đó như thế nào, người tham gia dự giờ học hỏi được điều mới, có thêm nhiều kinh nghiệm từ đồng nghiệp ra sao để tổ chức các giờ học hay.
Hoài Nam