Tiếng trống Bắc Lý Vẫn còn vang vọng

(Dân trí) - 54 năm trước đây, ở vùng chiêm trũng nghèo huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam xuất hiện một ngôi trường đã đi vào lịch sử như một biểu tượng mới của ngành Giáo dục Việt Nam khi ấy: Trường cấp II Bắc Lý, nơi khởi đầu của phong trào thi đua Hai tốt...

Ngôi trường giàu truyền thống

 

Từ thị xã Phủ Lý, dọc theo đường đê về phía Bắc chừng 2 chục cây số là trường THCS Bắc Lý. Bề thế, khang trang với ba tòa nhà cao tầng bố trí theo hình chữ U nằm giữa một khuôn viên có nhiều cây xanh, ngôi trường nổi bật lên giữa một vùng bốn bề đồng ruộng. Không chỉ có vậy, cơ ngơi của trường còn được thể hiện qua hàng loạt những phòng học “chuẩn” được trang bị các máy móc, thiết bị phục vụ dạy và học mà bất cứ ngôi trường THCS nào ở thành phố cũng phải mơ ước.

 

Thầy Trần Văn Mão - Hiệu trưởng nhà trường - không nén nổi tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về quá trình hình thành phát triển của ngôi trường mà mình đã gắn bó gần 30 năm nay. “Tôi về công tác tại Trường Bắc Lý từ năm 1979, trước đây cũng như sau này, mỗi nhà giáo khi được phân công về đây đều nghĩ là mình may mắn vì được làm việc tại một trong số các ngôi trường có bề giàu truyền thống”.

 

Dù không công tác tại trường từ những ngày đầu nhưng với thầy Mão,  những tháng ngày gian khổ, những thời khắc huy hoàng của Trường cấp II Bắc Lý “đều được thầy và trò khắc cốt ghi tâm để tự nhủ lòng mình phải cố gắng để xứng đáng với cái tên Bắc Lý”.

 

Trường cấp II Bắc Lý được thành lập vào năm 1953, lúc đầu được đặt tại vùng căn cứ phía Bắc huyện Lý Nhân và phải đến năm 1958 mới chuyển về địa điểm hiện nay thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

 

Có lẽ ở Việt Nam, hiếm có ngôi trường nào có bề dày thành tích như Bắc Lý. Hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng Ba, nhiều năm liên tiếp nhận bằng khen của Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Đây cũng là ngôi trường mà rất nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã từng đến thăm.

 

Nơi khởi nguồn của phong trào thi đua “Hai tốt”

 

“Lý Nhân là vùng chiêm trũng, lúc nào cũng thấy nước ngập mênh mông, đói ăn, đói mặc nhưng người dân ở đây rất hiếu học”, thầy Mão kể lại. Những năm 1953 - 1954, mặc dù trường được thành lập nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh nên không có địa điểm cụ thể mà phải học nhờ ở các đình, chùa. Không có bàn ghế nên mỗi học sinh khi đi học phải tự mang theo bàn ghế để học. Vất vả như vậy nhưng hiếm khi có chuyện học sinh nghỉ học.

 

Năm 1958, trường được chuyển về địa điểm thuộc xã Bắc Lý, vốn là một doi đất nằm giữa một vùng đồng nước mênh mông. Cũng trong thời kỳ này, toàn miền Bắc đẩy mạnh phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hòa trong không khí phấn chấn của cả nước,  thầy, trò và nhân dân Bắc Lý nung nấu quyết tâm xây dựng một ngôi trường thật khang trang, hiện đại. Hàng trăm người dân cùng toàn thể thầy và trò đã được huy động để đào đất, đắp nền, góp công góp của xây dựng trường.

 

Ngoài việc xây dựng các phòng học, cơ sở vật chất, thầy và trò Bắc Lý còn cải tạo, san lấp ao hồ để thành lập vườn trường. Đội ngũ các giáo viên trường Bắc Lý thời đó là người của các tỉnh, thành như Ninh Bình, Hải  Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Nội... đã cất công đi tìm kiếm, sưu tầm nhiều  loại cây về trồng tại trường, mày mò sáng chế ra các giáo cụ trực quan để học sinh vừa học tập vừa lao động, gắn kết giữa lý thuyết và thực hành. Đây được coi là nét độc đáo, sáng tạo thời bấy giờ của trường và được Bộ GD&ĐT chọn làm điểm để nghiên cứu về cách dạy và học.

 

Cũng phải nói thêm rằng cuối năm 1960, Đảng và Nhà nước đã xác định phương châm giáo dục của ta là: học phải đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội. Từ đó, các trường học trong cả nước đã cố gắng vận dụng nguyên lý trên vào thực tiễn. Và trong đó, Trường cấp II Bắc Lý đã nổi lên như một điển hình tiên tiến.

 

Tháng 10/1961, ngành Giáo dục tổ chức Hội nghị 3 năm xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa (1958 - 1961) tại thị xã Phủ Lý. Hội nghị đã nhất trí công nhận Trường cấp II Bắc Lý là lá cờ đầu của toàn ngành Giáo dục và phát động  phong trào thi đua “Hai tốt” với khẩu hiệu: “Tích cực thi đua dạy tốt, học tốt. Học tập và làm theo Bắc Lý”. Đích thân Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã mời đại diện nhà trường đứng lên trước hội trường gióng một hồi trống vang dội mở màn cho cuộc vận động thi đua “Hai tốt”.

 

Từ sau Hội nghị này, một phong trào thi sôi nổi đã nhanh chóng lan rộng  trong các trường học từ nông thôn đến thành thị, miền ngược đến miền xuôi.  Ông Trần Tiến Cảnh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam và từng là học sinh của Trường cấp II Bắc Lý thời đó nhớ lại: “Hầu như đi đến đâu, người ta cũng nói về Bắc Lý và phong trào “Hai tốt”. Mỗi học sinh Bắc Lý lúc đó  được đeo một chiếc huy hiệu hình bông hoa, trên đó có ghi chữ Hai tốt, rất vinh dự”.

 

Trong nhiều năm tiếp theo, Trường cấp II Bắc Lý tiếp tục dẫn đầu phong trào thi đua “Hai tốt” và trở thành đơn vị điển hình trong phong trào thi đua yêu nước.

 

Trống Bắc Lý vẫn còn vang

 

Trong phòng truyền thống của trường THCS Bắc Lý hiện nay, ngoài cờ, huân, huy chương các loại còn có những đồ vật khá lạ mắt như một bộ quân phục bạc màu, một mô hình chiếc tàu viễn dương... Đó là những kỷ vật của những cựu học sinh Bắc Lý, đại diện cho những hình mẫu học sinh nhà trường.

 

Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, trường Bắc Lý đã giáo dục và định hướng cho học sinh đi theo ba con đường. Đó là học tập tốt, vươn tới chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học, xây dựng đất nước giàu mạnh. Đại diện cho mẫu người này là anh Trần Danh Sơn, từ một cậu học trò nghèo đã trở thành Trưởng Khoa Đường biển, Đại học Hàng hải, thuyền trường của tàu viễn dương.

 

Thứ hai là sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, đại diện cho mẫu người này là liệt sĩ Trần Văn Tính, người đã anh dũng hy sinh khi tham gia đánh tàu Mỹ Ma - đốc trên Vịnh Bắc bộ.

 

Mẫu người thứ 3 là học xong ở lại cùng bà con xây dựng quê hương giàu mạnh mà tiêu biểu là anh Cao Xuân Thăng, sau này đã trở thành Chủ nhiệm HTX điển hình của cả nước.

 

Thầy Trần Văn Mão cho biết: “Không chỉ trước đây mà bây giờ, học sinh Bắc Lý cũng được định hướng đi theo những hình mẫu này”.

 

Không bằng lòng với những gì đã có, trong những năm qua, thầy và trò Bắc Lý luôn phấn đấu không ngưng nghỉ. Cũng vì thế mà năm 1997, Trường được tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba. Năm 2000, Trường tiếp tục được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động lần thứ 2. Năm 2002, trở thành trường đầu tiên của tỉnh Hà Nam được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn Quốc gia.

 

Trong nhiều năm trở lại đây, Trường không chỉ là cánh chim đầu đàn của ngành Giáo dục Hà Nam mà còn là một trong những đơn vị dẫn đầu  ngành Giáo dục cả nước.

 

Hoàng Anh