Tiến sĩ - vị khoa học hay vị quan trường?
Thống kê số lượng tiến sĩ được cấp bằng từ năm 2000 đến nay của trường ĐH Kinh tế quốc dân cho thấy, chỉ 44% tiến sĩ là giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường, các viện...
PGS.TS Trần Thọ Đạt ở Viện đào tạo sau đại học của trường ĐH Kinh tế quốc dân, đã thừa nhận một thực tế ở Việt Nam là số người đi học chỉ nhằm “sưu tầm” bằng cấp để tiến thân ngày càng nhiều. Theo ông, khi khẳng định “Mục tiêu của đào tạo tiến sĩ là đào tạo những người làm công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy...”, bản dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT có thể đưa đến sự thay đổi hoàn toàn quan niệm về học vị tiến sĩ và về người có học vị tiến sĩ hiện nay.
Bên lề hội thảo “Cải tiến tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” do đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hôm 10/12, giáo sư Phạm Phụ thẳng thắn: “Tôi biết tôi sẽ trở thành thiểu số khi nói rằng đào tạo tiến sĩ không nhất thiết phải đáp ứng nhu cầu xã hội. Làm tiến sĩ là làm nghiên cứu khoa học, kết quả có thể 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm sau mới đánh giá được. Thế giới hiện đã xuất hiện xu hướng đào tạo tiến sĩ không cần bảo vệ luận án. Người ta làm nghiên cứu chỉ để phát hiện và công bố những phát hiện đó cho nhân loại, ngoài ra không có mục tiêu nào khác”.
Không ít người như giáo sư Phụ tỏ ý không hiểu vì sao đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam lại dẫn đến một thực trạng “đau buồn” như hiện nay.
Theo thống kê của tiến sĩ Đạt, tính sơ bộ quá trình đào tạo tiến sĩ tại trường ông, từ khi nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh đến lúc được cấp bằng tiến sĩ, trung bình một nghiên cứu sinh phải trải qua khoảng 300 loại văn bản và báo cáo thống kê với xấp xỉ 400 chữ ký các loại. Thủ tục nhiêu khê nhưng việc học bậc tiến sĩ ở Việt Nam lại quá đơn giản so với các nước.
Ông Đạt cho biết tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu sinh chỉ phải thực hiện ba chuyên đề rồi tự làm luận án “tại nhà hay cơ quan”. Ngay tại TPHCM, có nghiên cứu sinh trong ba năm đào tạo hầu như không có mặt tại cơ sở đào tạo; không tham gia hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, sinh hoạt chuyên môn; không có kiểm soát, đánh giá về tiến độ thực hiện đề tài, khả năng thực thi luận án, kế hoạch nghiên cứu... nhưng vẫn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
GS.TS Lê Huy Bá thuộc trường ĐH Công nghiệp TPHCM nhìn nhận: “Hầu hết các luận án tiến sĩ bảo vệ thành công đều mang phần hữu hảo, nhân nhượng. Người ta bảo nhau: thời buổi thóc cao gạo kém này mà bỏ tiền, bỏ công sức ra làm ba năm luận án cũng là đáng nể rồi (?)”.
TS Huỳnh Hồ Thuỳ Dương ở trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM cho rằng phần lớn nghiên cứu sinh “tại chức” như hiện nay (vừa công tác vừa làm đề tài tiến sĩ) với gánh nặng gia đình, lương bổng, công tác và các vấn đề cá nhân khác, việc thực hiện được đã là một thành công lớn nói chi đến tính độc đáo và mới mẻ của luận án tiến sĩ.
Theo Như Thuần, Phúc An
Sài Gòn Tiếp Thị