Tiến sĩ văn học và bài thơ nhói đau về giữ gìn vẻ đẹp Tiếng Việt

(Dân trí) - TS Văn học Trịnh Thu Tuyết chia sẻ: “Tôi thấy sợ những lời mạt sát lăng mạ ngang bằng với nỗi bức xúc vì sự không hợp lý trong bản đề xuất cải tiến phụ âm “Tiếq Việt” của PGS Bùi Hiền".

Chúng ta nên trao đổi, tranh luận xuất phát từ ý thức bảo vệ tiếng Việt, đừng hấp tấp nóng vội cải tiến nhưng cũng đừng dùng những lời lẽ quá nặng nề trước một nỗ lực có thể chưa tới đích.

Những ngày gần đây, bản đề xuất cải tiến phụ âm “Tiếq Việt” của PGS Bùi Hiền gây xôn xao dư luận. Trao đổi với PV Dân trí sáng 28/11, Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết (nguyên Giáo viên Văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội) cho biết, nhiều năm trước, cô rất lo lắng khi giới trẻ tuổi teen “nổi loạn” trên mạng xã hội với những ngôn ngữ chát, và sự lây lan kiểu ngôn ngữ ấy thành một hiện tượng đáng lo ngại cho cộng đồng ngôn ngữ Việt!

Từ nỗi trăn trở lo lắng ấy, cô đã chia sẻ trên trang cá nhân những vần thơ nhói đau về việc giữ gìn sự trong sáng và nét đẹp của Tiếng Việt.

Một đoạn viết bằng ngôn ngữ teen trên mạng xã hội cách đây 3 năm.
Một đoạn viết bằng ngôn ngữ "teen" trên mạng xã hội cách đây 3 năm.

Tôi biết những điều mình viết dưới đây, rất khó tìm sự chia sẻ, bởi nhiều khi, lứa tuổi không còn teen của chúng ta vẫn thích vui vẻ trẻ trung một chút bằng ngôn từ. Tôi hiểu người lớn chúng ta luôn làm chủ ranh giới và chuẩn mực, chúng ta đã có nền tảng và chỉ vui đùa chút xíu trên nền tảng ấy. Tuy nhiên, con cháu chúng ta tiếp xúc với kiểu ngôn ngữ này, lâu dần thành thói quen. Các con chưa xây được nền tảng như chúng ta nên sẽ chung chiêng giữa những cái chuẩn và cái giống chuẩn. Và sợ rằng, một ngày nào đó, tiếng Việt ông bà gìn giữ bao năm sẽ chết!" ( 29/12/2014)

Trở lại bản đề xuất cải tiến phụ âm “Tiếq Việt” của PGS Bùi Hiền, cô Tuyết chia sẻ, Chúng ta nên trao đổi, tranh luận xuất phát từ ý thức bảo vệ tiếng Việt, đừng hấp tấp nóng vội cải tiến nhưng cũng đừng dùng những lời lẽ quá nặng nề trước một nỗ lực có thể chưa tới đích!

Tôi thấy sợ những lời mạt sát lăng mạ ngang bằng với nỗi bức xúc vì sự không hợp lý trong bản đề xuất cải tiến phụ âm “Tiếq Việt” của PGS Bùi Hiền", cô Tuyết tâm sự.

Dân trí xin giới thiệu bài thơ của TS Trịnh Thu Tuyết về việc giữ gìn nét đẹp và sự trong sáng của Tiếng Việt cách đây 3 năm:

TIẾNG VIỆT

Nghìn năm trước,
Những Hán, Đường, Lương, Tống...
Những Đằng giang máu tanh chảy thành sông
Những cột đồng rỉ hoen màu ngạo ngược
Tiếng Việt tức tưởi buồn- vẫn trong tiếng, tròn câu
Cho dòng sữa ngọt lành lời ru tiếng Mẹ.

Nghìn năm sau,
Vó ngựa Nguyên Mông tơi nát đất lành
Lưỡi cú diều mở đường âm điệu Bắc
Giọng Minh, Thanh - đục tối đường làng
Câu hát ví vẫn trong ngần, ngả nghiêng hồn Việt.

Hàng trăm năm nối tiếp
Rợ phương Tây nhức nhối tiếng Tây bồi
Người đau nỗi " xa thư..." khi nhức mắt nhìn "bòng bong trắng lốp"
Kẻ uống sâm banh, bỏ bút lông, thay bút chì viết lời tang tiếng Việt
Giữa lòng dân, tiếng Việt vẫn giấu mình trong những khúc bi ca

Nhớ lời than của một người thơ xa
Khi canh cánh nỗi niềm "suốt đời mắc nợ"
Ta nghẹn ngào muốn khóc: Tiếng Việt ơi!
Mẹ cha ta bán mặt, bán lưng, cho đất, cho trời
Vẫn gạt mồ hôi, giữ khúc dân ca đằm ngọt
Những tiếng nói kiên cường " thà làm quỉ nước Nam"
Kiêu hãnh vạn lần hơn những tước vương nhận từ giọng Bắc!

Ôi nhân dân ngàn năm!
Nước mắt mặn và mồ hôi đắng chát
Thánh thót rơi buồn trong tục ngữ ca dao
Tình tứ thuỷ chung gọi " người ơi ngươi ở..."
Những chiêm nghiệm đau đời trong " ngày xửa ngày xưa" ...

Ta nhận trong lành từ sữa Mẹ nôi đưa
Từ tiếng hát ru ngọt ngào thiêm thiếp
Tiếng Mẹ đẻ - ngọc ngà ngàn năm giũa mài cho ta đi tiếp
hết cuộc đời không hết những lời ca
" Ai còn Mẹ, xin đừng làm Mẹ khóc"
Mẹ xa rồi, giữ tiếng Mẹ, ngàn năm!

Mỹ Hà