Thi tuyển công chức:
Tiến sĩ trượt vẫn phục, Việt Nam mới có ‘cú nhảy then chốt’
Khi nào hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ đào tạo cả trong, ngoài nước trượt công chức vẫn không buồn, vì thấy người được chọn xứng đáng hơn, thì VN đã sẵn sàng cho một “cú nhảy then chốt”.
Có gì lạ đâu!
Khi được hỏi quan điểm về sự kiện nhiều thạc sĩ tốt nghiệp nước ngoài trượt kỳ thi tuyển công chức của TP. Hà Nội vừa qua, một người bạn của tôi, từng lấy bằng Thạc sĩ của một ĐH danh tiếng tại Hoa Kỳ thổ lộ: “Có gì lạ đâu! Họ trượt là đúng!”
Anh giải thích: “Họ trượt không phải do kém, mà do họ không phù hợp với các vị trí dự tuyển. Nền quản trị hiện tại vẫn còn những rào cản về yêu cầu công việc, môi trường làm việc và kể cả chế độ lương bổng đối với lao động trình độ cao”.
Ngẫm lại, tôi thấy nhận xét của bạn mình phần nào đó có lý. Tại sao? Bởi nếu nhìn vào các con số liên quan đến nguồn nhân lực ở trình độ cao (có bằng cử nhân và kỹ sư trở lên) thì lẽ ra vị thế của Việt Nam không thể khiêm tốn như ngày hôm nay.
Hiện tại, nguồn nhân lực trình độ cao của Việt Nam có thể được xem là tốt nhất từ trước tới nay trên cả hai phương diện số lượng và chất lượng.
Chỉ tính riêng các trường hợp được đào tạo ngoài nước, trong vòng hơn một thập kỷ qua, số lượng du hoc sinh người Việt đang học tập tại khoảng 50 quốc gia trên thế giới đã tăng lên hàng chục lần, lên đến hơn 120 nghìn.
Không dám khẳng định bất kì ai đi du học cũng có được kiến thức và kỹ năng tốt hay tiên tiến. Nhưng về cơ bản, theo đánh giá của nhiều diễn đàn, thì đây chính là một lực lượng quan trọng bổ sung cho những thiếu hụt hay lỗ hổng nhân lực mà nước ta đang cần nếu muốn thực sự bứt phá.
Vậy những nguyên nhận nào khiến cho nguồn “nguyên khí” được đào tạo ngoài nước này chưa đóng góp được nhiều và hợp lý cho sự phát triển của đất nước?
Thí sinh mướt mải dưới trời nắng nóng để nộp hồ sơ. Ảnh: Khám phá |
Chiêu hiền đãi sĩ rầm rộ nhưng…
Nhìn vào thực trạng giáo dục nước nhà cũng như khả năng đãi ngộ và cơ hội việc làm, cùng vô vàn bất cập mà xã hội đang gặp phải, đối với nhiều người du học là con đường có thể giúp họ và đặc biệt là con cái họ có cơ hội bền vững hơn cho cuộc sống. Nhiều phụ huynh khi được hỏi đã thổ lộ rằng, mặc dù không nỡ để con cái một mình xa nhà nơi đất khách khi còn ít tuổi, nhưng vì không vững niềm tin vào giáo dục và an sinh nước nhà nên vẫn cố gắng để con được học tập và làm việc ở những nước phát triển.
Trên phương diện cá nhân, chuyện này là chính đáng. Tuy nhiên trên thực tế, những ai có thể trụ lại và được nhận vào các công ty ở các nước phát triển kia đa phần là những người có khả năng và chuyên môn giỏi. Hệ quả là mỗi năm Việt Nam đã và đang mất đi một lượng chất xám đáng kể.
Vậy đối với những người sẵn sàng quay về, họ thực sự có cơ hội tương xứng với những gì học được không? Xin thưa là có, nếu như họ không chỉ muốn chen chân vào nhà nước, để trở thành công chức, viên chức.
Trong gần chục năm qua, các tỉnh thành nở rộ phòng trào “chiêu hiền, đãi sĩ”. Không chỉ các tỉnh nghèo hoặc miền núi mới đưa ra các chính sách và các gói ưu đãi (thu nhập, nhà cửa, v.v…) nhằm khuyến khích những người có học vị cao (đa phần xét theo bằng cấp) về địa phương làm việc. Ngay các thành phố lớn như Hà Nội – nơi xưa này anh tài hội tụ một cách tự nguyện, cũng “cố gắng” thu hút nguồn nhân lực ưu tú cho Thủ đô. Cũng giống như nhiều phong trào khác, vốn rầm rộ khi triển khai nhưng lặng lẽ khi tổng kết, hầu như chưa có một báo cáo chính thức nào được công bố về tính hiệu quả và các tác động mà phong trào này mang lại cho mỗi địa phương.
Phong trào kia có thể đưa họ về địa phương, nhưng tại đây họ rất khó phát huy vì nhiều nguyên nhân như “cái sự nhàn”, rồi nền tảng hạ tầng chưa đáp ứng đủ, thiếu thốn thiết bị nghiên cứu, thiếu vốn và đề tài, v. v… Quan trọng nhất là không thể bố trí công việc phù hợp cho họ vì nhu cầu thực sự của địa phương về lĩnh vực đó là không cao.
Đối với những ai không thuộc diện được “chiêu, đãi” kia thì con đường chỉ để trở thành một “viên lại”, chứ chưa nói đến một ông quan thời nay, thật lắm chông gai.
Thay vì một bản CV (lý lịch cá nhân) và một tờ đơn dự tuyển tự viết (nhằm đánh giá sơ bộ cách viết, lối hành văn và trình bày vấn đề của ứng viên) như cách làm phổ biến hiện nay trên thế giới, ứng viên Việt phải chuẩn bị nhiều thứ mà họ cũng không biết nhà tuyển dụng cần để làm gì khi chưa xác định được người trúng tuyển. Hồ sơ xin việc đa phần là bản cứng, trong đó thứ gì cũng cần dấu đỏ, với bản sơ yếu lý lịch cần phải có xác nhận của phường, xã.
Mâu thuẫn lớn nhất nằm ở khâu thi tuyển với nội dung thiên về học thuộc và chú trọng quá nhiều vào tổ chức bộ máy, chính trị và hành chính nhà nước - một lĩnh vực được cho là bị lạc hậu đến mấy thập kỷ khi vẫn sử dụng mẫu lý lịch có yêu cầu các thông tin đòi hỏi thông tin lý lịch từ cả hơn nửa thế kỷ trước – khiến thế hệ 8x và 9x toát hết mồ hôi tìm hiểu!
Lý do “chúng ta cần chọn được người giỏi nhưng phải phù hợp với công việc” có thể được vận dụng rất “linh hoạt”, khiến cho rất nhiều người có chuyên môn tốt không có cơ hội được phục vụ hệ thống vì “không phù hợp” theo nhiều khía cạnh, chẳng hạn “cam kết” và “nhiệt huyết”, v.v…
Giữ nguyên cách “dụng nhân”, khó có bước ngoặt
Mặc dù đã có những cải thiện nhất định, nhưng chuyện công chức Việt Nam rất hạn chế tham gia hay điều hành các diễn đàn tại các hội nghị quốc tế lâu nay do yếu ngoại ngữ, kỹ năng dẫn dắt, trình bày và kể cả độ tự tin đang thường xuyên xảy ra. Điều này khiến đất nước bị thiệt thòi rất nhiều cả trên phương diện hình ảnh lẫn lợi ích và các cơ hội đi kèm.
Thực tế chứng minh người tài không nhất thiết phải là công chức mới có thể đóng góp và cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, chất lượng của đội ngũ công chức có liên quan đến việc ban hành và thực thi các chính sách, chương trình làm nền tảng cho sự vận hành và phát triển của cả hệ thống.
Chất lượng công chức tốt quyết định rất nhiều đến các cải cách thể chế cần thiết cho sự bứt phá của các lĩnh vực khác. Đất nước vẫn sẽ khó có những thay đổi bước ngoặt nếu nhà nước tiếp tục “dụng nhân” như hiện nay, để phần lớn nguồn nhân lực chất lượng cao tự loay hoay tìm cách cống hiến theo cách khác.
Thay vì để người tài tự tìm cách cống hiến, phải chăng những người có trách nhiệm cần cầu thị hơn, nhìn thẳng vào thực tế của hệ thống công chức. Từ đó, có những bước đi mạnh bạo, giúp hệ thống nhà nước có thể tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào có chất lượng.
Đến khi nào hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ (thay vì 30 người) được đào tạo cả trong nước lẫn ngoài nước đều không buồn khi thi công chức trượt vì thấy rằng những người được chọn xứng đáng hơn cả về trình độ lẫn sự phù hợp, thì Việt Nam đã sẵn sàng cho một cú nhảy then chốt.
Theo Nguyễn Văn Tuấn/Vietnamnet