"Tiến sĩ siêu lừa" dùng chiêu biến tấu hồ sơ, thấy sang bắt quàng làm họ

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - "Tiến sĩ siêu lừa" dùng bằng tiến sĩ, thạc sĩ giả giảng dạy ở nhiều trường đại học, cao đẳng biến tấu lý lịch khoa học của người khác thành hồ sơ của mình và nhận quen biết với nhiều người có uy tín.

Tự khai là người sáng lập, trưởng dự án  

Trong quá trình xác minh về nhân vật "tiến sĩ siêu lừa" Nguyễn Trường H. dùng bằng tiến sĩ, thạc sĩ giả ở nhiều trường đại học, cao đẳng, phóng viên đã tìm hiểu ra nhiều vấn đề bất hợp lý từ lý lịch khoa học của người này. 

Cụ thể, tại lý lịch khoa học được chứng thực bởi Ủy ban nhân dân một phường tại TPHCM ngày 26/10/2022, ông Nguyễn Trường H. (SN 13/8/1981) khai học vị cao nhất là tiến sĩ, chức vụ (hiện tại hoặc trước khi nghỉ hưu) là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. 

Ông Nguyễn Trường H. tự nhận tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM năm 2004. Chỉ một năm sau đó, ông khai làm trưởng dự án phần mềm tại F.S (tên được viết tắt) - một công ty phần mềm lớn và giữ vị trí này suốt quá trình 2005-2016. 

Tiến sĩ siêu lừa dùng chiêu biến tấu hồ sơ, thấy sang bắt quàng làm họ - 1

Phần quá trình công tác được ông Nguyễn Trường H. ghi trong lý lịch khoa học (Ảnh chụp màn hình).

Từ 2016 đến nay, ông tiếp tục nhận là "fouder" (người sáng lập) một công ty phần mềm về công nghệ. Song, khi tìm kiếm tên công ty này, không hiển thị công ty nào có tên trùng khớp với nội dung ông H. khai. 

Về quá trình giảng dạy, ông H. cho biết làm trưởng bộ môn phần mềm tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM từ 2012-2020; là giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Trường Đại học Sài Gòn cho tới nay. 

Quá trình nghiên cứu khoa học, người này cho hay có bốn đề tài thực hiện trong thời gian từ 2018 đến 2020 gồm: Một đề tài thuộc cấp cơ sở, một đề tài cấp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, hai đề tài cấp Đại học Quốc gia TPHCM với vai trò tác giả hoặc đồng tác giả. 

Đáng chú ý, lật lại nội dung bản lý lịch khoa học năm 2018, ông Nguyễn Trường H. khai các nội dung khác biệt như: Tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin năm 2004. Quá trình công tác chuyên môn, ông H. khai làm việc tại hai công ty phần mềm với công việc đảm nhiệm là quản lý dự án phần mềm, giám đốc kỹ thuật và CEO.  

Quá trình nghiên cứu khoa học, ông có một đề tài cấp trường năm 2012 và một bài báo khoa học đăng trên tạp chí "Nhà trường" năm 2014. 

"Thấy sang bắt quàng làm họ" 

Về công bố trên tạp chí quốc tế, ông Nguyễn Trường H. tự khai trong bản lý lịch khoa học, từ năm 2017-2020, ông công bố bốn bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế với vai trò đồng tác giả. 

Trong khi ở một bản khai khác, ông H. liệt kê làm thành viên, chủ nhiệm nhiều đề tài/dự án các cấp với kinh phí từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng; đồng thời đã đăng bốn bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và một bài báo đăng tạp chí trong nước. 

Đáng chú ý, trong các bài báo khoa học này, ông Nguyễn Trường H. nêu là đồng tác giả với nhiều nhà khoa học có tiếng trong lĩnh vực công nghệ thông tin như: Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin, nguyên Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước ngành công nghệ thông tin… 

Tiến sĩ siêu lừa dùng chiêu biến tấu hồ sơ, thấy sang bắt quàng làm họ - 2

Trong lý lịch khoa học, ông Nguyễn Trường H. đã "xào nấu", biến bài báo đăng tạp chí khoa học của người khác thành của mình (Ảnh chụp màn hình).

Về luận án tiến sĩ khoa học máy tính, ông H. khai tên luận án "Scalable Approaches for Content-based Video Retrieval", Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM cấp bằng năm 2022. 

Quá trình đối sánh và tìm hiểu thông tin cho thấy, tên luận án và những bài báo khoa học được ông Nguyễn Trường H. khai trùng lắp với các công trình nghiên cứu khoa học của vị Trưởng khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TPHCM. 

Cụ thể, tên luận án tiến sĩ được vị trưởng khoa bảo vệ năm 2013 tại Nhật Bản và đã được công khai. 

Tên bốn bài báo khoa học được ghi trong lý lịch khoa học của ông Nguyễn Trường H. cũng trùng lắp với tên của các bài báo mà Trưởng khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TPHCM tham gia với vai trò đồng tác giả, và đã công bố trên các kỷ yếu hội nghị, tạp chí.  

Tên tác phẩm trùng lắp, song tên tác giả đã được chỉnh sửa, có bài báo ông Nguyễn Trường H. không đề cập đến danh sách tác giả, một số bài đã lược bỏ các tác giả thay bằng Hai-Nguyen. 

Bà Nguyễn Hoàng Tú Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TPHCM - xác nhận nhà trường đã nắm được thông tin lý lịch khoa học của một người mang tên Nguyễn Trường H. có nội dung trùng lắp với các công trình khoa học của Trưởng khoa Khoa học máy tính trường này.  

Ngay sau khi nhận được phản ánh, nhà trường đã tiến hành rà soát lại các thông tin về ông Nguyễn Trường H. Kết quả, ông H. không phải là cán bộ, nhân viên và cũng chưa từng tham gia hoạt động giảng dạy tại Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TPHCM.

"Hồ sơ của ông H. có thể được lấy lại từ bản công bố lý lịch khoa học trên mạng và sửa lại thành của mình. Về dân sự, người bị hại có thể kiện và nhà trường không can thiệp vào việc này", bà Tú Anh trao đổi.  

Tiến sĩ siêu lừa dùng chiêu biến tấu hồ sơ, thấy sang bắt quàng làm họ - 3

Bằng thạc sĩ, tiến sĩ của ông Nguyễn Trường H. nộp cho nhiều trường đại học, cao đẳng được xác định là không đúng (Ảnh: Ngọc Diệp).

Trước đó, khi xin việc vào Trường Đại học Gia Định, ông Nguyễn Trường H. cũng chia sẻ với TS Lê Mạnh Hải - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Gia Định - rằng được hướng dẫn luận án tiến sĩ bởi một nhà khoa học nổi tiếng của ngành công nghệ thông tin và đang giữ chức vụ quan trọng.  

Sau đó, ông Lê Mạnh Hải đã kiểm tra lại và xác định không hề có chuyện nhà khoa học này hướng dẫn luận án cho người có tên Nguyễn Trường H. Với lý lịch khoa học không rõ ràng, Trường Đại học Gia Định từ chối nhận ông Nguyễn Trường H. vào làm việc. 

Phía Trường Đại học Công nghệ TPHCM xác nhận ông Nguyễn Trường H. từng có 6 năm dạy tại trường (từ năm 2016 đến 2022) với các vị trí giảng viên thỉnh giảng, giảng viên cơ hữu. 

"Năm 2016, ông H. nộp hồ sơ vào trường. Hồ sơ của ông H. khai trước đó từng làm việc tại doanh nghiệp ở các vị trí chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của trường, có kinh nghiệm thực tế và từng giảng dạy ở một số nơi, nên chúng tôi đã nhận ông H. làm giảng viên thỉnh giảng. Đến năm 2018, ông Hải trở thành giảng viên cơ hữu", TS Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM - thông tin.  

Phía Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Trường Đại học Sài Gòn cũng xác nhận ông Nguyễn Trường H. từng tham gia giảng dạy thỉnh giảng tại trường. 

Theo các đơn vị, do ông H. đang làm giảng viên cơ hữu tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM, các văn bằng có công chứng nên trường đã ký kết hợp đồng thỉnh giảng.  

Hồi tháng 10, ông Nguyễn Trường H. bị Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam phát hiện sử dụng bằng tiến sĩ giả ngành khoa học máy tính, ghi tên đơn vị cấp bằng là Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM. Tuy nhiên Trường Đại học Khoa học tự nhiên xác nhận tên và số hiệu văn bằng của ông H. không trùng với dữ liệu của trường. 

Quá trình tìm hiểu thông tin, phóng viên Dân trí đã "khui" ra việc vị "tiến sĩ siêu lừa" này đã sử dụng bằng cấp giả để giảng dạy tại hàng loạt trường đại học. 

Công an đang vào cuộc yêu cầu các trường đại học từng mời ông Nguyễn Trường H. làm giảng viên, phỏng vấn tuyển dụng cung cấp thông tin về vụ việc.  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm