Thưởng Tết giáo viên: Người mừng, người tủi

(Dân trí) - Nếu có những trường học chia các khoản cuối năm cho giáo viên có thể lên đến hàng chục triệu thì cũng không ít trường, ngay ở TPHCM, tiền Tết chỉ là một khoản mang tính động viên nhiều hơn.

Năm nay, tại TPHCM ghi nhận có những trường công lập có mức thưởng Tết cuối năm cho giáo viên lên đến hàng chục triệu đồng - con số từng được xem là "không tưởng" đối với ngành giáo dục. Vậy nhưng, chuyện thưởng Tết vẫn là nơi vui, nơi chạnh lòng.

Cô N.T.T., một giáo viên mầm non ở quận 10 bày tỏ, nghe thưởng tết của giáo viên một số trường ở thành phố, cô không khỏi bất ngờ và vui mừng cho đồng nghiệp, đã có những mức tiền tiền không đến nỗi "tủi hờn" so với nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, ở trường cô T. đang công tác, năm nào nhiều thì được 2 - 3 triệu, còn lại thấp hơn. Năm nay, giáo viên chỉ có tiền Tết được hơn một triệu đồng, thêm chăm lo từ công đoàn mỗi người sẽ được thêm vài trăm ngàn nữa.

Nhiều trường ở TPHCM tổ chức nhiều hoạt động hướng đến chăm lo Tết cho giáo viên và học trò khó khăn
Nhiều trường ở TPHCM tổ chức nhiều hoạt động hướng đến chăm lo Tết cho giáo viên và học trò khó khăn

Biết không thể so sánh, nhất là cô T. biết nhiều nơi, nhất là giáo viên ở các vùng sâu xa còn chẳng mấy khi biết đến tiền thưởng Tết nhưng cô vẫn khó tránh chút ngậm ngùi. Với khoản tiền Tết đó, cô T. chỉ ra chợ mua những thứ cơ bản như gạo, nếp, ít giò chả... là hết sạch.

Nhà giáo, lương không cao, hàng tháng dè sẻn mới đủ trang trải cuộc sống, nhất là ở thành phố rất nhiều chi phí. Cũng như nhiều người, cô cũng mong có thêm một khoản để vun vén thì ấm lòng vô cùng.

Rất nhiều trường ở quận 10 và nhiều quận huyện khác giáo viên đều có mức thưởng tượng trưng 1 - 2 triệu đồng mà giáo viên vẫn hay đùa chưa đủ tiền gói bánh chưng. Nhiều trường "khá khấm" hơn ở mức 4 - 6 triệu đồng. Đây thường rơi vào các trường có nguồn thu ít như số học sinh ít nên tiền từ ngân sách không cao, phải chi nhiều như trường đông giáo viên lâu năm, nhiều hoạt động.

Theo Nghị định 43 của Chính phủ, các trường công lập được tự chủ về tài chính. Theo đó, trong suốt một năm học, nhiều đơn vị trường học cố gắng gói ghém mong cuối năm có thể dư một khoản để chia cho giáo viên, được gọi là thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, tùy điều kiện của từng trường mà khoản thu nhập của giáo có khác nhau. . Chưa kể, thu nhập tăng thêm còn tùy thuộc rất lớn vào khả năng vun vén, chi tiêu khoa học của hiệu trưởng. Cũng có những trường đầu vào cao nhưng ban giám hiệu thiếu khả năng quản lý tài chính thì vẫn... hụt nặng.

Tích cực chăm lo Tết cho nhà giáo

Đồng lương thấp, tiền cuối năm lại phập phồng, nhiều nơi giáo viên nhận tiền tết thấp nên rất nhiều đơn vị tích cực với các hoạt động chăm lo tết cho thầy cô giáo.

Năm nào cũng vậy, thành hoạt động truyền thống, dịp này Trường TH Lương Định Của, Q.3 lại thực hiện kế hoạch chăm lo cho đội ngũ giáo viên về hưu, giáo viên dạy hợp đồng. Năm nay, có gần 150 giáo viên về hưu, dạy hợp đồng, nhân viên, trị giá khoảng 500 ngàn đồng/suất. Ngoài ra, nhà trường còn cố gắng tăng tiền thưởng Tết cho các trường hợp hợp đồng, ít nhất 5 triệu đồng/người. Đối với nhân viên cấp dưỡng, vệ sinh có hoàn cảnh khó khăn, nếu về Tết, nhà trường sẽ hỗ trợ thêm tiền tàu xe đi lại.

Đại diện Trường THCS Tăng Bạt Hổ, Q.4, THCM đến thăm hỏi, chúc Tết giáo viên đang điều trị bệnh.
Đại diện Trường THCS Tăng Bạt Hổ, Q.4, THCM đến thăm hỏi, chúc Tết giáo viên đang điều trị bệnh.

Như ở Bình Thạnh, xuân về là Phòng GD-ĐT quận lại tất tả với rất nhiều kế hoạch chăm lo tết cho đội ngũ. Năm nay, dự kiến khoảng 70 người lao động trong ngành ở quận nhận được quà tặng tết. Ngoài ra, phòng cũng xét duyệt mỗi trường học một trường hợp, ưu tiên trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nan y hoặc tai nạn lao động để chia sẻ phần nào cho thầy cô.

Tại quận Tân Bình, cũng tích cực vận động được một khoản tiền cho kế hoạch chăm lo tết cho 100 giáo viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, danh sách các đơn vị gửi lên đã hơn 140 trường hợp, chưa kể có 29 trường hợp giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo rất cần được hỗ trợ..

Ông Trần Văn Quang, Phó phòng GD-ĐT quận cho biết, dù vượt định mức nhưng xét thấy việc cần thiết chăm lo Tết cho giáo viên có điều kiện khó khăn nên phòng cố gắng vận động mọi nguồn lực để không phải bớt ra trường hợp nào. Ngoài ra, ngành cũng phối hợp với các cơ quan đoàn thể tổ chức thêm một số hoạt động gây quỹ chăm lo tết như phát động hội thi làm bánh chưng, làm món ăn tặng các gia đình chính sách

Công đoàn ngành giáo dục TPHCM cũng có kế hoạch chăm lo tết cho giáo viên, người lao động cách đây cả tháng. Mức hỗ trợ thấp nhất đối với một số trường hợp người lao động có hoàn cảnh đặc biệt như vợ/chồng bị tai nạn lao động, bệnh nan y hiểm nghèo, đang làm nhiệm vụ ở hải đảo không được về quê ăn tết… là 500.000 đồng/người.

Ngoài ra, có nhiều hoạt động như tổ chức thăm, tặng quà cho nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục thực hiện chương trình “Tấm vé nghĩa tình” hỗ trợ vé xe cho nhà giáo, người lao động ngoài thành phố có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm liền chưa có điều kiện về quê; tổ chức chương trình “Tết sum vầy” năm 2018 họp mặt với đội ngũ không về quê dịp Tết.

Đặc biệt, Công đoàn giáo dục TPHCM sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho nhà giáo, người lao động. Trong đó, quan tâm đến chế độ tiền lương, tiền thưởng thi đua, tiền tiết kiệm tăng thu nhập (đơn vị công lập); tiền lương, tiền thưởng thi đua, thưởng Tết (đơn vị ngoài công lập). Công đoàn yêu cầu các đơn vị gặp khó khăn không có khả năng trả lương, trả thưởng tại thời điểm Tết, báo cáo kịp thời để cùng với các cấp có giải pháp hỗ trợ.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm