Thưởng Tết giáo viên không hỏi cũng biết

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết đến, khi nhiều ngành, nhiều đơn vị thông báo chuyện thưởng Tết thì đối với những thầy cô giáo, đề tài thưởng Tết chẳng có gì mới mẻ và không hỏi cũng biết câu trả lời…

Ra trường và công tác trong ngành Giáo dục từ năm 1985, cô Cầm Thị Quảng, giáo viên tại khu lẻ Liên Sơn, thuộc Trường tiểu học Xuân Lẹ, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) chia sẻ: “Các cô thường xem trên ti-vi các cơ quan đoàn thể khác được thưởng thế cũng thấy thèm chứ”.

Câu trả lời của cô Quảng có lẽ cũng là câu trả lời của nhiều giáo viên khác. Thưởng Tết, bất cứ người lao động nào lại không mong muốn. Nhưng với những người giáo viên, nhất là giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa thì chuyện thưởng Tết lại càng trở nên "xa xỉ" hơn.

Cô Cầm Thị Quảng nét mặt trầm ngâm khi nói về chuyện thưởng Tết.
Cô Cầm Thị Quảng nét mặt trầm ngâm khi nói về chuyện thưởng Tết.

Cô Quảng chia sẻ, thường thì cuối năm, công đoàn nhà trường cũng trích ra một phần kinh phí nhỏ từ việc tiết kiệm chi tiêu của đơn vị, năm thì hộp quà, năm thì tờ lịch hay sang hơn một chút là mỗi giáo viên được thưởng dăm chục, một trăm nghìn đồng tiền quà Tết…

So với những gì mà các thầy, cô chứng kiến ở nhiều ngành, đơn vị điều đó chẳng thấm vào đâu, nhưng với các thầy cô giáo thì đó là một niềm an ủi vào dịp cuối năm khi Tết đến, xuân về.

Khi đươc hỏi về chuyện thưởng Tết đối với giáo viên, cô giáo Cầm Thị Luyện, Trưởng khu Liên Sơn chia sẻ: “Nói về ngày Tết, ngày lễ ai cũng mong có một ngày Tết vui. Còn thưởng Tết thì đơn vị có trích ra được đồng nào thì cho anh em hộp quà là mừng lắm rồi”.

Điểm trường lẻ Khu Liên Sơn (xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) còn nhiều khó khăn.
Điểm trường lẻ Khu Liên Sơn (xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) còn nhiều khó khăn.

Như quên đi câu chuyện thưởng tết, cô Luyện hướng câu chuyện sang khó khăn mà các thầy cô cũng như học sinh nơi đây đang trải qua. Điểm trường lẻ tại thôn Liên Sơn (xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân) là một trong 5 khu lẻ của Trường tiểu học xã Xuân Lẹ. Khu lẻ này chỉ có 47 học sinh và 4 thầy cô giáo phụ trách. Vào mùa khô, người dân bản đã cất được cây cầu tạm bợ từ những khúc tre, khúc nứa nên học sinh và thầy cô giáo không còn phải lội suối đến trường, nhưng cứ đến mùa mưa lũ thì cầu cũng trôi theo dòng nước.

Với các thầy cô giáo, câu chuyện thưởng tết là một đề tài ít sức hấp dẫn và không có gì để sẻ chia. Thậm chí, nhiều giáo viên khi nghe hỏi chuyện thưởng Tết còn cho rằng đó chỉ là câu chuyện vui. Bởi từ sâu trong tâm thức của họ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được thưởng Tết. Có chăng với hầu hết các trường, thường cuối năm dành nguồn kinh phí tiết kiệm trong chi tiêu trong năm để tặng mỗi giáo viên từ 50 nghìn đến vài trăm nghìn đồng.

Đem chuyện thưởng Tết chia sẻ cùng thầy Trịnh Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường phổ thông Cao Sơn (xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa), thầy Dũng vừa cười vừa nói: “Chuyện thưởng Tết giáo viên không hỏi cũng biết rồi mà. Nói thưởng Tết là không đúng mà chỉ có một số kinh phí nhỏ trích ra từ việc tiết kiệm chi tiêu của nhà trường để động viên anh em thôi”.

Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thiết Ống I (huyện Bá Thước, Thanh Hóa).
Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thiết Ống I (huyện Bá Thước, Thanh Hóa).

Có lẽ khá hơn một chút khi các giáo viên Trường tiểu học Thiết Ống I (xã Thiết Ống, huyện Bá Thước) được nhà trường tặng quà cuối năm với số tiền 300.000đ và Công đoàn cũng trích một khoản tiền 150.000đ để dành tặng các giáo viên gọi là quà Tết.

Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thiết Ống I chia sẻ: “Năm nào nhà trường cũng dành tặng các giáo viên một suất quà khoảng 500.000đ, kể cả ngày 20/11 cũng vậy. Nhà trường cố gắng tiết kiệm chỗ này, tiết kiệm chỗ kia để quan tâm anh chị em”.

Duy Tuyên

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!