Thực hiện Thông tư 30, giáo viên phải... tập viết chữ đẹp
(Dân trí) - Giáo viên đánh giá học sinh bằng những lời nhận xét thì phụ huynh cũng “chấm điểm” giáo viên thông qua những dòng chữ này. Bởi vậy, ngoài việc trau đồi thêm khả năng ngôn ngữ, các giáo viên cũng phải miệt mài… tập viết chữ đẹp.
Cô Phạm Thị Trường Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) cho biết: “Ban đầu, nhiều GV trong trường không đồng thuận với những thay đổi trong việc đánh giá học sinh, thay vì cho điểm, GV lại phải nhận xét bằng lời. Có một số GV có ý định khắc dấu những lời nhận xét để “đóng” cho nhanh nhưng nhà trường đã ngăn chặn ngay từ đầu. Việc nhận xét, đánh giá học sinh theo Thông tư 30 thể hiện tình thương và trách nhiệm của GV đối với học sinh”.
Việc đánh giá kết quả học tập của trò bằng lời nhận xét ban đầu cũng khiến học trò phân vân, thắc mắc. Trước đây, nhìn vào điểm số và bài sửa của GV, các em có thể tự đánh giá mình làm tốt hay chưa tốt. “Sau khi nhận vở cô giáo trả bài, nhiều học sinh cầm vở chạy lên hỏi “Cô ơi, nhận xét thế này thì bài của con được mấy điểm”. Thành ra GV phải “chấm” 2 lần” - cô Nguyễn Thị Lan (lớp 5C) tâm sự. Học trò hỏi điểm nhiều quá nên cô trò đành “quy ước” với nhau nhận xét như thế nào thì tương đương với bao nhiêu điểm.
Nếu như đối với học sinh lớp 2 đến lớp 5 đã biết đọc, hiểu lời nhận xét của cô trong mỗi bài làm thì GV dạy lớp 1 vất vả hơn nhiều. Ngoài việc nhận xét vào vở của trò, GV còn phải trực tiếp nhận xét bằng miệng với từng em để các em biết chỗ nào mình làm đúng, chỗ nào sai, chỗ nào cần sửa bởi trò đâu đã biết đọc. Bởi vậy, theo cô Thái Thị Tuyết Nhung (lớp 1G), nếu phụ huynh không quan tâm sâu sát tới con mà chỉ hỏi điểm như trước đây thì rất khó để giúp con mình tiến bộ.
Việc đánh giá, nhận xét kết quả học tập của học sinh theo Thông tư 30 cũng khiến các cô phải rèn luyện từ ngữ trong cách nhận xét, đặc biệt là tránh không để trùng lặp những lời nhận xét. Bởi vậy, nhiều GV đang lo “cạn vốn lời nhận xét”.
“Trước đây, GV cứ cho điểm. Bài làm học sinh chấm theo thang điểm có ba-rem sẵn. Giờ cái khó là nhận xét như thế nào cho khỏi trùng lặp. Nói thật, nhận xét học sinh học chưa tốt dễ hơn học sinh giỏi. Bài nào em cũng làm tốt thì mình cũng chỉ quanh đi quẩn lại “Em làm tốt, cô có lời khen” hay “Em làm rất tốt”, một GV tâm sự.
Bên cạnh đó, GV nhận xét trong vở của học trò thì cuốn vở cũng là nơi để phụ huynh “chấm điểm” GV. Bởi vậy, GV phải cân nhắc từng câu, nắn nót từng chữ. Việc rèn luyện chữ viết cho các GV cũng được lãnh đạo Trường Tiểu học Lê Mao quan tâm đặc biệt. Cùng với việc thường xuyên kiểm tra vở của học trò, kiểm tra việc theo dõi đánh giá học sinh của từng GV, lãnh đạo trường còn tổ chức các cuộc hội thảo, các cuộc thi dành cho GV.
Em Hồ Thùy Trang, học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Lê Mao: “Em thích được cô giáo nhận xét hơn là cho điểm. Vì cô nhận xét cặn kẽ, cụ thể hơn so với cho điểm”. |
“Thực ra mà nói thì do đặc thù nghề nghiệp nên hầu hết chữ viết của GV tiểu học đều đẹp, trình bày rõ ràng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đánh giá cũng là một cách giúp GV trau đồi thêm về chữ viết, về ngôn ngữ để làm đa dạng, linh hoạt hơn khi nhận xét bài làm của học sinh, tránh nhận xét trùng lặp gây nhàm chán hay nhận xét một cách chung chung. Mỗi lời nhận xét của giáo viên không những phải chuẩn xác mà còn phải có tình, phải khích lệ được học trò và phải giúp các em sửa chữa được cái sai về kiến thức, về cách trình bày” - cô Phạm Thị Trường Giang cho biết thêm.
Việc thực hiện Thông tư 30 chưa đủ dài để có thể rút ra kết quả về sự tác động của nó đối với chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh. Tuy nhiên, nó đã và đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi cách thức đánh giá, giáo dục vốn đã đi vào lối mòn và lạc hậu so với nền giáo dục thế giới.
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |