Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải cùng tư duy để có một đại học “ra hồn”

(Dân trí) - "Các bộ ngành phải tư duy cùng trong việc đổi mới để có một đại học “ra hồn” và đó cũng là nguồn gốc tạo ra hiền tài phát triển đất nước”.

Đó là chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc của đoàn công tác của Chính Phủ với ĐH Quốc gia TPHCM nhằm tháo gỡ các vướng mắc của ĐH này trong việc xây dựng khu đô thị đại học TPHCM vào ngày 20/11.

Hơn 20 năm, ĐH Quốc gia TPHCM chưa giải tỏa xong mặt bằng

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, ông Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) báo cáo rằng: ĐHQG TPHCM gồm 6 trường ĐH thành viên, đã hình thành một số mô hình đào tạo mới trong đó có mô hình ĐH quốc tế tự chủ tài chính, phòng thí nghiệm trọng điểm, hơn 5.500 người cán bộ giảng viên trong đó hơn 3.600 giảng viên, hơn 600 ngàn sinh viên ĐH và sau ĐH. Tầm nhìn hướng đến xây dựng một hệ thống ĐH trong tốp đầu châu Á, xác định mục tiêu chiến lược giai đoạn năm 2016-2020 phát triển hoàn thiện tổ hợp ĐH phát triển gắn với trách nhiệm giải trình thực sự.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan ĐH Quốc gia TPHCM ngày 20/11.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan ĐH Quốc gia TPHCM ngày 20/11.

Sau 21 năm thành lập, khu đô thị ĐHQG hiện nay đã xây dựng được 40% khối lượng, còn 60% nữa rất mong chờ vào sự chỉ đạo hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ ngành để thúc đẩy xây dựng khô đô thị này hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với thông lê quốc tế.

Tuy nhiên, ông Đạt cho biết ĐHQG còn gặp các vấn đề khó khăn như chưa hoàn thành khu tái định cư nên chưa hoàn thành giải tỏa mặt bằng; chính sách giá đền bù thay đổi theo thời gian nên người dân rất chờ đợi chính sách đền bù nên kéo dài giải tỏa, nên thực tế còn rất nhiều ngôi nhà buôn bán trong khu đô thị này; giá đất tăng nên dẫn đến nhiều khiếu kiện về đền bù. Nếu như với hiện trạng năm nay, nếu trễ mỗi năm thì nhà nước phải tốn thêm khoảng trăm tỉ do trượt giá và thị trường nhà đất thay đổi.

Vì vậy, ĐHQG TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hai vấn đề lớn: đó là bố trí kịp thời nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo kế hoạch trung hạn. Chỉ đạo TPHCM và tỉnh Bình Dương tiếp tục hỗ trợ cho vay vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với mức cho vay cao hơn trước đây. Cho phép ĐHQG TPHCM được vay vốn ngân hàng để chi trả cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kịp theo nhu cầu của người dân, đồng thời cho phép ĐHQG được đưa phần chi phí lãi vay vào trong tổng mức đầu tư của dự án.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với ĐHQG TPHCM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với ĐHQG TPHCM

Đồng thời, ĐHQG kiến nghị cho thực hiện một số cơ chế tài chính đặc thù, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt nói: “ĐHQG TPHCM xin được ưu tiên vay vốn từ các nguồn vốn kích cầu của 2 địa phương. Hình thức này ĐHQG TPHCM cũng đã thực hiện. Sắp tới, ĐHQG TPHCM với phương thức như thế này, có thể cho mức vay nhiều hơn. Nếu thực được, đây cũng là một dạng tự chủ, xã hội hóa. ĐHQG sẽ có phương án để trả vốn, còn TP hỗ trợ lãi vay”.

Ông Trần Thanh Liêm-Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, 2 năm nay tỉnh đã tập trung cho giải phóng mặt bằng của ĐHQG TPHCM. Đến nay đã bồi thường 77% diện tích, bố trí tái định cư – dự án ĐH này trước đây không có tái định cư, sau này bổ sung. Hiện nay kinh phí để hoàn thiện khu tái định cư không đáp ứng nên chưa bố trí được, nhiều hộ dân đã nhận tiền đền bù thuê nhà trọ nhiều năm, việc này kéo dài rất khó khăn, dân có nhu cầu giao nhà tái định cư nhưng chưa được nên dẫn đến khiếu kiện. Tỉnh sẽ tập trung cố gắng tích cực nhất để tiếp tục vận động, tiến hành bòi thường giải phóng mặt bằng giao cho ĐHQG.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng TPHCM đã có làm, từ nay 2018 sẽ có 600 tỉ đồng, năm 2017 dự kiến 400 tỉ. Thành phố sẽ làm việc với ĐHQG để có thống nhất chung. TPHCM có chương trình vay vốn kích cầu đầu tư, ĐHQG nên có các đề án cụ thể để thành phố xem xét.

Phải tư duy để có một đại học “ra hồn”

Tại buổi làm việc, hầu hết lãnh đạo các Bộ đều cơ bản ủng hộ và thống nhất hai kiến nghị lớn của ĐHQG TPHCM, nhất là việc cho ĐHQG TPHCM thực hiện một số cơ chế tài chính đặc thù như: ưu tiên được vay vốn kích cầu của TPHCM và Bình Dương, các nguồn vốn xã hội hoá; đặc biệt là được phép chỉ định nhà đầu tư theo hình thức BT (là hình thức xây dựng – chuyển giao). Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị ĐHQG TPHCM có có lộ trình, kế hoạch cụ thể cho từng dự án.

Thủ tướng tặng 100 quyển sách Kính chào thế hệ thứ tư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho ĐHQG TPHCM
Thủ tướng tặng 100 quyển sách "Kính chào thế hệ thứ tư" của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho ĐHQG TPHCM

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng, Quốc hội, đã đến lúc VN cần có thương hiệu Đại học quốc gia thật sự. Muốn được như vậy thì một trường đại học phải có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội, xây dựng cơ sở vật chất xứng tầm thương hiệu. Cụ thể, cơ chế tự chủ - tự chủ toàn diện chính là cái “lõi” đi lên chứ không chỉ là tự chủ về mặt tài chính.

Về kiến nghị của ĐHQG TPHCM, PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng: “Hiện nay việc đền bù giải toả là chuyện lớn của ĐHQG TPHCM. Trong hơn 600 ha thì có 10% chưa giải toả được. Trong hơn 500 ha của Bình Dương, 90% đã giải toả xong. Trong khi TPHCM hơn 120 ha nhưng hầu như còn 90% chưa giải toả được. Trong 10% là 60 ha đó, theo báo ĐHQG cần 2.000 tỷ. Tôi nghĩ nếu nghĩ giáo dục là quốc sách, ta sẽ tìm ra được lời giải cho 2.000 tỷ này. Tôi đề nghị với Thủ tướng, 2000 tỷ này ta chia 400 tỷ/năm, bằng nhiều hình thức: mượn, tạm ứng, trái phiếu”.

Trước những kiến nghị của ĐHQG TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hai địa phương trên cần có chính sách hỗ trợ, sát cánh để ĐHQG TPHCM phát triển. Nếu địa phương muốn nâng cao chất lượng thì phải quan tâm đến chất lượng trường đại học, nhất là trường đại học có tầm cỡ như ĐHQG TPHCM. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ GD-ĐT cần tháo gỡ nhanh các vướng mắc để ĐHQG phát triển, nhất là rà soát tháo gỡ các vướng mắc, thúc đầy quyền tự chủ.

Thủ tướng ủng hộ hướng phát triển của ĐHQG TPHCM: “Tôi cho rằng tầm nhìn mà ĐHQG TPHCM xác định rất đúng đó là hướng đến xây dựng một hệ thống ĐH trong tốp đầu ĐH châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, văn hoá và tri thức Việt Nam. "Văn hoá, tri thức Việt Nam”, chỉ mấy chữ ngắn gọn nhưng đào tạo được con người như thế không phải là việc đơn giản trong giáo dục ĐH, trong nền kinh tế thị trường có nhiều thay đổi của thế giới này. Trên tinh thần đó, đề nghị ĐHQG tiếp tục phát huy những việc đã làm tốt như khu công nghệ phần mềm, hệ sinh thái khởi nghiệp, môi trường dành cho nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Không chỉ tọa đàm chia sẻ, mà còn khuyến khích khởi nghiệp, giải pháp cụ thể cho ý tưởng của các dự án khởi nghiệp”.


Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm trong khuôn viên của ĐHQG TPHCM

Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm trong khuôn viên của ĐHQG TPHCM

Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Thủ tướng cho rằng phải thực hiện sớm, dứt khoát và quyết liệt, giao năm nhiệm vụ cụ thể cho ĐHQG TPHCM: “Đầu tiên, tôi đề nghị với ĐHQG đó là chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học phải tiếp tục được nâng lên. Nhiệm vụ thứ hai là đẩy nhanh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trước hết là phải giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, cần phải có phương án đền bù giải phóng mặt bằng hết sức cụ thể, phải cử cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, tài ba kết hợp cả pháp luật, dân vận trong vấn đề này. Thứ tư là xã hội hoá mạnh mẽ nguồn lực. Thứ năm là tự chủ đại học một cách đúng nghĩa, đầy đủ trong quá trình triển khai”.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, các địa phương đặc biệt là TPHCM và Bình Dương luôn sát cánh ủng hộ ĐHQG TPHCM tiếp tục hoàn thiện, có chính sách phù hợp theo từng giai đoạn để ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo, các cơ sở giáo dục trọng điểm ở TPHCM và Hà Nội. Chúng ta không có một ĐH “ra hồn” thì đất nước VN một trăm triệu dân này cũng không ra sao cả. Nên phải tập trung ở đây thành một thành phố ĐH và Hà Nội cũng vậy. Các bộ ngành phải tư duy cùng trong việc đổi mới để có một ĐH “ra hồn” và đó cũng là nguồn gốc tạo ra hiền tài phát triển đất nước”. Chính vì vậy, Thủ tướng giao các bộ ngành mà trước hết là Bộ GD-ĐT phải quan tâm đến sự phát triển của ĐHQG TPHCM, lắng nghe ý kiến và kịp thời xử lý các kiến nghị, tháo gỡ nhanh các vướng mắc của ĐH này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đồng ý việc thu hút người nước ngoài về nước làm việc và nghiên cứu của ĐHQG TPHCM. Thủ tướng cũng giao TPHCM và Bình Dương cần tạo điều kiện, có cơ chế đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho địa phương.

Thủ tướng cũng đặt ra cơ chế riêng cho TP, đó là nếu như có đề tài báo cáo khoa học được tổ chức ISI đánh giá tốt, Chính phủ sẽ tài trợ 500 USD/1 bài. Đồng thời tài trợ cho ít nhất 20 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên có sản phẩm hay, dịch vụ cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, Thủ tướng “hứa” sẽ tìm nguồn để hỗ trợ một trung tâm văn hoá cho ĐHQG TPHCM giống như cách làm của ĐHQG Hà Nội, tương đương trên 20 tỷ đồng. Mục đích hỗ trợ sinh hoạt văn hoá cho ĐHQG TPHCM.

Lê Phương