Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Cần kết nối các chủ thể giáo dục toàn xã hội

(Dân trí) - Ngày 31/10, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố trang mạng giáo dục “Trường học kết nối”. Vậy mục đích của trang mạng này nhằm mục đích gì, kì vọng của Bộ GD-ĐT ra sao?... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có những chia sẻ với phóng viên <i>Dân trí</i>

Thưa Thứ trưởng, sự ra đời của mạng Trường học kết nối có phải là lộ trình để thực hiện Nghị quyết 29?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đúng vậy. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, giáo dục phổ thông trong phạm vi cả nước đang thực hiện đổi mới đồng bộ các yếu tố: mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Khâu then chốt nhất là đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và phát triển năng lực của đội ngũ nhà giáo về đổi mới phương pháp dạy học. Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong việc tổ chức và quản lí hoạt động chuyên môn qua mạng: tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong các nhà trường; hỗ trợ hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh là giải pháp quan trọng để bảo đảm thành công của quá trình đổi mới. Trang mạng giáo dục “Trường học kết nối” ra đời xuất phát từ yêu cầu đó.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Mục đích của việc hình thành mạng giáo dục này để làm gì? Kì vọng của Bộ GD-ĐT đối với “Trường học kết nối”?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GD-ĐT tổ chức “Trường học kết nối” nhằm mục đích tổ chức và quản lí các hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; hỗ trợ và theo dõi hoạt động sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên về đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá; Tổ chức và quản lí hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh qua mạng theo hình thức “hoạt động trải nghiệm sáng tạo”

Tạo môi trường chia sẻ, thảo luận, hỗ trợ lẫn nhau giữa các trường phổ thông trên phạm vi toàn quốc; gắn kết giữa các trường sư phạm với các trường phổ thông trong công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

Như vậy, ta hình dung đây là một trường học cả nước chứ không phải là của một vùng địa phương nào, của tất cả các cấp học chứ không riêng một cấp nào và là trường học của Việt Nam kết nối với cả thế giới qua Internet, có rất nhiều thầy, cô giáo giỏi, có rất nhiều kinh nghiệm hay, có rất nhiều học liệu tốt, có rất nhiều học sinh giỏi, mọi người lựa chọn nội dung để học tập lẫn nhau. Điều này thể hiện theo đúng tinh thần “học thầy không tày học bạn”, “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà lại rất ít tốn kém.

Với trang mạng giáo dục này, Bộ GD-ĐT hy vọng sẽ kết nối được các chủ thể giáo dục toàn xã hội, cũng như kết nối được các nguồn tài nguyên phục vụ cho giáo dục, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 29.

Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về ý nghĩa này và cho biết Bộ GD-ĐT sẽ giám sát việc kết nối giữa các trường ra sao? Vai trò của giáo viên, học sinh ở Trường học kết nối?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Sử dụng “Trường học kết nối”, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện việc phân cấp tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn qua mạng đến các Sở GD-ĐT - Phòng GD-ĐT - Cơ sở giáo dục để triển khai các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; tổ chức các cuộc thi; hỗ trợ sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn ở trường trung học; tổ chức diễn đàn trên mạng về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; hỗ trợ thí điểm mô hình trường học mới VNEN; hỗ trợ dạy học tích cực thông qua một số học liệu điện tử (theo các loại nêu trên). Với phương thức tổ chức như vậy, hệ thống mạng không chỉ được dùng để tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, mà còn có thể được sử dụng trong quá trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm hay tổ chức các hoạt động dạy học “trải nghiệm sáng tạo” ở trường phổ thông.

Giáo viên là người trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong các khóa học/bài học/chuyên đề. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, giáo viên có thể tham khảo các tài liệu điện tử trên mạng hoặc/và các tài liệu truyền thống; trao đổi tài liệu và thảo luận với các thành viên trong tổ/nhóm chuyên môn (trực tiếp và qua mạng); trao đổi với giảng viên/ban tổ chức về những vấn đề có liên quan. Giáo viên có thể cấp tài khoản cho học sinh; xây dựng các khóa học/bài học trên mạng; tổ chức, quản lí và hỗ trợ học sinh thực hiện các hoạt động học tập qua mạng theo hình thức “hoạt động trải nghiệm sáng tạo”.

Trong trang mạng giáo dục này, mỗi học sinh được cấp 1 tài khoản để tham gia các hoạt động học tập do giáo viênxây dựng, tổ chức và quản lí trên mạng. Học sinh có quyền lựa chọn các bài học cũng như lựa chọn giáo viên trong phạm vi toàn quốc để học trên mạng; được đăng kí học cá nhân hoặc theo nhóm; được trao đổi, thảo luận với nhau và trao đổi với giáo viên để thực hiện các nhiệm vụ học tập; nộp kết quả học tập qua mạng để được giáo viên nhận xét, đánh giá. Bộ GD-ĐT đã triển khai thí điểm mô hình này đối với 100 trường THCS tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thông qua “hoạt động trải nghiệm sáng tạo”, tập trung vào giáo dục kĩ năng sống cho học sinh lớp 8 và lớp 9.

Từ đầu tháng 10/2014, Bộ GD-ĐT đã bàn giao tài khoản quản trị cấp Sở và tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, chuyên viên phụ trách mạng của 63 sở GD-ĐT trên phạm vi cả nước về tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn qua trang mạng giáo dục này.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Hùng (thực hiện)
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm