Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: "Nhà giáo quyết định sự thành, bại của giáo dục nghề nghiệp"
(Dân trí) - Ngày 18/11, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức buổi gặp mặt 20 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Buổi gặp mặt nhằm động viên, khích lệ tinh thần đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong việc đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp nhân lực có kỹ năng nghề cho đất nước. Đây cũng là dịp tôn vinh những giá trị cao đẹp của nghề dạy học, tạo sức lan tỏa trong toàn ngành và xã hội.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, đây là một sự kiện ý nghĩa vì có sự góp mặt của các thầy cô giáo đến từ các vùng, miền của đất nước về Thủ đô, mang trong mình nhiệt huyết và tình yêu nghề nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, GDNN đã có những bước thăng trầm nhất định. Tuy nhiên, điều đáng mừng là nhận thức chung của toàn xã hội về dạy và học nghề ngày càng tích cực hơn. Các thể chế, chính sách dù chưa đồng bộ, toàn diện nhưng cũng đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong việc phát triển GDNN.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, các cơ sở GDNN đã phải huy động mọi nguồn lực được cho phép để xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn. Chúng ta đang cố gắng để có các thiết bị dạy học theo kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới.
Vị Thứ trưởng nêu ra một trăn trở, đó là khi chúng ta đưa được các thiết bị dạy học hiện đại ở nước ngoài về đến Việt Nam thì trên thế giới họ đã thay đổi tiên tiến hơn.
Công tác quản lý nhà nước tuy còn nhiều bất cập nhưng phải thừa nhận rằng các cơ quan quản lý đã có những nỗ lực lớn. Chúng ta có sự thống nhất chung từ hệ thống giáo dục công lập, tư thục đến hệ thống có vốn đầu tư nước ngoài.
"Một yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành hay bại của GDNN là đội ngũ nhà giáo. Chúng ta đã có trường, lớp, thiết bị và sinh viên nhưng đội ngũ nhà giáo không đáp ứng đủ thì sẽ rất khó khăn.
Thầy cô không chỉ là những người dạy học. Tôi cho rằng, thầy cô còn là những nhà quản lý đóng góp cho GDNN rất nhiều trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách. Nhà giáo là những nhà quản trị, có vai trò quan trọng trong lộ trình tự chủ của các cơ sở GDNN. Nhà giáo cũng là nhà hướng nghiệp, định hướng cho các em học và làm nghề gì.
Khi sinh viên ra trường, thầy cô lại hướng dẫn các em nên làm ở các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước hay làm chủ.
Thầy cô còn là nhà tiếp thị, nhà ngoại giao đi khắp thế giới để tuyên truyền cho GDNN của chúng ta, đồng thời, học và vận dụng những điều hay của nước bạn. Nhà giáo am hiểu thị trường cung - cầu lao động nhất. Thầy cô là cầu nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tấm gương sáng về phong cách, đạo đức và lối sống. Thầy cô cũng có thể là những người cha, mẹ nuôi cưu mang, giúp đỡ các em", ông Lê Tấn Dũng nói.
Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định, bằng tất cả nỗ lực của toàn hệ thống GDNN, các cơ sở đào tạo, thầy cô giáo và các cán bộ quản lý trong hệ thống, chúng ta đã gặt hái được rất nhiều thành công.
Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách khiêm tốn thì chúng ta đang trong giai đoạn bắt đầu đổi mới. Phần lớn những ý tưởng, sáng kiến mà chúng ta đặt ra gần đây nhất trong Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng hay trong Chiến lược phát triển GDNN đến năm 2030 định hướng đến năm 2045 đang ở thì tương lai. Nhưng một thực tế đáng mừng là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các địa phương đều rất quan tâm đến GDNN.
"Đội ngũ nhà giáo trong hệ thống GDNN của chúng ta đang gặp muôn vàn khó khăn. Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang trực tiếp chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn đó.
Mức thu nhập là một vấn đề, nhưng để khơi dậy đam mê, nhiệt huyết, tình yêu nghề của các thầy cô thì việc động viên, tôn vinh, khen thưởng đội ngũ nhà giáo cũng cần được quan tâm hơn nữa. Điều kiện giảng dạy của nhà trường cần phải đáp ứng để thầy cô nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, còn nhiều cơ sở chưa có đủ điều kiện, có những nơi còn khó khăn hơn cả. Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn đó", ông Trương Anh Dũng nói.
Thầy Nguyễn Thanh Thảo - Giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, trong quá trình giảng dạy, trăn trở của thầy là phải tìm ra những công nghệ, phương pháp giảng dạy mới, soạn bộ tài liệu, kiến thức và kỹ năng sao cho đối tượng học sinh, sinh viên nào cũng dễ dàng tiếp nhận kiến thức.
"Qua buổi gặp mặt này, tôi xin phép có một số kiến nghị. Một là, trong thời gian tới, chúng tôi mong nhận được quan tâm đầu tư hơn nữa cho các thiết bị dạy học. Mục đích là để các em được thực hành, sau khi ra trường có thể tiếp cận nhanh với máy móc trong doanh nghiệp.
Hai là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo cũng cần được quan tâm hơn nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, kỹ năng nghề của giảng viên. Theo tôi, một người thầy giỏi mới đào tạo ra học viên giỏi.
Ba là, hiện nay, đời sống của đội ngũ nhà giáo nói chung, nhà giáo GDNN nói riêng còn nhiều khó khăn. Tôi mong rằng, Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành sớm có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho nhà giáo GDNN trong vấn đề trên. Việc này giúp giữ chân và thu hút những giảng viên giỏi, đặc biệt là giảng viên trẻ", thầy Thảo nói.
Các thầy cô cũng nêu những khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sinh viên, đặc biệt là khi các doanh nghiệp tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm.
Đối với vấn đề này, thầy Nguyễn Anh Tuấn - Giảng viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore chia sẻ, việc doanh nghiệp đòi hỏi kinh nghiệm của sinh viên mới ra trường cũng là điều nhà trường từng trăn trở. Tuy nhiên, nhà trường đã có một chiến lược thành công để giải quyết vấn đề này. Đó là việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp.
"Trong chương trình đào tạo, sinh viên có 2 kỳ thực tập. Chúng tôi đều đưa các em đến doanh nghiệp đối tác để thực tập sản xuất và thực tập tốt nghiệp. Điều đó giúp các em được thực hành với máy móc, thiết bị của doanh nghiệp, hình thành kỹ năng nghề và tích lũy kinh nghiệm. Thông qua sự hợp tác, có tới 97% sinh viên ra trường có việc làm, mức lương từ 8-12 triệu đồng/tháng", thầy Tuấn nói.
Thầy Tuấn cho biết thêm, nhà thầy cách trường 45 cây số. Mỗi ngày, tổng quãng đường đi làm của thầy là 90 km. Nhà trường có bố trí chỗ ở cho giảng viên nhưng vì việc cá nhân nên thầy vẫn phải đi về mỗi ngày.