Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích quy định đánh giá học sinh tiểu học
(Dân trí) - Xung quanh việc Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Thông tư mới về quy định đánh giá học sinh tiểu học hiện có nhiều ý kiến lo lắng, băn khoăn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, việc thay đổi này là cần thiết để giải quyết các bất cập của quy định cũ.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Cần phải nhìn kiểm tra đánh giá dưới góc độ rộng hơn. Hiện tại chúng ta mới đánh giá học sinh (HS) học được cái gì. Bây giờ theo quan điểm mới, kiểm tra đánh giá trước hết phải giúp cho HS biết cách học tốt hơn, người ta gọi là kiểm tra đánh giá vì sự học tập. Phải làm cho HS tự đánh giá bản thân để thông qua đó tự kiểm soát được quá trình học tập. Khâu cuối cùng mới là kết quả. Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến khâu cuối cùng mà không để ý hai khâu còn lại.
Chính vì thế việc kiểm tra đánh giá hiện nay phải đảm bảo: giáo viên đánh giá kết hợp với sự tự đánh giá của HS, HS đánh giá lẫn nhau và kết hợp với đánh giá của phụ huynh HS . Kết hợp đánh giá giữa giáo viên với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường.
Trong 3 mục tiêu tôi nói ở trên thì hai mục tiêu ban đầu quan trọng hơn. Làm tốt được hai mục tiêu ban đầu thì sẽ dẫn đến kết quả tốt.
Phân loại HS dựa vào điểm số đo lường kết quả học tập của HS, so sánh em này với em khác là không cần thiết, thậm chí là không công bằng, làm phương hại đến tâm lý học sinh vì điều kiện học tập, khả năng bẩm sinh của các em là không hoàn toàn giống nhau. Điều quan trọng ở đây là phải so sánh kết quả học tập với mục tiêu giáo dục chứ không phải giữa HS này với HS khác.
Với bản thân từng em HS , với năng lực như vậy, với sự giúp đỡ của giáo viên, nhà trường và mọi người thì các em phát huy được khả năng cao nhất của mình. Đây mới là vấn đề chúng ta phải chú trọng quan tâm.
Việc không cho điểm đánh giá thường xuyên đối với bậc tiểu học khiến bậc phụ huynh lo lắng liệu năng lực của mình có được đánh giá đúng. Bên cạnh đó, việc đánh giá bằng nhận xét rất dễ theo kiểu cảm tính. Thứ trưởng nghĩ sao về điều đó?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Những băn khoăn này là điều tất nhiên thôi. Khi chúng ta chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác thì chắc chắn sẽ có nhiều người boăn khoăn. Trước đây, khi chúng ta ban hành Thông tư 32 vào năm học 2009-2010 thì nhiều người cũng boăn khoăn nhưng sau đó thì cũng cảm thấy yên tâm. Trong quá trình thực hiện Thông tư 32 đã phát sinh một số hạn chế và chúng ta cần phải đi xa hơn theo chủ trương đánh giá vì sự học tập của HS nên không thể chỉ đánh giá kết quả học tập của HS .
Hiện nay việc đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ học sinh tiểu học còn nặng nề, đặc biệt là việc thường xuyên dùng điểm số hàng ngày đã gây áp lực cho HS, phụ huynh; là một trong những nguyên nhân chính làm nảy sinh tình trạng học trước chương trình, học thêm; cá biệt đã có vài trường hợp HS lớp 5 sợ bố mẹ đã phải tự tử vì điểm…
Cách đánh giá mới chỉ chú trọng “đo lường” kết quả nắm kiến thức bằng cách cho điểm, chưa chú ý đến năng lực và phẩm chất HS, chưa quan tâm các biện pháp kịp thời hướng dẫn giúp HS vượt qua những khó khăn để học tập, rèn luyện tốt hơn, do đó việc kiểm tra đánh giá thường tạo ra nhiều áp lực mà ít góp phần tạo hứng thú, động viên tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Việc đánh giá HS bằng cách cho điểm thì có ưu điểm là định lượng được kết quả học tập nhưng dẫn đến hệ quả không tốt là có sự so sánh giữa HS này với HS khác. Với mỗi điều kiện hoàn cảnh khác nhau thì HS sẽ có kết quả học tập khác nhau nên việc so sánh là rất “khập khễnh”. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT có chủ trương là không coi trọng điểm số trong quá trình đánh giá mà cần coi trọng hơn là thông qua đánh giá để giúp đỡ HS học tập tốt hơn.
Do đó, việc nhận xét những sự tiến bộ, có những thành công để động viên khuyến khích các em. Đồng thời, giúp đỡ kịp thời những khó khăn mà các em gặp phải để đông viên các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Chính sự thành công trong học tập mới mang lại niềm vui hứng thú cho các em HS để các em có thể học tập tốt hơn trong các năm tiếp theo. Điều này quan trọng hơn việc chúng ta xác định các em đạt ở mức độ nào trong quá trình nhận thức.
Nếu chúng ta làm tốt việc nhận xét, đánh giá từ những chi tiết nhỏ thì kết quả lớn sẽ mang lại toàn năng, còn nếu không quan tâm đến những chi tiết nhỏ trước đó mà đánh giá kết quả cuối cùng thì chính điều này sẽ rất ít có tác dụng điều chỉnh quá trình học tập.
Việc đánh giá không chính xác không phải chỉ có trong việc nhận xét mà ngay cả trong việc cho điểm cũng có thể không chính xác. Bởi vì, việc cho điểm phụ thuộc vào đề thi dễ hay khó, có đúng với yêu cầu chất lượng hay không, phụ thuộc vào trạng thái HS khi làm bài thi liệu có vấn đề về sức khỏe hay không, tâm lý trước khi đi học có bị ảnh hưởng gì không?...Thậm chí là có rơi vào phần các em “trúng tủ” hay không? Qua đây cho thấy, không phải việc đánh giá bằng cách cho điểm sẽ chính xác hơn bằng nhận xét.
Vậy Bộ GD-ĐT sẽ có kế hoạch triển khai như thế nào để đảm bảo giáo viên không cảm thấy khó khăn khi thực hiện? Việc đánh giá bằng điểm số chỉ thực hiện khi nào?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GD-ĐT sẽ có tài liệu hướng dẫn giáo viên đánh giá bằng nhận xét. Năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn đánh giá bằng nhận xét đối với HS tham dự mô hình trường tiểu học mới. Trong đó quan trọng chú ý đến việc đánh giá HS thường xuyên trong lớp học cũng như các hoạt động giáo dục. Các em được giáo viên quan sát, được giáo viên khuyến khích, hướng dẫn vượt qua những khó khăn. Không chỉ giáo viên nhận xét mà còn quan tâm đến việc HS tự nhận xét bản thân, HS nhận xét giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học tập…
Tinh thần của Thông tư 30 cũng phần lớn dựa trên quan điểm được đưa ra trong việc đánh giá HS tham gia mô hình trường tiểu học học mới năm học 2013-2014. Trên thực tế, nhiều trường tham dự mô hình trường tiểu học mới khi đánh giá bằng nhận xét cũng không gặp khó khăn gì nhiều. Chính vì thế, năm học 2014-2015 khi triển khai đại trà chắc chắn giáo viên cũng sẽ không cảm thấy quá khó khăn.
Việc cho điểm chỉ thực hiện vào bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học với mức độ kiến thức tổng hợp được chia các mức độ khác nhau. Hiệu trưởng chỉ đạo việc đánh giá định kì kết quả học tập, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học vào cuối học kì I và cuối năm học đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kì.
Đề bài kiểm tra định kì phù hợp chuẩn kiến thức, kĩ năng, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức độ nhận thức của HS : Mức 1: HS nhận biết hoặc nhớ, nhắc lại đúng kiến thức đã học; diễn đạt đúng kiến thức hoặc mô tả đúng kĩ năng đã học bằng ngôn ngữ theo cách của riêng mình và áp dụng trực tiếp kiến thức, kĩ năng đã biết để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập; Mức 2: HS kết nối, sắp xếp lại các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết tình huống, vấn đề mới, tương tự tình huống, vấn đề đã học; Mức 3: HS vận dụng các kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn hay đưa ra những phản hồi hợp lí trước một tình huống, vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống.
Bài kiểm tra định kì được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và góp ý những hạn chế, cho điểm theo thang điểm 10 (mười), không cho điểm 0 (không) và điểm thập phân. Tuy nhiên, bài kiểm tra định kỳ này không phải là tất cả quá trình đánh giá và nó không có vai trò quan trọng như từ trước đến nay chúng ta thực hiện.
Những điểm mới chính trong nội dung Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học
- Hướng dẫn cách thức đánh giá, các công cụ đánh giá và nội dung toàn diện của hoạt động đánh giá trong quá trình học, cuối kỳ, cuối năm học (không chỉ là chấm bài kiểm tra như trước); trong đó rất coi trọng việc quan sát, nhận xét, động viên kịp thời những tiến bộ, hướng dẫn kịp thời hoạt động học tập, rèn luyện của từng học sinh, không so sánh giữa các học sinh.
- Hướng dẫn các tiêu chí cụ thể của 3 chuẩn phẩm chất, 3 chuẩn năng lực làm căn cứ cho việc đánh giá (trong các thông tư trước đây không có hướng dẫn này).
- Hướng dẫn việc khuyến khích sự tham gia đánh giá của cha mẹ học sinh và tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau của học sinh, thay vì trước đây chỉ có giáo viên đánh giá.
- Không cho điểm khi đánh giá trong quá trình học nhưng có chấm điểm, nhận xét đối với bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học. Đặc biệt, có hướng dẫn cách ra câu hỏi, bài tập phân hoá bằng độ khó, trình độ hoạt động tư duy theo quan điểm đánh giá hiện đại.
- Để khắc phục/phòng tránh tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp’’, một mặt thông tư mới hướng dẫn việc chấp nhận tiến độ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ khác nhau vì khả năng của các học sinh không giống nhau; mặt khác, hướng dẫn việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục, kết quả học tập của học sinh từ giáo viên dạy lớp dưới cho giáo viên nhận học sinh để dạy lớp trên, từ giáo viên lớp 5 cho giáo viên lớp 6. |