Thu nhập 60 triệu đồng/tháng, phụ huynh vẫn cho con học trường công

Nhung Nhung

(Dân trí) - "Cá nhân tôi nghĩ mình không thể chỉ muốn cái tốt nhất mà không chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra. Vậy thì để ăn chắc mặc bền, cứ trường công mà chọn", một phụ huynh nêu quan điểm.

"Ăn chắc mặc bền, cứ trường công mà chọn" 

Với tổng thu nhập khoảng 60 triệu đồng/tháng, gia đình anh Văn Hiếu (Hà Nội) hoàn toàn có thể trang trải chi phí học tập cho con ở trường tư thục, nhưng vợ chồng anh đều nhất trí cho 2 con học theo học trường công lập từ nhỏ đến lớn. 

Cách đây một năm, khi con đến tuổi đi học, anh Hiếu cho con đi học tại một trường tiểu học công lập đúng tuyến tại quận Hà Đông.

Theo anh Hiếu chia sẻ ngoài các khoản phí đầu năm học, phụ huynh thường phải nộp khoảng 3-4 triệu đồng, bao gồm tiền cơ sở vật chất, đồng phục, bảo hiểm và quỹ phụ huynh.

Tổng chi phí ở trường công lập cho con học lớp một hiện tại là khoảng 14 triệu/năm.

Còn con gái lớn của anh Hiếu hiện đang học tại một trường cấp 2 công lập chất lượng cao ở quận Cầu Giấy với mức học phí là 5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra hai con đều được anh Hiếu đầu tư cho tham gia các lớp học ngoại khóa như: tiếng Anh, vẽ tranh, võ thuật và đàn piano, tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng/tháng. 

Thu nhập 60 triệu đồng/tháng, phụ huynh vẫn cho con học trường công - 1

Thu nhập của các gia đình ảnh hưởng tới quyết định chọn trường cho con (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Chia sẻ về quyết định cho con học trường công anh Hiếu cho biết, mặc dù trường công lập còn tồn tại nhiều bất cập, nhưng khi làm bài toán kinh tế so sánh mức học phí giữa trường công và trường tư, anh Hiếu tin vào quyết định của mình và an tâm với định hướng cho các con. 

"Cá nhân tôi nghĩ mình không thể chỉ muốn cái tốt nhất mà không chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra. Vậy thì để ăn chắc mặc bền, cứ trường công mà chọn", anh Hiếu nêu quan điểm.

Đối với anh Hiếu, có một vài "điểm cộng" ở trường công mà anh tin có thể giúp con có khả năng phát triển tốt và hình thành cơ chế tự lập sớm.

Do khoảng cách từ nhà đến trường khá xa, nên con gái anh Hiếu phải tự học cách sắp xếp thời gian hiệu quả và tự túc trong việc di chuyển, ăn uống của bản thân. Đây là cách anh rèn luyện tính tự lập cho con.

Ngoài ra anh Hiếu cũng vui mừng khi nhận thấy con học được cách biết quan tâm và sẻ chia với mọi người xung quanh hơn khi học ở trường công lập.

"Nếu như ở trường tư, hầu hết học sinh đều thuộc nhóm gia đình khá giả, thì tại trường công có cả các bạn có hoàn cảnh khó khăn, các bạn kém may mắn về thể chất.

Cũng vì thế mà con sẽ biết được bản thân mình may mắn như nào, nhận thức ra sao về giá trị của cuộc sống và biết cách ứng xử phù hợp hơn", anh Hiếu đề cập.

Chi phí học tập của con không nên vượt quá 1/3 tổng thu nhập của gia đình

Là một người mẹ đã có con trải qua nhiều môi trường học tập, từ công lập tới tư thục, song ngữ và quốc tế toàn phần, đồng thời là một giáo viên, chị Võ Thi (TPHCM) cho rằng khi chọn trường cho con nên phù hợp với tài chính gia đình.

Là quản trị viên của một diễn đàn phụ huynh học sinh, chị Thi đã gặp không ít trường hợp cha mẹ bị "đuối" khi dồn hết tiền cho con học trường sang. Chị Thi rút ra kinh nghiệm là chi phí học tập thực trả của con cái không nên vượt quá 1/3 tổng thu nhập của gia đình.

Thu nhập 60 triệu đồng/tháng, phụ huynh vẫn cho con học trường công - 2

Chọn môi trường phù hợp cho con là vấn đề được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm (Ảnh minh họa: Canva).

"Học là quá trình dài hơi, đầu tư giáo dục là nhiều năm, đảm bảo kinh tế ổn định là điều cần thiết.

Và quan trọng không phải cứ trường nhiều tiền là đã phù hợp với con và đáp ứng được những kỳ vọng của gia đình và ngược lại. 

Theo tôi, môi trường nào cũng đều có điểm cộng và điểm trừ. Vì vậy, khi chọn trường cho con thì chi phí học tập và phương pháp giảng dạy là 2 yếu tố quan trọng mà tôi sẽ chú ý kỹ để cả bố mẹ và con có thể thích nghi tốt. Tránh việc cố quá thành quá cố.

Tổng quan mà nói thì giáo dục không bao giờ là câu chuyện là trường này tốt hay trường kia không tốt, giáo dục chỉ có phù hợp hay không phù hợp", chị Thi nêu quan điểm.

Đầu tư cho giáo dục, bao nhiêu là đủ? 

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên đề cập đến quy tắc "6 chiếc lọ" (JARS system) của  T. Harv Eker, phương pháp đặc biệt nổi tiếng giúp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.

Ông Nguyên giải thích rằng, phương pháp JARS với 6 cái lọ, tượng trưng cho việc chia thu nhập thành 6 phần với tỷ lệ tương đối khoảng 55% cho chi tiêu thiết yếu, 10% cho tiết kiệm, 10% cho hưởng thụ xa xỉ, 10% cho quỹ tự do tài chính, 5% cho từ thiện, và 10% cho quỹ giáo dục. 

"Trong quá trình tư vấn cho phụ huynh Việt Nam, tôi thấy họ thường dành khoản chi cho giáo dục khá lớn, trung bình khoảng 20%, thậm chí tới hơn 50% thu nhập gia đình để đầu tư cho việc học của con cái.  

Xét theo quy tắc trên, rõ ràng việc chi tiêu như vậy sẽ gây ra mất cân bằng tài chính gia đình, và sẽ tạo ra áp lực lớn", ông Nguyên chia sẻ. 

Chuyên gia giáo dục cũng nói thêm, quan niệm "tiền nào của ấy" về các trường tư không hoàn toàn đúng. Có những trường tổ chức việc học rất tốt, môi trường tích cực nhưng học phí vừa phải.

Mặt khác, cũng có những trường thu học phí cao nhưng hoạt động giáo dục không tương xứng. 

Trong khi hầu hết trường tư thục ở Việt Nam là các trường hoạt động vì lợi nhuận, tức là mô hình kinh doanh giáo dục như một công ty, các dịch vụ khách hàng chu đáo hơn và dành cho các bậc phụ huynh sẵn sàng chi tiền để nhận được điều đó.

Ngược lại, trường công về bản chất là dịch vụ công ích xã hội, phi lợi nhuận. Các trường bán công, trường công tự chủ tài chính cũng thường hoạt động theo cơ chế cung - cầu của thị trường, nhưng mục tiêu cũng không vì lợi nhuận. 

Trường công ở Việt Nam hiện nay được thiết kế dành cho mọi đối tượng học sinh. Học phí thấp hoặc miễn học phí, là một quyền lợi trẻ em được hưởng từ nguồn thuế do người dân đóng cho Chính phủ.

Vì vậy, xét về góc độ tài chính, phụ huynh cần xác định rõ khoản chi phí phải bỏ ra là vì mục đích gì, cho cái gì, cho chương trình học, cho năng lực giáo viên, cho cơ sở vật chất, hay cho dịch vụ khách hàng.

"Rất khó để xác định một mức chi phí giáo dục phù hợp chung cho tất cả mọi người. Tất cả các phụ huynh đều muốn hướng tới tình huống lý tưởng là đầu tư tiết kiệm nhất và đạt được hiệu quả ở mức cao nhất.

Nhưng có một điều tôi nghĩ phụ huynh cần lưu ý, đầu tư giáo dục cho con cái không chỉ nằm ở chuyện chọn trường hay trả tiền học phí.

Nó còn bao gồm nhiều yếu tố khác như thời gian, sự quan tâm, sự hướng dẫn, đồng hành, cũng như nỗ lực liên tục học hỏi cái mới, tự hoàn thiện mỗi ngày của chính cha mẹ để truyền động lực và cảm hứng học tập tới các con một cách thuyết phục", chuyên gia nhắn nhủ.

Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, phương pháp dạy con, câu chuyện học sinh, sinh viên... tại ô bình luận bên dưới hoặc gửi về email: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cảm ơn!