Thủ khoa từ gánh dầu rửa bát của bố

(Dân trí) - Ba năm học phổ thông ở khối chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội của Phạm Văn Huy, thủ khoa ĐH Bách khoa với số điểm tuyệt đối 30/30, cũng là quãng thời gian bố Huy khăn gói từ quê lên thủ đô đi bán nước rửa bát nuôi cậu ăn học…

Nghĩ đến bố là… muốn khóc

Là con một trong gia đình nhưng Huy chẳng phải là cậu ấm cô chiêu gì mà em sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo “truyền thống” ở xã Yên Thịnh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Bố Huy, bác Phạm Văn Huân đi bô đội về thì tham gia vào đội thợ xây trong làng, còn mẹ là giáo viên mầm non dạy hợp đồng với đồng lương chỉ vài trăm nghìn đồng.

Thi đỗ cả trường chuyên của tỉnh, nhưng Huy chọn chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội vì bố em xác định sẽ lên thủ đô kiếm việc nuôi con ăn học. Bác Huân chia sẻ: “Mình mà ở nhà lấy tiền đâu mà nuôi con. Hai bố con chấp nhận xa nhà lên Hà Nôi, bố thì lập nghiệp, còn con thì đi học”.

Ba năm trời, chưa đến 5h sáng, tại căn phòng trọ chưa đến 15m2 ở số nhà 34, ngõ 545 Thụy Khê, nơi bố con Huy thuê đã sáng đèn. Huy dậy đóng dầu rửa bát vào can cho bố đi giao hàng, rồi bán rao khắp các quán ăn, quán rửa xe. Lúc có thời gian, Huy lại lọc cọc đạp xe chở hàng đi cùng bố.

Rót dầu rửa bát vào can chuẩn bị cho ca chiều, bác Huân đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên: “Mỗi ngày chỉ bán được chục can dầu rửa bát, tằn tiện lắm mới đủ cho bố con sống ở thành phố từ tiền thuê nhà, ăn uống, tiền ăn học của con. Mẹ thằng Huy sức khỏe yếu, tiền lương ở nhà chỉ đủ chi tiêu, hai bố con trên này tự kiếm sống. Một gia đình vì cái nghèo phải chia rẽ như vậy”.
 
Tuy hay cười nhưng nhiều lần đang ngồi trong lớp học nghĩ đến cảnh bố rong ruổi giữa nắng, mưa để đi bán hàng Huy lại chảy nước mắt. Em bùi ngùi: “Khi mới lên, nghĩ đến bố, em học không vào, rồi em cố gạt mọi suy nghĩ ra khỏi đầu mình. Nhưng đợt rét năm ngoái, thấy bố phải dậy đi từ sáng, nhiều hôm bố bị ngã xe em lại đau buốt cả người. Thương bố, em cũng chỉ giúp được phần nào chứ không làm thay việc của bố được. Bố đi như thế em không ngủ được nên lại dậy ngồi vào bàn học”.
 
Thủ khoa từ gánh dầu rửa bát của bố - 1
Huy chuẩn bị dầu rửa bát để bố đi giao hàng.

Người đầu tiên trong họ đỗ đại học

Trước kỳ thi đại học mấy ngày, Huy lo lắng đến mức không ngủ được. Huy chưa muốn nghĩ đến điều gì cao xa, trước hết với em lúc đó là phải đỗ. Nghĩ đến việc bố đã lên tận thành phố làm việc nuôi mình ăn học, giờ mà lỡ “sẩy chân”, điều Huy sợ nhất là bố không chịu nổi cú sốc đó.

Xét về lực học của mình, lẽ ra Huy không phải lo nhưng theo Huy thấy mình kém may mắn trong thi cử. Từ nhỏ, năm nào cũng đạt học sinh giỏi nhưng thi đến cấp tỉnh em chỉ luôn… về sau. Thi vào trường chuyên ĐH Sư phạm, Huy cũng đạt giải Á khoa với 38/39 điểm. Năm lớp 10, dù đã dốc hết sức Huy vẫn chỉ giành giải Nhì Olimpic Toán toàn thành phố.

Khi thi xong khối A vào trường ĐH Bách khoa, Huy thở phào vì tin chắc mình sẽ đỗ với mức điểm tự chấm tầm 29 điểm. “Hôm biết… 3 điểm 10, em không dám tin nên cũng chẳng dám nói với ai. Em làm bài tốt nhưng con số tuyệt đối thì em không dám nghĩ đến. Em chỉ dám nói với bố nhưng phải đến hai ngày sau, ra mạng xem đi xem lại mấy lần, khi bạn bè đến chúc mừng em mới dám khẳng định”.

Không chỉ thủ khoa ĐH Bách khoa, Huy còn “đá” sang thi khối B vào ĐH Y Hà Nội với số điểm 28. Huy nói: “Em học khối A nhưng thầy cô khuyên cứ thi thêm khối B. Môn Sinh em chỉ ôn khi thi tốt nghiệp. Thi xong khối A, em có thêm ba ngày để học Sinh. Em cũng không ngờ mình lại được 9,25 điểm môn Sinh đâu”.

Ngày biết tin con đỗ thủ khoa, bác Huân như trút được gánh nặng trong lòng mình như có gì đó vừa tủi thân lẫn tự hào: “Cả dòng họ hàng chục đời nay nhà nào cũng nghèo, con cháu toàn đi làm thuê làm mướn có được ăn học đâu. Trong anh em họ hàng, Huy là đứa đầu tiên thi đỗ đại học đấy. Lại đỗ thủ khoa nữa thì còn gì bằng. Mình đã khổ, đã nghèo con mình không thể thế mãi được”.

Muốn giúp đỡ được nhiều người

 

Nói về tính cách của mình, Huy nhận xét mình là một người dễ gần và hay cười. Lúc nào Huy cũng cười, cười không hiểu vì sao mình cười. “Nhiều hôm trong lớp, thầy giáo đang giảng bài, lớp lộn xộn ở phía dưới, thầy quay lại, các bạn im phắc còn em vẫn cười... tự nhiên nên bị phạt thường xuyên. Suốt ngày phải đi giải thích, thanh minh với thầy cô”, Huy vừa kể vừa... cười.

Huy thích mày mò, những bài tập nào không hiểu Huy phải tìm hết sách vở, đi hỏi thầy cô bằng được mới thôi. Và khi có lời giải, việc đầu tiên của Huy là đi tìm các bạn… giảng lại kể cả các bạn không nhờ, không hỏi. Những lúc Huy khám phá ra cái gì đó, cậu hào hứng chạy đi chia sẻ với người khác ngay.

Vì từng ngày thấy bố vất vả đi khắp nơi bán dầu rửa bát nên những người gánh hàng rong luôn tác động mạnh đến Huy. Thấy ai đẩy xe hàng rong, em lại rầu rĩ và chép miệng: “Chà, giá mình có tiền, mình sẽ mua hết xe hàng này”.

Huy muốn sau này sẽ trở thành một kỹ sư giỏi và giúp đỡ được nhiều người nghèo trong cuộc sống. Trước mắt, Huy muốn bắt nhịp vào môi trường học tập ở trường đại học, sau đó em tính đến chuyện đi làm thêm nuôi mình. Với Huy, làm gì thì làm việc đầu tiên của em vẫn phải học thật tốt: “Em mà học hành sa sút là có tội với bố mẹ”.

Hiện giờ, Huy ra các hiệu sách cũ mua sách tiếng Anh về tự học vì quá “mê” Toán, Lý, Hóa nên tiếng Anh của Huy hơi kém. Về việc đi du học, nếu có cơ hội Huy còn cân nhắc vì với em du học không phải là mục đích cao nhất.

Điều mà bác Huân lo lắng nhất rồi đây trong điều kiện gia đình, Huy sẽ theo năm năm đại học thế nào. Bác bùi ngùi: “Bố cũng phải về quê, đâu theo con mãi được”.

Bài và ảnh: Hoài Nam

Dòng sự kiện: Thủ khoa ĐH, CĐ 2008