Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Bách khoa Hà Nội kể "cú sốc văn hóa đại học"
(Dân trí) - Phạm Đình Dương kể về những tiết học đại số ghi kín mười mặt trang giấy. Năm nhất, chàng thủ khoa gặp phải "cú sốc văn hóa học đại học" khi mới bước chân vào cánh cổng Bách khoa Hà Nội.
"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!" - hai câu thơ nổi tiếng được Phạm Đình Dương, thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của thành phố Hà Nội, mượn để kết lại trang cuối trong đồ án của mình, cũng là khép lại khoảng thời gian "không quá ngắn, cũng chẳng quá dài, nhưng đủ sâu đậm để luôn nhớ mãi" tại Bách khoa Hà Nội.
Chưa bao giờ bỏ cuộc
Mùa thu Hà Nội cách đây bốn năm, Phạm Đình Dương mang trong mình cảm xúc của một chàng trai lần đầu đặt chân lên thành phố lớn, càng ấn tượng với Bách khoa Hà Nội, ngôi trường đại học rộng hơn nhiều so với mái trường cấp ba phố huyện.
Bốn năm sau, thủ khoa đầu vào viện Điện ngày nào, nay là thủ khoa đầu ra trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện phát biểu tại lễ tốt nghiệp, dõng dạc tuyên bố: "Tôi ơi, chúc mừng nhé, chúc mừng vì chúng ta đã chưa bao giờ bỏ cuộc, vì sự kiên trì cho đến ngày hôm nay. Giờ đây cậu đã có thể vỗ ngực mà tuyên bố với thế giới rằng, tôi đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội rồi đấy!".
Dương từng đứng trước nhiều quyết định lớn. Ngã rẽ đầu tiên là giữa Đại học Y Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội. Cậu sinh viên năm ấy, mang trong mình nhiều khát vọng, quyết tâm theo đuổi con đường kỹ sư dù gia đình có truyền thống làm bác sỹ.
Bước vào cổng Bách khoa, cậu tiếp tục phải đưa ra lựa chọn về ngành học. Dương đã chọn Điện với mong muốn tự tạo ra những dây chuyền tự động. "Nhiều bạn thân của tôi chuyển ngang theo Công nghệ thông tin, nhưng tôi vẫn theo con đường đã chọn. Tôi đã trải qua một chặng đường dài, đang làm tốt và vẫn hứng thú với những gì đang làm", Dương quyết không theo số đông.
Cuộc sống không chỉ đi theo một đường thẳng
Ở tuổi 22, Đình Dương có những quan điểm riêng về cuộc sống. "Cuộc sống không chỉ đi theo một đường thẳng, cũng có lúc lên lúc xuống." Những khi quá mỏi mệt, Dương tự cho mình những giây phút được buông lỏng bản thân. "Nhưng phải có giới hạn, chơi suốt thì không được. Những buổi đi chơi ấy rất vui, nhưng không phải là mục đích tôi hướng đến."
Dương rất ngạc nhiên khi nhận tin cậu là thủ khoa thành phố vì có nhiều bạn có điểm học tập cao hơn. Nhưng điều làm cậu nổi bật chính là khả năng cân bằng giữa học và các hoạt động khác.
Năm nhất tập trung cho việc học, Dương không đủ điều kiện tham gia chiến dịch mùa hè xanh. Đầu năm hai, Dương lại mải mê tham gia các hoạt động ngoại khóa khiến phần nào ảnh hưởng đến điểm số. Quyết tâm học tập, say mê hoạt động, cậu nhanh chóng tìm cách để dung hòa.
Tham gia đội tình nguyện thuộc Hội sinh viên từ năm nhất, cậu chia sẻ chính những trải nghiệm tại đây đã khiến Dương có suy nghĩ khác đi về cho và nhận, về hoạt động cộng đồng, về cá nhân và tập thể.
Dương nhớ về những đêm đông từng len lỏi trên khắp đường phố Hà Nội, phát đồ ăn và quần áo cho người vô gia cư. Giây phút lần đầu tận tay trao quà, nắm lấy đôi bàn tay lạnh, Dương xúc động đến nghẹn lời, "tôi lặng người. Tôi lắng nghe các anh chị nói, các anh chị nói rất nhiều, mà tôi không nói được câu nào". Cậu bất ngờ, vì chưa bao giờ tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh sống như vậy.
"Tôi cứ nghĩ về mai họ sẽ ăn gì." Làm tình nguyện nhiều, cậu mới biết trên mảnh đất đông người này vẫn còn nhiều nhóm thiện nguyện khác. Chàng sinh viên năm nhất khi ấy nhận ra những gì nhóm mang đến không chỉ là những bánh mỳ, sữa, mà là cả tấm lòng.
Cũng có lần Dương thấy mất niềm tin khi nhóm gặp những người giả ăn xin. Nhưng đến giờ cậu vẫn còn nhớ câu nói của đội trưởng đội tình nguyện khi ấy, "Chúng ta không thể biết hoàn cảnh của họ như thế nào. Cứ làm đi, rồi mọi thứ sẽ tốt lên. Đừng để việc tốt mình làm bị ảnh hưởng bởi những điều xấu."
"Cuộc hành trình dài cần những người đồng hành"
Dương kể về những tiết học đại số ghi kín mười mặt trang giấy. Năm nhất, chàng thủ khoa gặp phải "cú sốc văn hóa học đại học" khi mới bước chân vào cánh cổng Bách khoa Hà Nội.
Không còn thầy cô cầm tay chỉ dẫn, không có bố mẹ bên cạnh nhắc nhở. Thay vào đó, luôn bên cậu là những "người anh em chí cốt" - "nhóm bạn 4.0". "Mặc dù chỉ có kỳ cuối là cả nhóm đạt 4.0, còn ngoài ra chưa có kỳ nào được kết quả này", Dương cười.
Với Dương, những ngày tháng ôn học cùng nhóm bạn thân là kỷ niệm sinh viên vui nhất. Cứ cuối mỗi kỳ, cả nhóm gồm 5 chàng trai cùng lớp lại về nhà một người bạn trong nhóm suốt hai, ba tuần. Dần dần, điểm 5, điểm 6 giữa kỳ năm nhất được thay thế bởi những điểm số ấn tượng. Bí quyết của chàng thủ khoa trong học tập là cần hiểu bản chất và có phương pháp trình bày khoa học.
Đình Dương tự nhận bản thân có nền tảng kiến thức chuyên ngành tốt nhờ học hỏi từ các thầy cô tại Bách khoa Hà Nội. "Các thầy, cô ai cũng giỏi và có cá tính riêng, nhưng đều rất tâm huyết với sinh viên", tân cử nhân nói.
Dương vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê tại Viện Hàng không Vũ trụ Viettel, đồng thời hoàn thành chương trình học thạc sỹ tại Bách khoa Hà Nội. Chàng sinh viên viện Điện khẳng định những kiến thức và kỹ năng học được ở Trường là hành trang vững vàng cho cậu khi bước ra môi trường làm việc.
Vào giây phút tạm biệt mái trường, thủ khoa Bách khoa Hà Nội mới cảm thấy nuối tiếc vì còn nhiều điều chưa thực hiện được. "Lắng nghe những bài hát năm nhất từng nghe cũng khiến tôi hoài niệm về năm tháng trên Trường", cậu bồi hồi. Trong ngày tốt nghiệp, Đình Dương viết những dòng lưu bút cuối tại nơi mình đã gắn bó suốt 4 năm: "Tuổi trẻ của tôi thật may mắn khi được ánh nắng Bách khoa làm cho rực rỡ."