Thủ khoa CĐ Kinh tế đối ngoại thích làm bác sĩ

(Dân trí) - Dự thi ngành Quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại và đỗ thủ khoa của trường với số điểm tuyệt đối 30/30 nhưng có thể Hà Quốc Thi sẽ không theo học trường này vì em thích làm bác sĩ.

Cậu học sinh lớp 12TN2 Trường THPT Trung Phú (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM) kể: “Làm bác sĩ là ước mơ từ bé của em. Hồi nhỏ em băng qua đường gặp tai nạn, bị nồi nước hủ tiếu làm bỏng phải nhập viện, được các bác sĩ chăm sóc tận tình nên em muốn sau này làm bác sĩ”.  

Trong kỳ thi đại học vừa qua, Quốc Thi dự thi khối B Trường ĐH Y Dược và đạt 21 điểm. Thi cho biết: “Em thi ngành Y - Điều dưỡng, ngành này điểm chuẩn năm ngoái cũng không cao, điểm số của em rất có khả năng sẽ đậu”.

Ngoài ra, một ước mơ khác của Thi là công nghệ thông tin. Thi tâm sự: “Lớn lên, tiếp xúc với Internet em thấy nó rất hay nên cũng chọn ngành này là ước mơ thứ 2 của mình. Em dự định học Y xong sẽ học Công nghệ thông tin”.

Trong kỳ thi đại học vừa qua, Thi cũng thi khối A vào ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM. Điểm số em đạt được cũng rất cao: 23 điểm, nhiều khả năng đỗ trường này.

Thủ khoa học lệch 

Nói về bí quyết học tập của mình, Thi rụt rè: “Em không có điều kiện đi học thêm, luyện thi nên chỉ có thể cố gắng học ở nhà, tìm thêm sách vở để đọc, có khi lên mạng tìm tài liệu tham khảo. Em cũng dành thời gian học lệch hẳn cho các môn mình yêu thích là các môn khối A và môn Sinh”.

Cô Nguyễn Hồng Thơ, giáo viên chủ nhiệm cũng là cô giáo dạy Hóa của Thi, cho biết: “Em Thi học lệch nhưng các môn còn lại cũng đều đạt loại khá cả. Kết quả học tập chung cũng rất tốt. Nhà khó khăn nên em rất cố gắng học tập vươn lên, không phải học thêm gì hết, cái gì không hiểu thì bàn bạc với nhóm học tập hoặc hỏi thầy cô. Giáo viên dạy Toán cũng hay khen em có cách giải sáng tạo…”.

Thủ khoa CĐ Kinh tế đối ngoại thích làm bác sĩ - 1
Thủ khoa Hà Quốc Thi (bên phải) và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Hồng Thơ.

Hà Quốc Trường, anh trai Thi, hiện là sinh viên năm 2 trường ĐH Nông lâm, tiết lộ về bí quyết học sáng tạo của hai anh em: “Nhiều lúc gặp dạng bài tập lạ, chưa được học ở trường thì tụi em cố mày mò tìm kiếm trong sách hay lên mạng tìm hiểu thêm rồi sáng tạo cách giải. Có khi cách giải của tụi em còn dài dòng hơn của thầy cô nhiều”.

Đánh giá đề thi cao đẳng, đại học vừa qua, Thi cho rằng: “Đề thi cao đẳng dễ hơn rất nhiều. Vì toàn dạng bài tập cơ bản, quen thuộc nên em làm nhanh. Còn đề đại học có nhiều dạng toán lạ, em không biết. Có lẽ do em không đi học thêm nên không biết”. Có lẽ cũng vì thế mà điểm thi cao đẳng của Thi rất cao so với điểm thi đại học.

Gắng học để thoát nghèo

Nó về động lực học tập của mình, Thi cho biết ngắn gọn: “Để khỏi làm công nhân”. Ở vùng quê của Thi (xã Trung An, Củ Chi), thanh niên chỉ có vài lựa chọn: đi học, làm ruộng hoặc làm công nhân với mức lương đủ sống.

Nhà Thi cũng không thuộc dạng khá giả gì. Cha Thi làm ruộng (nhà chỉ có chừng 2 sào ruộng, làm đủ gạo ăn trong nhà), mẹ buôn bán trái cây ở chợ. Anh chị lớn người thì làm công chức, người làm công nhân, một anh đi nghĩa vụ, chỉ có Thi và anh Trường là còn đi học.

Bà Võ Thị Cà, mẹ Thi kể: “Hồi tụi nó còn nhỏ, nhà khó lắm, chạy ăn từng bữa. Tụi nó buổi đi học, buổi phải phụ việc nhà chứ có điều kiện đâu mà học hành. Đến khi nhà nước cho căn nhà tình nghĩa, gần chợ nên buôn bán được thì hai anh em nó mới có điều kiện thời gian mà học tập”.

Bà cũng cho hay: “Cô buôn bán trái cây ở khu chợ tự phát, nhiều lúc đông khách bán không kịp, có khi bị dẹp thì cũng không dọn hàng kịp. Cũng muốn có đứa nghỉ học để phụ mình bán hàng nhưng thấy tụi nó ham học quá nên thôi. Cố mà lo cho tụi nó ăn học, sau này có điều kiện thoát cảnh nghèo khó như mình”.

Thủ khoa CĐ Kinh tế đối ngoại thích làm bác sĩ - 2
Hai anh em Thi (ngoài cùng bên trái), Trường và mẹ.

Hai anh em Thi đã không phụ công cha mẹ và anh chị cố gắng chăm lo cho các em ăn học, cả hai anh em đều học rất tốt, đặc biệt là Thi vừa mang niềm vinh dự về cho gia đình khi là 1 trong 3 thủ khoa đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 đạt điểm tuyệt đối 30/30.

Mẹ Thi dí dỏm: “Cô hay dọa tụi nó là đứa nào học không tốt thì nghỉ phụ mẹ bán hàng. Có lẽ sợ quá nên đứa nào cũng cố học. Tội nghiệp, có hôm 1-2 giờ sáng cô thức dậy đi chợ lấy hàng thấy nó vẫn còn học”.

Bài và ảnh: Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm