Thu hẹp đối tượng lao động được trực tiếp hỗ trợ học nghề
Việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua đã thể hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg là chủ trương đúng, quan trọng, là một trong số những Đề án nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Đây là ý kiến đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020," tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, tổ chức chiều 23/4.
Tán thành với đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định 1956/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cần nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định này với tinh thần thu hẹp đối tượng được trực tiếp hỗ trợ học nghề, chỉ hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết; kiểm tra, giám sát tốt công tác này; bổ sung vào Quyết định những quy định cụ thể liên quan đến công tác tạo việc làm.
Quyết định cần mang tính tổng hợp nhưng nêu cụ thể các chính sách, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với cơ sở và sự tiếp cận của người dân; tránh sự trùng lắp về đối tượng, chồng chéo nguồn lực trong thực hiện.
Phó Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung giám sát cách thức tổ chức việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động sự tham gia các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, các cơ sở khác có đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp vào công tác đào tạo.
Ngoài việc tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tích cực thông tin về hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động biết.
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương kịp thời ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Đến nay, nhận thức trong bộ phận lớn cán bộ, đảng viên và người dân về dạy nghề, phát triển nhân lực nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực.
Sau ba năm đầu thực hiện các điều kiện tiền đề để thực hiện Đề án, từ năm 2013-2014, việc thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn đã đi vào nền nếp, ổn định từ công tác chỉ đạo điều hành đến kết quả, hiệu quả thực hiện Đề án. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án được quan tâm, chỉ đạo thực hiện ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Trong 5 năm (2010-2014), bằng sự cố gắng, quan tâm, chỉ đạo của các Bộ, ngành, địa phương, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã đạt được hiệu quả cao. Cả nước đã có gần 3,2 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 70,8% mục tiêu Đề án (trong 5 năm dạy nghề cho 4,5 triệu người); đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp cho 10.534 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế, đạt 2,1% kế hoạch của 11 năm.
Số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề đạt 90,4% kế hoạch cả giai đoạn 2010-2014 và bằng 3,31% kế hoạch của 11 năm thực hiện Đề án.
Trong số hơn 1,9 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề xong, có hơn 1,5 triệu người có việc làm sau học nghề, đạt 78,7%, cao hơn 8,7% so với mục tiêu tối thiểu của Đề án là 70% số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề.
Tuy bước đầu có kết quả, song dạy nghề cho lao động nông thôn nói chung chưa hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra. Việc triển khai đặt hàng dạy nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho một số đối tượng đạt thấp. Kết quả, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đồng đều giữa các vùng trong cả nước.
Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là danh mục nghề nông nghiệp còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối tượng lao động nông thôn học nghề và lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm còn rất hạn chế…
Mục tiêu dạy nghề năm 2015 được Đề án đặt ra là dạy nghề cho khoảng 950.000 lao động nông thôn, trong đó 550.000 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 70%.
Giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho khoảng 5,5 triệu lao động nông thôn, trong đó, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng theo chính sách của Đề án này cho khoảng 3,2 triệu người. Sau đào tạo, có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn trong giai đoạn này.
Ban Chỉ đạo Trung ương đã đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới là các địa phương tổ chức rà soát lại danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, bảo đảm các nghề nông nghiệp phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp.
Tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn theo hướng: ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao năng suất, chất lượng công việc của người lao động tại chỗ làm nông nghiệp; tập trung đào tạo mới cho người lao động để có thể chuyển sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ và chuyển nghề; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động làm việc cho doanh nghiệp và lao động tham gia các hoạt động liên kết với doanh nghiệp.
Các địa phương huy động, lồng ghép các nguồn lực (ngân sách Trung ương, địa phương), các chương trình, dự án, đề án khác, các nguồn xã hội hóa thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách, mục tiêu, quy trình của Quyết định 1956.
Các đơn vị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện Đề án.
Theo Vietnamplus.vn
http://www.vietnamplus.vn/thu-hep-doi-tuong-lao-dong-duoc-truc-tiep-ho-tro-hoc-nghe/319330.vnp