Thông tư 30: Ai lúng túng?
(Dân trí) - Việc bỏ đánh giá bằng điểm số thay bằng nhận xét vào trường học đang gặp nhiều vướng mắc với áp lực quá tải cho giáo viên. Nhưng điều này không hẳn xuất phát từ sự lúng túng của đội ngũ nhà giáo.
Ngay từ những ngày đầu Thông tư 30 đưa vào trường học, nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện được đặt ra một cách rất cụ thể: giáo viên (GV) làm sao có thể nhận xét được từng học sinh (HS), nhất là đối với GV bộ môn, có thể dạy trên ngàn HS? Ngay cả việc GV không nhớ hết tên, hết mặt của HS cũng là chuyện bình thường.
Nhất là khi hồ sơ sổ sách đi kèm thông tư từ trên dội xuống thì lo lắng trên càng trở nên hiện hữu. Không chỉ là chuyện nhận xét mà làm sao để hoàn thành các loại sổ sách như sổ theo dõi chất lượng, học bạ, sổ liên lạc… cho từng HS? Hiệu quả, chất lượng của đánh giá bằng nhận xét đối với HS đã nhường chỗ cho sự lo lắng làm sao hoàn thành công việc của mỗi nhà giáo tiểu học.
Các loại sổ sách này được thiết kế rất chi tiết, cụ thể về lý lịch HS (tên tuổi, địa chỉ, điện thoại, tình trạng sức khỏe…). Còn nội dung bên trong cũng “ngập” tinh thần thông tư khi yêu cầu nhận xét tỉ mỉ HS ở nhiều hạng mục như hoạt động giáo dục (gồm kiến thức và kỹ năng), phẩm chất, năng lực.
Một thông tư thay đổi cả hệ thống đánh giá được đưa vào thực tế, Bộ GD-ĐT phải lên kế hoạch thực hiện một cách rõ ràng và sẽ hoàn thiện dần trong thực tiễn. Nhưng Thông tư 30 lại đang vận hành theo kiểu “vướng mà chưa gỡ”.
Khi những bất cập này lộ rõ, GV không nhận được câu trả lời cụ thể mà lại là những giải pháp “chữa cháy” chung chung như GV có thể sử dụng con dấu, đánh máy lời nhận xét, sử dụng sổ điện tử, không cần nhận xét tất cả HS hàng tháng, giao quyền chủ động cho nhà trường, GV… Và rồi những nặng nề về sổ sách, lời nhận xét mà GV phải gánh phần lớn lại được cho là do hiệu trưởng thực hiện cứng nhắc, chưa linh hoạt.
Nếu thật là vậy thì cần “chỉnh đốn” hiệu trưởng ngay bằng những quy định “cứng” như sổ sách nào, phần nào trong sổ nào có thể loại bỏ, GV hoàn toàn thể bỏ trống không nhận xét nhiều HS “không có gì đặc biệt”, hiệu trưởng gây áp lực cho GV trong việc sổ sách phải bị kỷ luật…
Nhưng khoan hãy nói đến nói đến GV, hiệu trưởng. Nhiều lãnh đạo, chuyên viên được tập huấn từ Bộ, từ Sở có trọng trách tập huấn lại cho nhà trường, địa phương cũng còn "ngắc ngứ" cả những vấn đề cơ bản.
Trong buổi tập huấn của một Phòng GD-ĐT ở TPHCM, có cán bộ tập huấn còn trao đổi rằng ngay từ đầu tháng GV phải vào sổ nhận xét đánh giá tháng trước cho HS thì mới xong sổ sách. Nghĩa là thực hiện đánh giá học trò trước khi hoạt động giáo dục chưa diễn ra. Ông nhìn ra thực tế “không tưởng” từ đống sổ sách kia và đưa ra cách mà số đông GV buộc phải làm như vậy.
Có nơi, lãnh đạo phải vận động, đánh vào… tình yêu thương của thầy dành cho trò để động viên GV cố hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ. Vì không biện pháp khả thi nào có thể thực hiện được.
Rồi việc Bộ “thoáng” trong việc cho GV sử dụng sổ điện tử nhưng một lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM băn khoăn khi cuối cùng vẫn phải in ra để đóng dấu, lưu hồ sơ. Như vậy những biện pháp được đưa ra dường như chỉ rối rắm thêm chứ chưa có tác dụng tháo gỡ.
Nhiều ý kiến cho rằng GV đang lúng túng khi thực hiện Thông tư 30. Nhưng thẳng thắn phải nói chính Bộ GD-ĐT đang lúng túng khi thực hiện hóa thông tư trong điều kiện chưa sẵn sàng. Những khó khăn về điều kiện thực tế chưa được tháo gỡ hoặc chuẩn bị một cách tốt nhất (như sĩ số học sinh, GV không được chuẩn bị kỹ lưỡng). Cùng với việc tổ chức thực hiện vội vàng, gấp gáp và áp đặt thông tư gặp khó khăn khi đi vào thực tế là điều đã được cảnh báo trước.
Theo lời một chuyên gia giáo dục, mọi vướng mắc của thực hiện Thông tư 30 cần được tháo gỡ một cách triệt để. Đội ngũ GV cần được tập huấn lại, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng hơn; các loại sổ sách nếu đã nói rằng “không cần thiết” thì phải bỏ ngay.
Song song đó là từng bước giải quyết tình trạng giảm sĩ số lớp học nhằm giảm áp lực cho GV, tăng hiệu quả đánh giá. Còn không thật khó trách GV “quay lưng” lại với tinh thần của Thông tư, vẫn cứ mặn mà với cách cho điểm lâu nay.
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |