Thiếu chỉ tiêu, chuyên gia kiến nghị TPHCM tuyển bổ sung lớp 10 công lập
(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng TPHCM cần tính toán đến phương án tuyển bổ sung lớp 10 khi học sinh không có chỗ học tốt còn trường công lập chưa tuyển đủ chỉ tiêu.
Trúng tuyển nhưng không học
Đây là nghịch lý của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM - cuộc đua khốc liệt được cho là căng thẳng hơn thi đại học.
Mỗi năm, các trường THPT lại có một lượng thí sinh dù đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Con số này ở mức khoảng 40-50% ở một số trường ven thành phố như: THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8), THPT Phong Phú, THPT Đa Phước (huyện Bình Chánh), THPT Năng khiếu Thể dục thể thao huyện Bình Chánh, THPT Nguyễn Văn Tăng, THPT Long Trường (TP Thủ Đức)…
Ngay cả trường top 5 như Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng rơi vào tình cảnh này.
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, mỗi năm trường có khoảng 40 em từ chối vào học. Năm nay, con số này đang là 47.
Vị hiệu trưởng chia sẻ 47 học sinh tương đương với 1 lớp. Nếu những học sinh này ngay từ đầu xác định không học - không thi thì đã có cơ hội cho 47 thí sinh khác.
Trong top 15 những trường THPT hàng đầu của thành phố, đa số các trường đều "tồn" lại 10-40 suất học.
Cân nhắc tuyển bổ sung
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - đánh giá thực trạng học sinh trúng tuyển lớp 10 nhưng không nhập học đã xảy ra trong nhiều năm qua.
Ông cho rằng điều này cần được giải quyết bởi thực tế không ít học sinh điểm cao, khao khát được vào trường công do đặt sai cả 3 nguyện vọng. Đối tượng khác là học sinh nhà nghèo, trượt công lập phải đi học trường tư có học phí đắt đỏ.
"Chúng ta đang thiếu trường công nhưng lại thừa chỗ học. Đây là nghịch lý", ông Ngai nói.
Vì thế, ông Ngai cho rằng TPHCM có thể tính toán tới phương án tuyển bổ sung thí sinh trượt cả 3 nguyện vọng để "lấp" vào những khoảng trống do thí sinh đỗ mà không học tạo ra.
"Tôi cho rằng việc tuyển bổ sung hoàn toàn có thể làm, vừa nhân văn với các thí sinh điểm cao, muốn học trường tốt. Song song đó, hạn chế tình trạng lãng phí trường lớp, tạo thêm nguồn lực cho các trường phát triển", nguyên Phó Giám đốc sở bày tỏ.
Về lâu dài, ông Ngai nhận định thực tế trên cho thấy cần đẩy mạnh công tác tư vấn cho học sinh, phụ huynh khi đăng ký nguyện vọng lớp 10.
Một bộ phận không nhỏ vẫn còn xem nhẹ nguyện vọng 2, 3, đặc biệt là nguyện vọng 3 khi đăng ký chỉ "phòng hờ" cho có chứ không xác định học.
Yếu tố khác được chỉ ra là do một số trường còn mới, chưa minh chứng được năng lực giáo dục nên học sinh, phụ huynh chưa tin tưởng vào học.
Từ đó, ông cho rằng ngành giáo dục cần có những tính toán xa hơn về các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.
"Sở GD&ĐT TPHCM cần nghiên cứu về thực trạng học sinh trúng tuyển lớp 10 nhưng không nhập học. Từ đó, đưa ra phương án khắc phục. Ở các trường vùng ven, xa trung tâm nên đầu tư xây dựng thêm khu nội trú cho học sinh ở xa", ông Nguyễn Văn Ngai đề xuất.
Song song đó, nguyên lãnh đạo ngành giáo dục thành phố cho rằng Sở GD&ĐT cần quan tâm hơn nữa tới đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất, triết lý giáo dục của các trường tuyển sinh kém để "vực dậy" và phát triển hơn, không để vùng trũng mãi trũng.
ThS Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) - đồng tình với phương án cho phép các trường THPT công lập còn thiếu chỉ tiêu được tuyển bổ sung thí sinh điểm cao.
Điều này đảm bảo học sinh có nhu cầu được vào công lập, nhà trường được "lợi" khi tuyển được người học có năng lực tốt, có thêm nguồn thu để phát triển dạy và học.