"Thiếu 118.000 giáo viên không phải do chương trình giáo dục phổ thông mới"

Hoàng Hồng

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - làm rõ lý do thiếu giáo viên trên cả nước tại tọa đàm Thách thức với đổi mới giáo dục.

Năm 2023, cả nước thiếu 118.000 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng tập trung ở các môn đặc thù như mỹ thuật, âm nhạc, tin học, ngoại ngữ.

Kể từ khi tin học và ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc bậc tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường học trên cả nước đối mặt với khó khăn do không có giáo viên để triển khai chương trình.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định: "Việc thiếu giáo viên không phải do chương trình giáo dục phổ thông 2018".

Thiếu 118.000 giáo viên không phải do chương trình giáo dục phổ thông mới - 1

Giáo viên tiểu học Trường Tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức, Hà Nội (Ảnh: Đoàn Tuấn).

Theo ông Thành, tin học và ngoại ngữ là môn tự chọn được triển khai ở nhiều trường tiểu học trước khi trở thành môn bắt buộc. Do đó, thực tế chỉ cần tăng cường thêm giáo viên để đáp ứng chương trình bắt buộc chứ không phải bổ sung mới hoàn toàn.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng dẫn các địa phương có kế hoạch cụ thể đảm bảo giáo viên thực hiện chương trình. "Còn việc thực hiện như thế nào phải là từ địa phương", ông Thành cho hay.

Liên quan tới việc Chính phủ cho phép bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương nhưng vẫn không tuyển dụng đủ, ông Thành cho rằng vấn đề nằm ở nguồn tuyển của từng tỉnh thành. Có địa phương đủ nguồn dự tuyển, có địa phương không đủ nguồn dự tuyển.

Bổ sung thêm nhận định này của đại diện Bộ GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết, ngay cả các thành phố lớn như TPHCM cũng xảy ra tình trạng thiếu nguồn dự tuyển, trong đó thách thức lớn nằm ở các môn đặc thù như đã nêu ở trên.

"Có địa phương mỗi năm tổ chức tuyển dụng hai lần, mỗi kỳ thời gian tuyển dụng kéo dài một vài tháng để thu hút người nộp hồ sơ nhưng vẫn không đủ hồ sơ đáp ứng", bà Mai Hoa cho hay.

Một bất cập khác là có địa phương thừa sinh viên cao đẳng sư phạm ra trường nhưng không tuyển dụng được do vướng quy định của Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học trở lên, điển hình là Yên Bái. 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết Bộ GD&ĐT đã đề xuất với Chính phủ và nếu được Quốc hội đồng ý sẽ cho phép Yên Bái tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên dạy cấp tiểu học và THCS nhằm giải quyết vấn đề thiếu nhân lực.

Đồng thời địa phương phải tự sử dụng ngân sách để đào tạo giáo viên đến bậc đại học theo đúng quy định.

Với việc thiếu giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng cần cho phép sinh viên tốt nghiệp trường nghệ thuật bổ sung chứng chỉ sư phạm là đủ điều kiện dạy học để tăng nguồn dự tuyển cho các địa phương. 

Thiếu 118.000 giáo viên không phải do chương trình giáo dục phổ thông mới - 2

Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 của Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội (Ảnh: Hoàng Hồng).

"Câu chuyện thiếu giáo viên môn đặc thù chúng tôi quan tâm rất nhiều. Yêu cầu giáo viên phải có trình độ đại học theo đúng Luật Giáo dục là thách thức lớn về nguồn dự tuyển với các địa phương. Cần một lộ trình để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương ở nội dung này", bà Mai Hoa nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê về quy mô đào tạo trình độ đại học của Bộ GD&ĐT, năm học 2022-2023, khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên giảm sâu tới 41,04%. Năm học 2021-2022, khối ngành này có 151.504 sinh viên, nhưng tới năm 2022-2023, số sinh viên giảm gần một nửa, còn 89.321.

Trong khi đó, khối ngành nghệ thuật là một trong hai khối ngành có quy mô đào tạo thấp nhất. Năm học 2022-2023, khối ngành này chỉ có 24.347 sinh viên, kém khối ngành giáo dục gần 4 lần.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm