Đắk Nông:
Nhà ba con, chỉ một con được đi học do thiếu giáo viên
(Dân trí) - Nhà chị Vàng Thị Bào (xã Đắk R'Măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) có ba người con nhưng chỉ đứa con đầu 5 tuổi được đi học, còn hai em phải theo mẹ vào rừng để kiếm măng.
Nhà trường chỉ nhận học sinh 5 tuổi
Mặc dù đã bước vào năm học mới được hơn 1 tuần lễ, thế nhưng đứa con hơn 3 tuổi của chị Vàng Thị Bào (xã Đắk R'Măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) hàng ngày vẫn theo mẹ vào rừng để kiếm măng.
Đến tuổi học mầm non, nhưng vì trường Mẫu giáo Hoa Lan tại xã thiếu giáo viên nên chỉ đứa con đầu của chị Bào, năm nay 5 tuổi, được vào học.
"Trước hôm đi học, tôi có dẫn hai con lên nộp hồ sơ nhưng các cô chỉ nhận một cháu 5 tuổi vì không có giáo viên đứng lớp. Sang năm một đứa 4 tuổi, một đứa 3 tuổi sẽ theo bố mẹ lên rừng nếu nhà trường chỉ nhận học sinh 5 tuổi", chị Bào nói.
Năm học 2022-2023, trường Mẫu giáo Hoa Lan, xã Đắk R'măng có 290 học sinh được bố trí học ở 9 lớp. Thay vì phân bố đều học sinh ở các lứa tuổi thì trường bố trí 5 trên tổng số 9 lớp cho trẻ 5 tuổi. Trung bình mỗi lớp có 40-45 trẻ, vượt quy định cho phép. Quá nửa số trẻ 5 tuổi lần đầu được đi học do những năm trước thiếu giáo viên.
Cô H'Doen Srê Ú, phụ trách lớp lá, trường Mẫu giáo Hoa Lan chia sẻ: Lớp có 45 cháu thì có đến nửa lớp là lần đầu được đi học. Đối với các em này, gần như phải dạy từ đầu. Những tuần đầu tiên, giáo viên phải làm quen, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, chào hỏi.
Khó khăn nhất vẫn là giao tiếp vì trẻ ở nhà chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ (tiếng đồng bào Mông) nên khi đến lớp, giáo viên phải hướng dẫn các em tăng cường tiếng Việt.
Trong câu chuyện của trường, cô Thái Thị Hải, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Hoa Lan (xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cho biết nguyên nhân khiến trường chỉ tiếp nhận học sinh 5 tuổi vào học là do thiếu giáo viên.
Cô Hải cũng cho biết qua rà soát, hiện trên địa bàn có khoảng gần 200 trẻ 3-4 tuổi vẫn chưa được đến trường. Nếu tuyển hết các em ở hai độ tuổi này trường vẫn cân đối được phòng học, nhưng vì không bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp nên không thể nhận thêm.
"Hiện toàn trường có 15 giáo viên, trong đó ưu tiên các lớp 5 tuổi 2 giáo viên/lớp. Các lớp ở phân hiệu và với lớp 4 tuổi, hiện nhà trường đang bố trí 1 giáo viên/lớp. Hiện trường còn thiếu 5 giáo viên mới đáp ứng theo quy định" cô Hải chia sẻ.
Khắc phục kiểu "cầm cự"
Thiếu giáo viên cũng là nỗi trăn trở chung của các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn Tây Nguyên. Đối với Đắk Nông, địa phương chịu áp lực về gia tăng dân số tự nhiên và di dân tự do, nên việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm cho tất cả học sinh được đi học trở nên nan giải và kéo dài nhiều năm qua.
Theo ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông), qua mỗi năm học tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn huyện lại càng căng thẳng hơn. Hiện tại, địa phương vẫn chưa được bổ sung biên chế giáo viên theo nhu cầu nên vẫn phải "giật gấu vá vai" để xử lý trước mắt.
Năm học 2022-2023, toàn huyện có đến gần 1.500 trẻ từ 3 đến 4 tuổi chưa được đến trường. Nguyên nhân là liên tục những năm gần đây, số lượng học sinh tăng nhanh, kéo theo khó khăn về điều kiện trường lớp, nhất là tình trạng thiếu giáo viên.
Theo quy định và nhu cầu thực tế, hiện toàn huyện thiếu đến 204 giáo viên các cấp.
Năm 2022, dự kiến huyện Đắk Glong sẽ được UBND tỉnh Đắk Nông giao thêm 30 biên chế, nâng số tuyển dụng trong năm học 2022-2023 là 68 biên chế. UBND huyện tạm thời giao số lượng biên chế này về các trường để có thể chủ động hợp đồng giáo viên theo quy định.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, đối với bậc mầm non, huyện Đắk Glong ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi; bậc phổ thông, các trường bố trí giáo viên kiêm phụ trách bộ môn từ 2-3 trường trong cùng khu vực.
"Việc tìm giáo viên hợp đồng và tuyển được giáo viên đủ điều kiện cũng rất khó khăn. Số lượng giáo viên các cấp thực tế còn thiếu khá nhiều nên việc triển khai dạy kê, dạy gác là khó tránh khỏi. Trong khi đó, năm học 2021-2022, toàn huyện vẫn còn nợ 8 tỷ đồng kinh phí dạy kê, dạy gác chưa chi trả cho giáo viên", ông Phương thông tin thêm.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai công tác giáo dục của tỉnh Đắk Nông, rất nhiều địa phương đã có ý kiến để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, bởi thực tế tỉnh này thiếu đến khoảng 1.000 giáo viên các cấp.
Giải đáp ý kiến từ cơ sở, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, cho biết đối với tỉnh Đắk Nông, tình trạng thiếu giáo viên, thiếu máy tính đã diễn ra nhiều năm nay, để giải quyết tình trạng này, ngành đã tham mưu, đề xuất việc luân chuyển, điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông thông tin thêm, vấn đề biên chế giáo viên là vấn đề quan tâm chung của các địa phương trong cả nước.
"Từ 2015, chúng ta thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế nên việc giảm 10% biên chế sự nghiệp là chủ trương chung. Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện nay, 3 năm nay ngành nội vụ đã kiến nghị UBND tỉnh không cắt giảm biên chế sự nghiệp ngành GD-ĐT, đồng thời ưu tiên xét tuyển biên chế cho một số địa phương thiếu nhiều giáo viên", bà Hương nói.