Thanh Hóa:

Thiệt thòi học sinh điểm lẻ vùng cao trước thềm năm học mới

(Dân trí) - Năm học mới đã bắt đầu, nhưng thầy trò tại nhiều địa phương trên địa bàn miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa vẫn đang phải dạy và học trong những điểm trường thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng lớp học xuống cấp. Bên cạnh đó, nhiều học sinh phải học lớp ghép, phòng học tạm bợ, tranh tre nứa lá.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bước vào năm học mới 2017 - 2018. Không như các địa bàn miền xuôi, đối với giáo dục miền núi, vẫn còn đó nhiều nỗi lo, trăn trở trước thềm năm học mới.


Thiệt thòi học sinh điểm lẻ vùng cao trước thềm năm học mới - 1

Điểm khu Lót, thuộc trường THCS Tam Văn, huyện Lang Chánh được làm bằng gỗ, lợp lá cọ hiện đang xuống cấp

Trong đó, khó khăn nhất với các trường học ở khu vực miền núi là cơ sở vật chất, giao thông đi lại thì gặp muôn vàn khó khăn. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của các nhà trường cũng như học sinh tại các địa bàn này.

Lang Chánh là một trong những huyện miền núi, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 100km, nơi đây còn có hàng chục điểm trường lẻ. Trong đó, để đến được điểm lẻ khu Phá của Trường Tiểu học Tam Văn (xã Tam Văn, huyện Lang Chánh), phải đi bộ qua sông, vượt dốc cao.

Điểm lẻ khu Phá hiện có 5 lớp học với 37 học sinh, nhưng chỉ có 3 phòng học cấp 4 đã xuống cấp, còn 2 phòng học bằng gỗ lợp lá cọ. Tại xã Tam Văn, ngoài điểm lẻ khu Phá còn có điểm lẻ khu Lót nằm cách trung tâm xã 6 km, cũng phải qua sông, qua suối. Những lớp học tại đây được làm bằng gỗ, lợp lá cọ nhưng cũng đã xuống cấp.


Hầu hết các điểm trường lẻ còn rất đơn sơ.

Hầu hết các điểm trường lẻ còn rất đơn sơ.

Không chỉ có điểm lẻ khu Phá, khu Lót, trên địa bàn huyện Lang Chánh còn hàng chục điểm trường lẻ đang gặp muôn vàn khó khăn về cơ sở, vật chất. Nhiều điểm trường tuy có lớp học nhưng đó chỉ là những phòng học tạm bợ, xuống cấp, mùa mưa thì dột, mùa đông thì lạnh thấu xương...

Tại trường mầm non xã Giao Thiện là một trường thuộc xã vùng sâu, vùng xa, nằm cách trung tâm huyện Lang Chánh khoảng 20km, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, địa hình bị chia cắt nhiều. Trường có 4 điểm lẻ nằm ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Trong đó phải kể đến điểm lẻ khu Khụ, cách khu chính 5 km, là nơi học tập của 142 cháu, nhưng mới chỉ có 3 phòng học, còn thiếu 5 phòng nên các cháu phải học tạm ngoài hiên và học lớp ghép.


Các cháu học sinh ở điểm trường lẻ phải học tập trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Các cháu học sinh ở điểm trường lẻ phải học tập trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Khó khăn về cơ sở vật chất đã đành, giao thông đi lại của các em học sinh ở nhiều địa phương miền núi Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn. Có những nơi, học sinh phải đi bộ qua sông, qua suối rất vất vả. Bên cạnh đó, đời sống của người dân ở những khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, chưa có điều kiện quan tâm đến việc học của con em.

Ông Lê Minh Thư - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh chia sẻ, toàn huyện có 54 điểm trường lẻ với 12 phòng học tạm và còn thiếu 117 phòng học. Đối với bậc học Mầm non cơ sở vật chất mới chỉ đáp ứng được hơn 50%, các công trình còn thiếu như khối phòng học, khối phòng hành chính quản trị, nhà bếp, nhà vệ sinh...

Ngoài ra, một số trường Mầm non phải cho trẻ học trong các phòng tạm, phòng tranh tre. Thiết bị dạy học, đồ dùng học sinh, đồ chơi trẻ em hiện nay mới đáp ứng được hơn 50% nhu cầu. Trong năm học mới, các địa phương và nhà trường đã có kế hoạch tu bổ cơ sở vật chất cho các điểm lẻ.

Nhiều điểm trường không có sân chơi cho các cháu học sinh
Nhiều điểm trường không có sân chơi cho các cháu học sinh
Lớp học tạm bợ, trời mưa thì dột, mùa đông thì lạnh thấu xương
Lớp học tạm bợ, trời mưa thì dột, mùa đông thì lạnh thấu xương

Không chỉ tại Lang Chánh mà nhiều huyện vùng núi cao của tỉnh Thanh Hóa, các điểm lẻ như là một khó khăn đặc trưng mà ngành giáo dục đang gặp phải. Tại khu Xa Mang, thuộc trường Mầm non Sơn Điện 1, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn có hai lớp học với 23 học sinh, lớp học được người dân trong bản làm bằng tre, gỗ mái lợp ngói proxi măng, hàng rào là những thanh tre... Đặc biệt, tại điểm lẻ này hiện nay vẫn chưa có điện thắp sáng phục vụ cho việc học của học sinh.

Tại huyện Quan Hóa hiện có 92 điểm trường lẻ ở cấp học Mầm non và Tiểu học. Cơ sở vật chất thiếu thốn nên vẫn còn 41 lớp Tiểu học phải học ghép. Bên cạnh đó, nhiều phòng học tranh tre, nứa lá, phòng học tạm và xuống cấp.

Còn theo thống kê của ngành giáo dục Mường Lát, trên địa bàn huyện có 53 điểm lẻ của các trường Tiểu học và 58 điểm lẻ của các trường Mầm non. Theo ông Mai Xuân Giang - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, trước thềm năm học mới, về cơ bản các trường THCS trên địa bàn đã có phòng học kiên cố và phòng học cấp 4. Hiện nay, huyện đang triển khai xây dựng hơn 60 phòng học Mầm non.

Đồ dùng học tập với học sinh vùng cao còn thiếu thốn trầm trọng
Đồ dùng học tập với học sinh vùng cao còn thiếu thốn trầm trọng

Ông Giang cho biết, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phòng học, ngành giáo dục Mường Lát vẫn phải bố trí cho học sinh học ở những phòng làm tạm, tận dụng lại các phòng học cũ.

Lớp học tạm bợ, còn đồ chơi, đồ dùng học tập cũng chỉ là những thân tre, tấm ván gỗ trên rừng được người dân tận dụng chế tạo để phục vụ học tập cho các cháu học sinh. Trong khi, hầu hết các điểm lẻ nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở, việc xây dựng cơ sở vật chất phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của các cấp chính quyền và toàn xã hội...

Duy Tuyên