Thiên tài Albert Einstein có thực sự học dốt toán?

(Dân trí) - Có những nhận định đưa ra về việc Thiên tài Albert Einstein từng là một đứa trẻ lười biếng và học dốt môn toán – khá mâu thuẫn với những phát hiện đã từng làm thay đổi thế giới của ông. Vậy nhận định này có đúng hay không?


Thiên tài Albert Einstein

Thiên tài Albert Einstein

Tin tức phổ biến gần đây trong thế giới khoa học: Các nhà khoa học vừa công bố rằng họ đã phát hiện ra sóng hấp dẫn – một phỏng đoán cách đây gần 100 năm trong Thuyết tương đối của Einstein. Điều này một lần nữa khẳng định tài năng của nhà vật lý thiên tài Einstein trong nỗ lực thay đổi cách con người nhìn nhận về thế giới.

Tóm tắt về câu chuyện cuộc đời của Albert Einstein: Ông sinh ra ở Đức vào năm 1879. Ngày 30 tháng 4 năm 1905, Einstein hoàn thành luận án tiến sỹ tại Đại học Zurich và ông công bố bốn bài báo đột phá, về hiệu ứng quang điện, về chuyển động Brown, thuyết tương đối hẹp, và sự tương đương khối lượng và năng lượng, khiến ông được chú ý trên toàn thế giới.

Ông di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1933 và dành phần còn lại của sự nghiệp của mình tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton tại Princeton, New Jersey và hoạt động trong khoa học cũng như các vấn đề chính trị và xã hội cho đến khi ông qua đời vào năm 1955.

Có những nhận định đưa ra về việc ông từng là một đứa trẻ lười biếng và học dốt môn toán – khá mâu thuẫn với những phát hiện đã từng làm thay đổi thế giới của ông. Vậy nhận định này có đúng hay không?

Einstein biết nói rất muộn? Ông nói với người viết tiểu sử Carl Seelig rằng cha mẹ ông đã rất lo lắng vì ông bắt đầu biết nói tương đối muộn và họ đã đến gặp bác sĩ về vấn đề này. Tuy nhiên, sau đó ông bà đã viết một lá thư cho các thành viên khác trong gia đình khi Einstein được 2 tuổi và nhắc đến vấn đề này như một hiện tượng thú vị.

Có phải Einstein là một học sinh học kém? Ông bắt đầu đi học lúc hơn 6 tuổi. Theo ghi chép trong cuốn tiểu sử Archives Albert Einstein, dù đạt được điểm số rất cao nhưng những giáo viên tại trường chưa hề nhận ra điều gì đặc biệt ở cậu bé này.

Cậu bé Einstein thể hiện mình rất ghét những quy tắc nghiêm ngặt tại trường và cách học vẹt của học sinh thời bấy giờ. Einstein chỉ hứng thú với một số môn học cụ thể, nhưng vẫn duy trì thành tích tốt ở các môn khác trong quá trình theo học trường Luitpold Gymnasium.

Đến năm 11 tuổi, Einstein đã đọc cuốn sách vật lý bậc đại học, và 13 tuổi, ông quyết định rằng Kant là tác giả yêu thích của mình ngay sau khi đọc cuốn "Phê phán lý tính thuần tuý" - “Critique of Pure Reason”. Thiên tài Einstein đã bộc lộ sự thông minh của mình ngay từ thời điểm này.

Einstein đã thi trượt môn toán? Ông học toán rất tốt, nhưng lại thi trượt kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Bách khoa Zurich lần thứ nhất - khi ấy ông khoảng 16 tuổi và tốt nghiệp trung học hơn 1 năm. Nguyên nhân là do ngôn ngữ trong bài thi được viết bằng tiếng Pháp. Mặc dù ông học tốt toán, nhưng lại gặp khó khăn trong vấn đề liên quan đến ngôn ngữ và động vật học. Theo bài viết tại tờ New York Times năm 1984, bài tiểu luận của Einstein đầy lỗi chính tả nhưng lại thể hiện rất rõ niềm yêu thích của ông với môn học. Ông viết: "Tôi thấy bản thân mình sẽ trở thành một giáo viên thuộc ngành khoa học tự nhiên, làm việc và nghiên cứu các lý thuyết về khoa học.”

Einstein bị chứng rối loạn học tập? Einstein thường được cho là đã được mắc chứng khó đọc. Thật khó để khẳng định điều này sau khi ông mất, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy điều này. Một số thông tin cho thấy ông còn mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý - vì Einstein rất hay mơ mộng khi học và nổi tiếng hay quên.

Ngoài ra, Einstein còn mắc hội chứng Asperger, hay chứng rối loạn tự kỉ, biểu hiện ở việc thiếu hụt khả năng giao tiếp xã hội. Năm 2003, đài BBC đưa tin về các nhà nghiên cứu tại trường đại học Cambridge và Oxford cho thấy Einstein (và Isaac Newton) có nhiều dấu hiệu mắc chứng Asperger khi còn nhỏ - do ông từng là đứa trẻ khá cô lập và thường xuyên lặp đi lặp lại một câu nói.

Dù sao đi nữa, không thể phủ nhận sự thật Albert Einstein là nhà khoa học thiên tài và một trong những người thành công nhất trong lịch sử ngành khoa học.

Thùy Linh (theo Washingtonpost)