Thi vào lớp 10: Những điều quan trọng cần lưu ý trong bài thi tiếng Anh

PV

(Dân trí) - Để giúp thí sinh làm bài tốt môn thi tiếng Anh vào lớp 10, cô giáo Nguyễn Huyền My, giáo viên giỏi TP.Hà Nội hiện đang dạy tại Trường THCS Láng Hạ Đống Đa đã có những lưu ý với các em học sinh.

Thi vào lớp 10: Những điều quan trọng cần lưu ý trong bài thi tiếng Anh - 1

Giờ dạy Tiếng Anh của cô giáo Nguyễn Huyền My - THCS Láng Hạ, Đống Đa.

Thứ nhất là hình thức đề thi: Đề thi gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm thời gian làm bài 60 phút. Các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm từ 7 điểm đến 8,5 điểm, cụ thể gồm:

- 2 câu phát âm

- 2 câu trọng âm

- 2 câu tìm từ trái nghĩa

- 2 câu tìm từ đồng nghĩa

- 2 câu giao tiếp

- 4 câu tìm lỗi sai

- 10 câu chọn từ/ cụm từ thích hợp

- 4-5 câu đọc hiểu chọn câu trả lời đúng

- 5-6 câu đọc hiểu điền từ vào chỗ trống.

- 5-6 câu chọn câu gần nghĩa nhất/ dùng từ gợi ý viết thành câu.

Để làm tốt được đề thi, học sinh cần chú ý ôn tập:

 Về từ vựng: Từ vựng trong đề thi bám sát theo chương trình SGK trải dài từ lớp 6 đến lớp 9. Các em học sinh nên tránh tâm lý sợ hãi khi quên từ, gặp từ mới, từ lạ mà nên xác định học ngoại ngữ thì gặp từ mình chưa biết là chuyện bình thường. Hãy vận dụng kĩ năng đoán nghĩa của từ dựa vào văn cảnh, ngữ cảnh để tiếp tục làm bài. Nếu chưa nghĩ ra hãy ghi nhanh ra nháp để quay lại làm sau, tránh mất thời gian quá nhiều vào một câu mà làm ảnh hưởng đến thời gian làm các câu còn lại.

Về ngữ pháp: Học sinh ôn kĩ phần thì của động từ, sự kết hợp thì, câu bị động, câu điều kiện, câu tường thuật, câu so sánh, câu hỏi đuôi, câu ước... Các em có thể làm bài tập theo từng chuyên đề để kiểm tra xem phần nào mình nắm chưa vững, còn gặp khó khăn để chú ý kĩ hơn khi làm đề.

Về ngữ âm, trọng âm: Phần này trong đề thi thường theo sát các quy tắc đã được dạy trong phần A closer look 1 trong SGK, hiếm khi rơi vào các trường hợp đặc biệt. Các em chú ý kĩ cách phát âm đuôi s/es, đuôi ed, trọng âm của từ có 2 âm tiết, 3 âm tiết.

Về dạng bài đọc hiểu:

- Với bài đọc hiểu chọn câu trả lời đúng, các em đọc câu hỏi trước để xác định từ khóa rồi quay lại bài đọc và vận dụng kĩ thuật đọc lấy ý chính và đọc tìm thông tin cụ thể để xác định câu nào trong phần đáp án là câu trả lời đúng.

- Với bài đọc hiểu điền từ vào chỗ trống, học sinh cần đọc kĩ bài đọc, chú ý đến vị trí của từ cần điền trong câu xem vai trò của từ này là gì, thì của câu có chỗ trống như thế nào, những từ xung quanh thuộc loại từ gì để lựa chọn được đáp án chính xác nhất.

Về dạng bài Chọn câu gần nghĩa nhất/ dùng từ gợi ý viết thành câu: Học sinh cần bình tĩnh đọc kĩ câu để phân tích, tránh mắc các lỗi sai như: ngữ cảnh của câu và thì của động từ không phù hợp, cần chú ý đến các từ chỉ thời gian hoặc các từ là dấu hiện nhận biết của các thì đã học; sử dụng liên từ sai gây nhiễu đáp án; đáp án sai và đáp án đúng chỉ sai khác một chữ cái. Như vậy, để làm tốt dạng bài này thì các em cần hết sức cẩn thận.

Ở thời điểm này, các em cố gắng mỗi ngày luyện ít nhất một đề làm trên mẫu phiếu trả lời trắc nghiệm có căn thời gian chuẩn 60 phút như ở trong phòng thi để quen với áp lực thời gian, dạng đề và rèn kĩ năng làm bài. Sau khi làm đề tự luyện nên kiểm tra kĩ đáp án, so sánh các lần làm đề với nhau xem phần nào trong đề thường xuyên bị sai, lí do sai là vì đâu để có phương án tự khắc phục hoặc nhờ hỗ trợ từ các thầy cô giáo.

Những điều cần chú ý khi làm bài thi.

- Khi nhận đề thi và phiếu trả lời trắc nghiệm, các em nên xem kĩ đề và phiếu trả lời để chắc chắn đề và phiếu không nhàu nát, in mờ hay có những lỗi in ấn gây ảnh hưởng đến việc làm bài thi. Đặc biệt cẩn thận khi điền thông tin vào phiếu trả lời trắc nghiệm để đỡ mất thời gian thay phiếu khi điền sai. Nhiều bạn vì hồi hộp mà tô sai mã đề thi, tô sai số báo danh dẫn tới những kết quả đáng tiếc về điểm số.

- Ưu tiên sử dụng bút chì 2B để tô đáp án. Khi tô, các em phải tô kín ô tròn, tránh tô hở, tô mờ, tô nhiều hơn một đáp án và tẩy xóa lem nhem dẫn tới mất điểm do máy chấm thi không nhận dạng được đáp án. Các em nên chuẩn bị trước bút chì và tẩy có chất lượng tốt và thử tô và tẩy trước ở nhà để đảm bảo chất lượng dụng cụ thi.

- Các em đọc lướt toàn bộ đề thi, xác định các dạng bài trong đề, độ dài ngắn của đề thi để phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Ở những bài học sinh thường hay mắc lỗi về đọc nhầm yêu cầu đề bài dẫn đến làm sai như dạng bài tìm từ đồng nghĩa/ trái nghĩa thì các em có thể gạch chân, chú thích trực tiếp lên đề thi bằng tiếng việt (vì đề thi các em sẽ được cầm về sau khi thi xong) và ưu tiên làm trước lúc đang tập trung để chọn được đáp án đúng.

- Học sinh có thể bắt đầu làm bài từ những dạng bài là thế mạnh hoặc những câu cơ bản dễ lấy điểm để tận dụng thời gian. Câu nào còn phân vân, băn khoăn thì ghi số câu ra nháp để làm sau. Không nên dừng lại quá lâu ở một dạng bài, một câu khó mà làm ảnh hưởng đến các câu còn lại.

- Trong quá trình làm bài, các em phải khớp số câu trên đề thi và số câu trong phiếu trả lời trắc nghiệm tránh để tình trạng tô lệch câu, tô nhầm đáp án. Các em nên tô hết tất cả các câu để có cơ hội ghi điểm, không nên bỏ trống câu nào.

- Đa số học sinh ít bị thiếu thời gian khi làm bài thi môn Tiếng Anh. Các em hãy dành 5 - 10' cuối giờ để rà soát lại tất cả các thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm, kiểm tra đáp án tô trong phiếu phải khớp với đáp án em chọn trong đề, câu nào tô còn mờ thì tô lại cho rõ ràng, không câu nào bị bỏ quên và không tô quá một đáp án cho mỗi câu.

Cô chúc các em tự tin, bình tĩnh để làm bài thật tốt trong kì thi sắp tới!