Thi vào lớp 10: Cô giáo Hà Nội chia sẻ "bí quyết" đạt điểm cao môn Toán
(Dân trí) - Nhằm giúp các em học sinh thi vào lớp 10 đạt điểm cao môn Toán, cô giáo Nguyễn Thị Thu Ngân, Trường THCS Láng Hạ Đống Đa chia sẻ "bí quyết" làm tốt bài thi môn học này.
Chú ý bài toán hình mang yếu tố thực tế
Trong 2 năm gần đây, cấu trúc đề thi vào 10 của thành phố Hà Nội đã có sự thay đổi khi có thêm bài toán hình học mang yếu tố thực tế (thể tích bồn nước, diện tích bề mặt quả bóng bàn,…); bài toán liên môn (phần trăm, nồng độ, tiền gửi tiết kiệm, …), đồng thời bài hình còn 3 ý thay bởi 4 ý như trước kia. Các câu phân hóa nằm ở các câu: I.3, III.2b, IV.3, V.
Để vượt qua các câu phân hóa trên, các em học sinh cần ôn luyện kỹ các dạng toán liên quan tới: Giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, giá trị nguyên, tự nhiên, số nguyên tố, điều kiện phương trình có nghiệm, …ở ý 3 câu I.
Ngoài ra còn cần nắm chắc hệ thức Viet, vận dụng hệ thức vào giải phương trình, bất phương trình, điều kiện nghiệm của phương trình tương giao giữa Parabol và đường thẳng là nội dung của ý 2 bài III.
Với bài IV hình, ý thứ nhất thường yêu cầu chứng minh tứ giác nội tiếp, các điểm cùng nằm trên một đường tròn. Ý 2 liên quan tới hệ thức lượng trong tam giác vuông hoặc khai thác hai tam giác đồng dạng. Ý 3 sẽ gồm có 2 ý mang tính phân loại, trong đó phần hỏi đầu sẽ là gợi ý cho phần câu hỏi sau đó.
Ngoài ra, các em cần chú ý khi vẽ hình, cần rõ ràng, chính xác riêng đường tròn sẽ vẽ bằng bút chì còn tên điểm, vẽ đoạn thẳng, đường thẳng sẽ dùng bút bi. Khi vẽ hình cần đọc kĩ đề và cẩn thận tránh vẽ sai hình ảnh hưởng đến phần bài làm. Bởi khi các em vẽ sai hình thì phần bài làm bên dưới sẽ không được công nhận.
Bài V là bài cuối trong đề thi thường đòi hỏi sự phán đoán và tư duy của các em về mảng bất đẳng thức, phương trình vô tỉ, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất. Nhưng suy cho cùng kiến thức cốt lõi của bài này vẫn là các hằng đẳng thức, định lý mở rộng được để cập trong sách giáo khoa của các em.
Dành 2- 4 phút đầu tiên để đọc đề
Khi làm bài thi các em nên dùng 2-4 phút đầu tiên để đọc qua đề và xác định chia các câu hỏi thành 3 mức độ: Câu làm được ngay, hãy coi đây là phần khởi động của các em nhé! (những câu có thể làm ngay vào bài thi mà không cần nháp hoặc chỉ nháp qua để tiết kiệm thời gian); phần tăng tốc sẽ thuộc về những câu có mức độ trung bình cần suy nghĩ, cần làm nháp.
Các em không nên quá vội vàng ở những câu này mà cần sự chắc chắn và cẩn thận; hãy cố gắng vượt chướng ngại vật với câu khó cần nhiều thời gian suy nghĩ vì có thể các em chưa có ngay phương pháp giải quyết. Ưu tiên trình bày, tính toán cẩn thận, lập luận rõ ràng.
Hãy làm các câu mang tính cơ bản và ăn chắc điểm trước, tránh sa đà dồn quá nhiều thời gian cho những câu phân loại của những bài bên trên sau đó không còn đủ thời gian làm các bài còn lại sẽ dẫn đến ảnh hưởng không tốt tới tâm lý. Kể cả với bài hình khi ý trên chưa chứng minh được ta vẫn có thể công nhận kết quả để làm ý dưới. Hãy sắp xếp thời gian để cuối giờ các em sẽ có khoảng thời gian soát lại bài là chúng ta có thể về đích.
Phân bổ thời gian làm bài thi
Và thêm một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa đó là sự phân bổ thời gian làm bài thi của các em. Hãy mang đồng hồ đi thi và làm quen với tốc độ làm bài ngay từ khi các em làm đề thi thử trong quá trình học ở trường và tự học tại nhà. Tạo thói quen đặt ra định mức thời gian cho mỗi một bài toán, hãy tận dụng đến phút thứ 120, không nên ra khỏi phòng thi sớm khi chưa hết giờ làm bài.
Ví dụ khi tự luyện đề ở nhà: Trong 60 phút đầu em hãy cố gắng hoàn thành đến điểm 7.5 gồm: Bài I (ý 1, 2), Bài II, Bài III (ý 1, 2a), Bài IV (ý 1,2). Trong 30 phút tiếp theo để hoàn thành Bài I (ý 3) và Bài III (ý 2b).
Trong 30 phút này chưa hoàn thành được hết các em có thể gác lại Bài IV (ý 3) và Bài V. Nếu trong 120 phút các em chưa làm xong thì hãy đánh dấu lại những ý chưa làm được hoặc bị làm sai để xem xét lại vở ghi nội dung liên quan tới kiến thức đó mà thầy cô đã dạy hoặc trao đổi với bạn bè, thầy cô để thêm một lần học lại và ghi nhớ.
Không ôn tập phần kiến thức đã được giảm tải
Đặc biệt các em học sinh cần lưu ý: Kiến thức được vận dụng để giải đề thi chủ yếu nằm trong chương trình học lớp 9. Đặc biệt năm học vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 khiến việc học của các em học sinh bị ảnh hưởng ít nhiều, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH điều chỉnh nội dung dạy học có giảm tải và lược bớt một số phần kiến thức không nhỏ so với những năm học trước. Vì vậy những phần kiến thức này sẽ không xuất hiện trong đề thi năm nay. Nên các em không cần ôn tập quá kĩ những phần kiến thức này.
Mong rằng những kinh nghiệm của tôi nêu trên sẽ phần nào hỗ trợ, giúp ích mang lại hiệu quả tích cực cho việc ôn thi vào 10. Để các em thêm tự tin và có một kết quả thi môn Toán thật tốt. Chúc các em đạt được mục tiêu của mình!.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Ngân, Trường THCS Láng Hạ Đống Đa