Thi tốt nghiệp THPT sớm hơn: "Cần hướng dẫn để học sinh thích ứng"
(Dân trí) - "Cần truyền thông đầy đủ về lý do thay đổi, hướng dẫn các bên liên quan như phụ huynh, học sinh và giáo viên để thích ứng với lịch trình thay đổi", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Ngày 1/3, theo thông báo chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, lịch thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 27-30/6/2023.
Cụ thể, thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi vào ngày 27/6. Ngày 28, 29/6 thí sinh làm bài thi tốt nghiệp. Ngày 30/6 là thời gian dự phòng cho kỳ thi.
Như vậy, lịch thi tốt nghiệp năm nay sớm hơn năm ngoái gần 2 tuần.
Cảm thấy bất ngờ, lo lắng
Em Nguyễn Thị Phương Lan - học sinh lớp 12A4, Trường THPT Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội) cảm thấy khá lo lắng khi lịch thi tốt nghiệp năm nay sớm hơn năm ngoái gần 2 tuần.
Đối với các sĩ tử, thời gian gần 2 tuần rất quan trọng, quý giá. Với thời gian đó, đủ để các em học sinh ôn luyện thêm, chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp.
"Sau khi có lịch thi chính thức, em cảm thấy khá bất ngờ vì thời gian sớm hơn năm ngoái. Lịch thi sớm như vậy khiến em cảm thấy lo lắng, không biết có đủ thời gian để ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi thật tốt và đạt được số điểm mong muốn không", Phương Lan bày tỏ.
Tuy nhiên, Phương Lan cho rằng nếu có một lộ trình ôn tập rõ ràng cùng với sự chăm chỉ, cần cù thì em vẫn có thể làm bài thi một cách tốt nhất.
Không phải vấn đề đáng lo ngại vì đã có sự chuẩn bị trước
Trao đổi với PV Dân trí, cô Vũ Thị Thơm - giáo viên trường THPT Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội) nhận định lịch thi năm nay sớm hơn năm ngoái. Tuy nhiên, đây không là vấn đề đáng lo ngại bởi cô đã có sự chuẩn bị trước.
Cô cho biết, cô đã lên kế hoạch cụ thể, chuẩn bị một lộ trình ôn thi phù hợp nên khi biết lịch thi sớm hơn cũng không rơi vào trạng thái "đứng ngồi không yên".
"Nhà trường cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy cũng như lộ trình ôn thi cho các em học sinh. Học đến đâu sẽ bám sát vào nội dung ôn tập và cấu trúc đề thi đến đó, đảm bảo kịp tiến độ chương trình, trang bị đầy đủ kiến thức để các em chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp", cô trao đổi.
Nhưng lịch thi sớm như vậy sẽ phần nào tác động đến học sinh. Đối với các bạn học sinh có học lực tốt, thời gian thi sớm hơn sẽ không ảnh hưởng đến quá trình ôn luyện. Nhưng đối với các em học sinh tiếp thu chậm, gặp khó khăn trong quá trình ôn luyện thì cần phải cố gắng nhiều hơn.
Về phía gia đình học sinh, cô trấn an phụ huynh không cần quá lo lắng hay ép con học quá nhiều bởi sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của các con. Thời điểm này, điều quan trọng là động viên, khích lệ và đồng hành để các em có tâm thế vững vàng trong giai đoạn ôn thi tốt nghiệp.
Cùng lớp với Phương Lan, em Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ cũng cảm thấy lo lắng, bất ngờ vì lịch thi sớm hơn dự đoán nhưng không ảnh hưởng nhiều đến quá trình ôn tập vì đã có sự chuẩn bị.
Ngọc Bích chia sẻ "Tuy cảm thấy bất ngờ, lo lắng nhưng lịch thi sớm hơn không gây ảnh hưởng nhiều đến quá trình ôn tập. Bởi lúc đầu, em xác định thi khối D01 nên em đã có sự chuẩn bị và rèn luyện nhiều nên không đến mức phải chạy đua với thời gian".
Cùng ý kiến với Ngọc Bích, em Lê Xuân Bắc - học sinh lớp 12A6, Trường THPT B Phủ Lý (Hà Nam), cũng cho rằng lịch thi phù hợp và không cảm thấy áp lực bởi em đã có sự chuẩn bị trước.
Xuân Bắc chia sẻ: "Tuy có phần lo lắng nhưng em đã chuẩn bị tâm lý vững vàng, lộ trình học tập cụ thế nên đã sẵn sàng bước vào giai đoạn ôn thi, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp".
Cô Ngô Thị Thơm - giáo viên trường THPT B Phủ Lý (Hà Nam) nhận định lịch thi năm nay là tương đối phù hợp, không gây ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy cũng như ôn tập của học sinh. Ngược lại, điều này còn giúp các em học sinh bớt lo lắng.
Cô trao đổi: "Về phía nhà trường, trước thời gian thi sớm hơn thì nhà trường đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy cũng như thời gian ôn tập.
Về phía học sinh, khi biết lịch thi sớm hơn năm ngoái, các em đã chuẩn bị được tâm lý, bớt lo lắng và càng có động lực, quyết tâm cao hơn trong việc ôn thi giúp các em sau khi thi sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về ngành nghề, các trường đại học".
Cần hướng dẫn để giáo viên, học sinh thích ứng
Ở một góc nhìn khác, trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng lịch thi năm nay sẽ không gây ảnh hưởng nhiều.
Thầy Nam cho biết, việc đẩy lịch thi THPT quốc gia sớm hơn 1-2 tuần và có sự thông báo trước 3 tháng cho giáo viên và học sinh thì về cơ bản sẽ không gây ra những xáo trộn.
PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ quan điểm: "Cá nhân tôi nghĩ, một số lý do để cân nhắc chuyển lịch thi tốt nghiệp THPT năm nay sớm hơn để giúp cho học sinh và các cơ sở giáo dục đại học có thêm thời gian chuẩn bị kỹ càng cho kỳ thi tuyển sinh đại học.
Đồng thời, học sinh có thêm thời gian cân nhắc, lựa chọn ngành, tìm hiểu về các chương trình đào tạo và xử lý các sai sót trong quá trình đăng ký nguyện vọng".
Bởi vậy, thầy cho rằng, ngành giáo dục cũng nên cân nhắc, nghiên cứu để đưa ra quyết định về thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp năm nay sớm hơn. Điều này sẽ giúp phụ huynh, học sinh và giáo viên bớt lo lắng, an tâm phần nào.
Tuy nhiên, việc thay đổi lịch thi sớm hơn năm ngoái cũng phần nào tác động, ảnh hưởng đến giáo viên và học sinh.
Cụ thể, PGS.TS Thành Nam phân tích: "Đối với những học sinh đang có những khó khăn trong học tập, đang thiếu định hướng ngành nghề có thể sẽ cảm thấy lo lắng khi thời gian kỳ thi được thông báo sẽ tổ chức sớm hơn dẫu chỉ 1-2 tuần.
Việc thông tin về lịch thi sớm hơn cũng có thể khiến giáo viên bị động, sẽ phải vội vàng đẩy nhanh chương trình để kịp có các kế hoạch ôn thi, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung.
Các gia đình nếu cứ căn cứ vào lịch thi của các năm trước có thể cũng sẽ cảm thấy bị động. Và sự lo lắng của họ có thể phóng chiếu lên những đứa trẻ".
Thầy cho biết thêm, trước khi đưa ra những quyết định hành chính ảnh hưởng đến số đông, những người có chính sách cần đánh giá và dự báo trước các tác động có thể xảy ra.
Qua đó, cần truyền thông đầy đủ về lý do thay đổi, hướng dẫn các bên liên quan như phụ huynh, học sinh và giáo viên, để thích ứng với lịch trình thay đổi. Đồng thời, cung cấp thêm các giải pháp hỗ trợ cho những học sinh đang ở phía sau để có sự chuẩn bị tốt nhất.