Thi tốt nghiệp THPT: Chỉ nên gói gọn trong 1 ngày

(Dân trí) - Góp ý về thi tốt nghiệp THPT hiện nay, ông Phan Đăng Hùng - Trưởng Ban Phong trào Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất: “Kỳ thi nên tổ chức gọn nhẹ trong 1 ngày hoặc là 3 buổi. Thi tại trường học hoặc cụm trường (huyện, quận) do Sở GD-ĐT tổ chức thi”.

ảnh
Ông Phan Đăng Hùng (ảnh) cho rằng, cần thay đổi căn bản cách “Công nhận tốt nghiệp THPT” bằng một kỳ thi văn hoá như hiện nay. Sau 12 năm học, học sinh đã ở tuổi 17 - 18 - độ tuổi đã “đủ lông, đủ cánh” để vào đời, các em cần một chứng chỉ vào đời: công bằng, khoa học, hợp pháp lý. Cách tổ chức 1 kỳ thi mấy môn văn hóa để đánh giá toàn diện một công dân như hiện nay là lệch lạc, thiếu khoa học và dẫn đến nhiều hệ luỵ mà ta đã thấy. Vì vậy, tôi đề nghị việc công nhận tốt nghiệp THPT đối với học sinh lớp 12 cần thay bằng một quy định khác” - ông Hùng kiến nghị.

Cụ thể, ông Hùng hiến kế quy định mới là:

Thứ nhất,  Bộ GD-ĐT cấp cho những học sinh đã học hết bậc học phổ thông lớp 12 (theo quy chế giáo dục) một giấy chứng nhận với nội dung:  đã hoàn thành bậc học phổ thông 12 năm.

Thứ hai, Giấy chứng nhận này do Hội đồng giáo dục Trường THPT học sinh học xét công nhận và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ký theo mẫu chung toàn quốc.

Thứ ba, Giấy chứng nhận này có giá trị pháp lý: Nhà nước và xã hội công nhận học sinh đã hoàn thành bậc học phổ thông; Giấy có giá trị pháp lý để học sinh vào đời và được tham dự các trường dạy nghề (sơ cấp, trung cấp); là căn cứ để đăng ký tham gia kỳ thi kiểm tra văn hoá để học lên cao đẳng, đại học nếu có nhu cầu.

Thi tốt nghiệp nên gói gọn trong 1 ngày

Ông Phan Đăng Hùng cho rằng, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng cần thay đổi mục đích vì đây là kỳ thi kiểm tra một số môn văn hóa cần thiết để giúp các trường cao đẳng, đại học có cơ sở ban đầu cho việc tuyển sinh vào các trường cao đẳng - đại học (vì ta bỏ kỳ thi "3 chung" vào Đại học - PV). Chứ không phải kỳ thi để “công nhận tốt nghiệp phổ thông” như trước đây.

Bên cạnh đó, thi tốt nghiệp vì chỉ là “kiểm tra văn hóa” để xem trình độ và năng lực có thể học lên bậc học trên hay không nên chỉ cần thi 3 hoặc 4 môn bắt buộc là: Văn, Toán, Ngoại ngữ (mỗi năm có thể thêm 1 môn còn lại của các môn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa lý), mặc dù thi ngoại ngữ hiện tại là bất cập, nhưng không thi bắt buộc thì học sinh vào đại học không biết ngoại ngữ, yêu cầu hội nhập là cấp bách, là hướng đi tới của chúng ta đến năm 2020.
 
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Trong ảnh: Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013.

Lý do tại sao phải thi 3 môn bắt buộc đó ai cũng hiểu rõ, ông Hùng đề xuất: “Kỳ thi nên tổ chức gọn nhẹ trong 1 ngày hoặc nhiều lắm là 3 buổi. thi tại trường học hoặc cụm trường (huyện, quận) Do Sở GD-ĐT tổ chức thi, chấm và kiểm tra theo đề chung và hướng dẫn chỉ đạo của Bộ GD-ĐT hàng năm theo thực tế”.

Theo ông Hùng, từ năm học 2014 - 2020 việc tổ chức kiểm tra văn hóa tuỳ thực tế của các trường THPT: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, năng lực quản lý của các Sở GD-ĐT mà có những giải pháp cụ thể để nâng dần năng lực tổ chức, quản lý thi cử nghiêm minh, chính xác không gian lận từng năm học một. Tiến tới 2020, việc tổ chức kiểm tra này hoàn toàn tổ chức tại trường THPT  như các nước phát triển ở châu Á và châu Âu - Mỹ đã làm.

Ông Hùng cho hay, nếu làm được như trên ta thấy áp lực về thi cử, về tỷ lệ đỗ đạt sẽ không còn là nỗi ám ảnh của nhà trường, gia đình giáo viên và các Sở GD-ĐT như hiện nay.

“Việc phân ra 2 mức độ “chứng nhận hoàn thành bậc học” và “kiểm tra văn hoá” để học lên sẽ có tác dụng thiết thực trong việc “phân luồng” học sinh, chắc chắn từ 30% đến 50% học sinh học xong lớp 12 từ nay đến 2020 sẽ đi vào cuộc sống và lao động nghề không còn bám vào “Đại học” rồi thất nghiệp như hiện nay, chắc chắn tránh được hình thức, bệnh tỷ lệ, bệnh gian dối, đối phó trong thi cử đã làm hỏng mất “nhân cách” tuổi trẻ khi vào đời” - ông Hùng khẳng định.

Hồng Hạnh (ghi)