Thí sinh thức trắng đêm, vắt kiệt sức ôn thi THPT quốc gia 2019
(Dân trí) - “Những ngày nước rút cuối cùng gần như không đêm nào em ngủ đủ giấc, vừa thức khuya để giải các mã đề, vừa cố gắng vận dụng, ghi nhớ được càng nhiều công thức càng tốt”.
Là những chia sẻ của đa số thí sinh đang chạy đua với thời gian để ôn luyện trong khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa hơn 886 nghìn thí sinh cả nước chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đầy căng thẳng.
Tâm lý là áp lực lớn nhất
Ngay lúc này hầu hết thí sinh đều đang đếm ngược từng ngày với tâm trạng lo lắng, hồi hộp pha chút hi vọng vào một kết quả cao xứng đáng với 12 năm đèn sách của mình.
Bạn Nguyễn Thu Hằng, trường THPT Đoan Hùng (Phú Thọ) chia sẻ, những ngày nước rút cuối cùng gần như không đêm nào em ngủ đủ giấc. Kỳ thực vừa thức khuya để giải các mã đề, vừa cố gắng vận dụng, ghi nhớ được càng nhiều công thức càng tốt.
Có những khi đặt lưng xuống giường, em vẫn muốn cầm theo quyển sách để đọc, vừa đọc vừa suy nghĩ rồi thiếp đi ngủ lúc nào không hay. Nhưng đang ngủ cũng hay giật mình vì đầu óc vẫn luôn miên man trong chuyện bài vở ôn tập.
Một ngày em học ba buổi sáng- chiều- tối; mỗi ca kéo dài 3 tiếng đồng hồ liên tục từ 8h sáng đến 19 giờ tối; cho nên giờ giấc sinh hoạt của cả nhà cũng bị đảo lộn theo lịch học ôn thi của em. Việc ăn, ngủ và đi học luôn được cả nhà ưu tiên, thay phiên nhau đưa đón em tới các lớp ôn để không bị muộn giờ và an toàn.
Cũng giống như Hằng, bạn Đinh Ngọc Ánh, trường THPT Kim Liên (Hà Nội) tâm sự, những ngày cuối cùng cực kì căng thẳng với chúng em, ai cũng mau mau chóng chóng “vắt chân lên cổ” để chạy đua với thời gian mỗi ngày. Không hiểu sao những lúc như vậy, em không hề thấy buồn ngủ và thậm chí cũng không muốn đi ngủ khi mọi sách vở vẫn đang ngôn ngang trên bàn học.
Chọn đăng ký thi khối khoa học xã hội nên phần đa thời gian ôn luyện Ngọc Ánh đều dành để đọc bài, ôn lại các bài văn, thơ, tiểu sử của các tác giả trong Ngữ văn lớp 12. Em thường dùng bút ghi nhớ để gạch chân các nội dung quan trọng, điểm nhấn biểu tượng cho mỗi bài, giúp cho việc ghi nhớ dễ dàng hơn; khi vào phòng thi nhanh chóng phân tích lại chính xác nhờ các từ khóa “ăn điểm”.
Không tới lớp ôn luyện như các bạn, Trần Đức Quân, trường THPT Thanh Trì (Hà Nội) chọn cách tự học ở nhà trong hơn một tháng cuối cùng trước kỳ thi. Với lý do, đến lớp sẽ càng khiến không khí trở nên căng thẳng và áp lực hơn. Bạn nào cũng than phiền học ôn được nhiều chưa, sợ sắp phải thi… điều đó làm em thấy ngột thở và mệt mỏi với những lo lắng về lượng kiến thức của mình.
Đồng thời, Quân cho rằng, tất cả kiến thức đã được thầy cô ôn tập “cuốn chiếu” trong suốt một năm học vừa qua, chặng đường cuối cùng này nên độc lập ôn tập giải các mã đề thuần thục, trau dồi khả năng suy đoán đáp án để giảm thời lượng giải câu hỏi.
Việc học độc lập giúp em tự biết mình đang thiếu – yếu ở mảng bài tập nào, từ đó tìm cách bổ sung, từ tìm hiểu cách giải sẽ giúp ghi nhớ lâu hơn là sự hướng dẫn liên tục của giáo viên.
Nghỉ ngơi để lấy lại tinh thần trước kỳ thi
Trái ngược hoàn toàn với các bạn, Nguyễn Thị Nga, trường THPT chuyên Hưng Yên (Hưng Yên) tự tin chia sẻ, xuất phát điểm là dân học chuyên khoa học tự nhiên nên phần lớn thời gian học phổ thông em được bồi dưỡng và ôn luyện ở trường, điều đó giúp em có nền tảng kiến thức vững chắc nên không khi ôn tập khá dễ thở.
Những tuần cuối cùng em dành thời gian để ôn luyện môn Ngữ văn, tuy có hơi khó khăn trong việc ghi nhớ các dữ liệu và hướng phân tích của mỗi bài. Em đã đặt mục tiêu cố gắng đọc bài mỗi ngày để có thể đạt điểm môn văn trên trung bình và đủ điều kiện xét tốt nghiệp.
Bạn Ngô Ngọc Nam, trường THPT Quang Trung (Hà Nội) cho biết, thời gian một tuần cuối cùng rất áp lực về mặt tâm lý nên em chọn cách học nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi để chuẩn bị tinh thần, sức khỏe tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.
Trải qua 5 lần thi thử THPT tại trường, cơ bản các kiến thức đã nắm được định hướng trong cách ra đề, phạm vi ra đề bài trong chương trình học nào. Nên mỗi ngày em chỉ giải 3 mã đề/3 môn Toán, Hóa, Sinh thời gian còn lại dành cho ôn tập Ngữ Văn và Ngoại ngữ. Hiện tại, em thấy khá thoải mái về mặt tinh thần và sẵn sàng bước vào kỳ thi cam go nhất đời học sinh.
Cùng tâm trạng với Nam, bạn Trần Thị Quỳnh, trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, em nghĩ thời điểm nước rút này càng cố nhồi nhét kiến thức càng mệt mỏi, căng thẳng. Do đó, em đã bắt đầu phanh lại việc ôn tập và nghỉ ngơi để thoải mái đầu óc chuẩn bị tốt kỳ thi.
Biết rằng tâm lý lo lắng đều đang bao phủ lên tất cả các bạn thí sinh, em cho rằng các bạn hãy thật bình tĩnh, đừng cố gắng vắt kiệt sức mình để ôn thi, như vậy sẽ chỉ khiến trí não bị mất tập trung và thiếu sáng suốt trong kỳ thi.
Hà Cường