Thí sinh hào hứng với câu hỏi mở đề Văn thi vào lớp 10

(Dân trí) - Sáng nay, kết thúc buổi thi môn Văn vào lớp 10 các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhiều thí sinh cho biết rất thích câu hỏi mở của đề Văn năm nay. Trong khi đó, thí sinh tại TPHCM nhận định đề năm nay không quá khó nhưng khá mở rộng.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Đà Nẵng vừa thi xong môn Văn sáng nay 21/6.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Đà Nẵng vừa thi xong môn Văn sáng nay 21/6. (Ảnh: Khánh Hiền)

Với câu hỏi yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ của Nga “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”, thí sinh Quỳnh Anh, dự thi vào THPT Trần Phú (Đà Nẵng) chia sẻ: “Em rất thích câu hỏi này. Em đã dẫn ngay việc học ở trường để nói lên suy nghĩ của mình về câu tục ngữ của Nga ở trong câu số 3. Ai cũng có thể biết điều này mà chưa biết điều kia, nhưng mình không nên vì xấu hổ mà giấu dốt, giấu dốt mới đáng xấu hổ...”.

Thí sinh trao đổi về bài làm sau buổi thi môn Văn.
Thí sinh trao đổi về bài làm sau buổi thi môn Văn. (Ảnh: Khánh Hiền)
 
Đề thi môn Văn vào lớp 10 tại Đà Nẵng năm nay.
Đề thi môn Văn vào lớp 10 tại Đà Nẵng năm nay. (Ảnh: Khánh Hiền)

Thí sinh Cao Nhật Mỹ, cũng dự thi vào Trường THPT Trần Phú, cho biết: “Nhìn chung các câu hỏi trong đề Văn đều nằm trong chương trình lớp 9. Câu hỏi mở không có trong chương trình học nhưng em thấy cũng dễ trình bày, những không biết là có đủ ý không. Câu hỏi nhiều điểm nhất (5 điểm) hỏi về tác phẩm “Những ngôi sao xa”. Đề có dẫn nguyên đoạn trích để chúng em có thể dựa vào đó mà nêu cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm, mà không cần phải thuộc tác phẩm trước đó”.

Chiều nay, các thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Đà Nẵng tiếp tục thi môn Ngoại ngữ.
 
Thi lớp 10 tại TPHCM: Ngôn ngữ chat vào đề văn
 
Sáng nay, kết thúc buổi thi đầu tiên với môn Văn, thí sinh thi lớp 10 tại TPHCM nhận định đề năm nay không quá khó nhưng khá mở rộng. Câu 2 của đề khá lạ, từ hình một người con sử dụng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ teen nói chuyện với bố yêu cầu thí sinh trả lời.
 
Tuy nhiên, câu hỏi này cũng gây tranh cãi trong thí sinh. Câu hỏi yêu cầu thí sinh nhìn hình và cho biết bạn trẻ đã vi phạm phương châm hội thoại nào, nhiều thí sinh cho rằng đó thuộc phạm vi phương châm lịch sự, ngược lại có em lại cho rằng đó là phương châm quan hệ.

 
Đề thi Văn lớp 10 khá lạ và hay. (Ảnh: Lê Phương)
Đề thi Văn lớp 10 khá lạ và hay. (Ảnh: Lê Phương)

Em Lê Ngọc Yến My, học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn thi vào Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết đề thi năm nay hơi mở và khá dài, em làm bài xong chỉ còn dư 5 phút để dò lại bài. Riêng câu hỏi phần nghị luận xã hội rất mở, tinh thần vượt khó, ham học của những em nhỏ làng chài cùng với sự hy sinh của những người mẹ nghèo khiến em thấy rất phục, chúng em thoải mái bài tỏ suy nghĩ của mình.

Còn em Lam Điền, học sinh Trường THCS Võ Trường Toản thi vào Trường THPT Trưng Vương, cho biết đề dài chứ không khó hơn đề thi năm trước. “Cách ra đề hay và thời sự, câu phân tích cũng hay khi yêu cầu học sinh nói lên lòng yêu nước”, em Điền nói thêm. Tuy vậy, một số thí sinh ý kiến rằng đề thi này sẽ gây khó cho học sinh học lực trung bình.

Thí sinh hớn hở sau giờ thi Văn. (Ảnh: Lê Phương)
Thí sinh hớn hở sau giờ thi Văn. (Ảnh: Lê Phương)

Cô Phạm Thị Vân Hương - tổ trưởng chuyên môn tổ Văn Trường THCS Trần Văn Ơn nhận định rằng đề năm nay vừa sức với học sinh, nội dung đề rõ ràng. Nhất là phần câu 4 đề rõ ràng hơn năm ngoái, học sinh dựa vào hai đoạn thơ có sẵn để phân tích chứ không cần phải tự suy nghĩ. Câu 3, nghị luận xã hội được ra rất mở. Thí sinh có thể trình bày rất nhiều vấn đề ở đoạn văn trích trong bài báo “Ôm ước mơ đi về phía biển”. Các em có thể viết về khát vọng vươn lên, tình thần tự thân vận động hoặc có thể viết về tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ với con... Tuy nhiên, câu này nếu Sở châm điểm theo thang điểm mở thì học sinh mới có lợi. Còn câu 2, nhiều em tranh cãi giữa vi phạm phương châm hội thoại lịch sự và quan hệ, nhưng đọc kỹ thì sẽ thấy câu này thuộc phạm vi lịch sử là chính. Năm nay, phần đề thi có hình cũng là điều khá lạ với đa phần thí sinh.

Khánh Hiền - Lê Phương